Có người thực hiện hành trình xuyên Việt chỉ để “thỏa chí tang bồng” đi một lần cho biết, nhưng có người đi suốt chiều dài đất nước là để thực hiện ước mơ khám phá văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và cảm nhận hai tiếng Việt Nam thân thương.
|
Khách du lịch tham quan hồ cá Trí Nguyên - Nha Trang. Ảnh: Hà Nhi
|
Phong phú và đa dạng
Xuyên Việt, không chỉ là Huế - Sài Gòn - Hà Nội mà là hành trình dài hơi với hàng chục điểm đến cho bạn khám phá. Dải đất miền Trung là điểm dừng đầu tiên của hành trình. Tại đây, hãy làm cuộc hành trình khám phá các di sản văn hóa của miền Trung. Thăm “đất võ” Bình Định để nghe vang vọng tiếng nhạc ngựa của đoàn quân Tây Sơn dũng mãnh; hay bất ngờ đến với đêm Hội An khám phá phố cổ lung linh ánh đèn lồng lúc đêm về; rồi xuyên hầm Hải Vân để bắt gặp kinh thành Huế trầm mặc với sông Hương núi Ngự…
Tạm biệt những công trình tuyệt mỹ được dựng nên từ bàn tay con người, đến Quảng Bình bạn sẽ được chiêm ngưỡng một kỳ quan thiên nhiên: động Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi từ lâu tự hào với danh xưng “Nam thiên đệ nhất động”. Tuy nhiên, danh xưng này đã trở nên quá “khiêm tốn” khi Phong Nha được UNESCO công nhận là hang động nước có thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất thế giới. Và thật đáng tiếc nếu bỏ qua phần tắm biển ở những vùng biển được xem là đẹp nhất Việt Nam này. Có rất nhiều bãi biển đẹp cho bạn chọn, từ bãi Tiên Sa - Hoàng Hậu đến bãi Sa Huỳnh cát trắng, và đừng quên bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), một bãi biển đẹp vừa được quy hoạch thành khu du lịch…
Rời miền Trung, cuộc hành trình đến với vùng núi Tây Bắc. Đêm Mai Châu, ngủ ở nhà sàn dân tộc Thái, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức cơm nếp xôi- đặc sản cơm lam và chương trình văn nghệ cồng chiêng đặc sắc. Nếu xuyên Việt trong mùa này, điểm đến mà bạn không thể bỏ qua là Hà Nội-Hạ Long. Khám phá Thăng Long ngàn năm và vịnh Hạ Long di sản thế giới trong tiết trời se lạnh cũng là một cái thú của người đi du lịch. Đa phần chọn đi tour xuyên Việt đều là dân mê du lịch, mê khám phá nét văn hóa, lịch sử của từng địa phương. Đến Huế, không thể thiếu phần du thuyền rồng thưởng thức ca Huế, thả đèn hoa đăng cầu may mắn trên sông Hương; lên Tây Bắc không thể thiếu những đêm văn nghệ cồng chiêng; đến Bình Định không thể bỏ qua Bảo tàng Quang Trung với chương trình nhạc võ Tây Sơn hào hùng và hấp dẫn.
Xuyên Việt là đi ngược dòng lịch sử Nam tiến của dân tộc để tìm về với cội nguồn. Hãy đi và thử ghi lại cảm xúc của mình khi đặt chân đến di tích đền Hùng, cố đô Hoa Lư với đền thờ hai vua Đinh-Lê, ải Chi Lăng, thành nhà Hồ… Làm sao quên được những giây phút đứng lặng lẽ bên ngã ba Đồng Lộc, bên nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hay bên cầu Hiền Lương-ranh giới vĩ tuyến 17 năm nào… Hãy đi để cảm nhận và thêm yêu hai tiếng “Việt Nam”.
* Du lịch xuyên Việt cần gì?
Do di chuyển qua nhiều vùng có thời tiết, khí hậu khác nhau, thậm chí có những vùng thời tiết có thể thay đổi đột ngột trong ngày, vì thế bạn nên thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trên đài truyền hình, đài phát thanh địa phương mà mình sẽ ghé đến.
Đặc biệt, trên đường tham quan, khi xuống các hang động như động Tam Cốc (Ninh Bình), động Phong Nha (Quảng Bình)… không khí bên trong sẽ lạnh đột ngột do hơi nước quyện vào các khe đá, thạch nhũ, du khách đi sâu vào động sẽ dễ bị “sốc” và nhiễm lạnh… Người cao tuổi hay sức khỏe yếu nên mang theo áo ấm khi vào tham quan động. Đến miền Trung, nhất là từ Phan Rang trở ra, khí hậu rất nóng bức và khô hạn. Khi đi ngang qua đây, bạn cần chuẩn bị sẵn quần áo dài tay, khẩu trang để tránh nóng.
Chuyện ăn uống trên đường tour cũng cần lưu ý. Vì đi du lịch xuyên Việt nên tâm lý du khách nào cũng muốn thưởng thức đặc sản từng vùng, nhưng không phải món ăn địa phương nào cũng hợp với khẩu vị của bạn. Cũng cần tránh ăn những thức ăn sống, không nên ăn quá đầy bụng.
Đi một hành trình dài xuyên suốt đất nước, ai cũng muốn mua đặc sản từng vùng để kỷ niệm hoặc mang về làm quà tặng gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, nên theo nguyên tắc “3 không” cho những chuyến “shopping” trên đường xuyên Việt là không mua nhiều, không mua vật nặng và không mua… hàng lậu.
|