Du lịch là một trong những hướng đi đầu tiên được đặt ra khi đề cập đến việc phát huy giá trị của hệ thống các di tích tháp Chăm Bình Định. Những ý kiến tham gia tại cuộc tọa đàm “Làm thế nào để phát huy giá trị các hệ thống di tích tháp Chăm Bình Định” tổ chức hôm 14-11 vừa qua, cũng đã có những gợi mở nhất định cho hướng đi này.
|
Du khách tham quan tháp Bánh Ít. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
|
* Tái lập không gian văn hóa tâm linh
Có một thực tế, trong nhận thức du khách, khi nghĩ về tháp Chăm, người ta nghĩ ngay khu di tích Mỹ Sơn, đến tháp Pô Nagar ở Khánh Hòa, tháp Pô Klaung Garai ở Ninh Thuận. Trong khi đó, về số lượng và sự độc đáo, tháp Chăm Bình Định không hề thua kém các tháp ở các địa phương này. Trừ khu di tích Mỹ Sơn đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, thì có lẽ, một trong những yếu tố khiến các ngọn tháp trên được biết đến nhiều, bởi các tháp này là nơi thờ phụng của người dân quanh vùng hoặc gắn với những lễ hội của người Chăm như kate, chuyển mùa.., cùng những hoạt động tâm linh.
Bởi vậy, ý kiến về việc tái lập lại không gian tâm linh, sinh hoạt thờ tự cho các ngọn tháp Chăm Bình Định như đã được đưa ra tại cuộc tọa đàm là rất đáng lưu tâm. Điều này phù hợp với tính chất các tháp Chăm, vốn là những đền thờ Ấn Độ giáo; mặt khác, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, tạo nên tính thiêng trong các di tích và cảm giác bình yên cho mỗi du khách trong hành trình đi qua di sản. Vì bên cạnh vẻ đẹp và sự độc đáo của “vỏ” kiến trúc, những ngọn tháp Chăm Bình Định còn có phần “hồn”, tức là những sinh hoạt tín ngưỡng, gắn với văn hóa tâm linh, có thêm sức thu hút với du khách.
* Phân tuyến gắn với đầu tư
Để một tour về di tích Chăm Bình Định có sức níu chân du khách vài ba ngày, điều cần thiết là phải có sự phân tuyến hợp lý. Bên cạnh đó, việc tiến hành quy hoạch tổng thể, hình thành một bảo tàng thiên nhiên, một công trình văn hóa với phương thức gắn kết giữa thưởng thức phong cách tháp Bình Định với văn hóa Champa trên đất Bình Định theo ý kiến của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cũng thật đáng tham khảo. GS. Cao Xuân Phổ (Hội Khoa học Đông Nam Á) cũng từng khẳng định tháp Chăm Bình Định chính là một bảo tàng ngoài trời về kiến trúc và điêu khắc Chăm. Đề xuất xây dựng một bảo tàng về văn hóa Champa ở Bình Định như ý kiến của ông Nguyễn Thanh Quang (Bảo tàng Tổng hợp Bình Định) cũng là rất quan trọng, nhưng việc xác định vị trí, phương pháp trưng bày và sưu tầm các hiện vật trưng bày (nhất là các điêu khắc đá hiện đang lưu lạc tại các bảo tàng trên thế giới) cần khoa học, thận trọng và kỹ lưỡng.
Tất nhiên, để khai thác các tháp Chăm phục vụ du lịch, như nhiều ý kiến đề nghị, cần phải đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng. Đây cũng là cách kết nối di tích vào đời sống hiện đại. Với một đường vào lầy lội, chật hẹp, xe ô tô không thể đi được thì khoan hãy nói đến việc thu hút khách du lịch. Cũng vì hạn chế này mà tháp Đôi, tuy nằm ngay trong lòng Quy Nhơn nhưng lại ít khách tìm đến tham quan. Bên cạnh các tháp, cũng cần xây dựng những hạng mục khác phục vụ du lịch như nhà trưng bày, nơi bán đồ lưu niệm, giải khát...
* Phải biết tự giới thiệu về mình
Cùng với công tác tuyên truyền của các cơ quan truyền thông đại chúng, ngành du lịch phải đẩy mạnh hơn công tác quảng bá. Chẳng hạn, cần xây dựng một website về di sản Bình Định (có thể là một trang trong website về du lịch Bình Định hiện đang được xây dựng) nhằm quảng bá về vẻ đẹp của các tháp Chăm Bình Định. Một công trình biên khảo kỹ lưỡng giới thiệu về niên đại, lai lịch, đặc điểm, nét độc đáo của từng ngôi tháp bên cạnh những quyển sách phổ thông phục vụ cho khách du lịch (phải có tiếng Anh) cũng là cần thiết.
Bên cạnh đó, điểm yếu hiện nay của ngành du lịch Bình Định, chính là đội ngũ hướng dẫn viên. Thiếu những hướng dẫn viên có thể giới thiệu với du khách một cách kỹ lưỡng về hệ di tích Chăm Bình Định và vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo của từng ngọn tháp, là một khó khăn hiện nay. Được biết, sắp tới ngành du lịch sẽ mở một lớp đào tạo hướng dẫn viên và sẽ mời một số nhà nghiên cứu đến giới thiệu về văn hóa Bình Định, trong đó có các tháp Chăm Bình Định. Tuy nhiên, để hình thành một đội ngũ giỏi nghề, am hiểu sâu về các di tích Chăm, những lớp như vậy cần phải được mở nhiều hơn và việc đào tạo phải thật kỹ lưỡng và bài bản.
|