Du lịch Bình Định:
Những điểm tựa để cất cánh
11:30', 22/12/ 2006 (GMT+7)

Phát huy những thắng lợi đã đạt được ở các năm trước, trong năm 2006 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh - ngành Du lịch (DL) Bình Định đã có bước chuyển biến tích cực về nhiều mặt. Bên cạnh đó, nhiều điều kiện thuận lợi về chủ trương chính sách, cơ sở hạ tầng... cũng đã mở ra một vận hội mới đối với ngành DL tỉnh Bình Định.

 

Cầu Thị Nại về đêm. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

1. Trong năm 2006, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng rộng khắp đã tạo điều kiện hình thành các tuyến, điểm DL đã được quy hoạch trước đó. Đặc biệt, tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội được khánh thành, đưa vào sử dụng đã mở toang một không gian bao la ở phía Đông Bắc TP Quy Nhơn. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, dân sinh nói chung, đây là một tuyến đường DL rất quan trọng. Chỉ riêng cầu Thị Nại - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam - đã là một điểm tham quan hoành tráng và đầy hấp dẫn, được các đơn vị kinh doanh DL đưa ngay vào chương trình giới thiệu, quảng bá tour mới. Ngoài ra, tuyến đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan; tuyến đường Gò Găng - Cát Tiến và các tuyến đường Nhơn Hội - Nhơn Lý, Nhơn Hội - Nhơn Hải đã kết hợp với tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội tạo nên một mạng lưới giao thông liên hoàn, mở ra nhiều thuận lợi cho các tour DL Bình Định.

Về mặt quốc tế, việc hoàn thành đường 18B nối các tỉnh Nam Lào với cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum); hoàn thành cầu Hữu Nghị nối tỉnh Mục Đa Hãn (Thái Lan) và Savannakhet (Lào)… đã chính thức khai thông tuyến hành lang Đông - Tây chạy từ Myanmar qua các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào đến các cảng biển miền Trung Việt Nam, trong đó có Quy Nhơn, đã mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành DL tỉnh Bình Định.

2. Với việc phát triển hệ thống lưu trú, đến nay toàn tỉnh đã có gần 50 khách sạn (trong đó khách sạn cao cấp chiếm khoảng 15%) và nhiều nhà nghỉ, nhà khách (chủ yếu tập trung ở TP Quy Nhơn) được trang bị đầy đủ tiện nghi hiện đại, các dịch vụ và phục vụ ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn. Trong tổng số gần 1.500 phòng nghỉ, có gần 1.000 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đến tháng 3-2007, khi khách sạn Hải Âu đưa vào hoạt động khách sạn mới, sẽ tăng thêm 110 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn 4 sao. Hiện nay, việc kinh doanh lưu trú còn gặp nhiều khó khăn do lượng khách DL đến Bình Định còn hạn chế. Song, với đà thăng tiến của các hoạt động DL và nhiều yếu tố khác, số cơ sở lưu trú nói trên hoàn toàn có triển vọng được khai thác tốt, công suất sử dụng phòng sẽ từng bước tăng dần; nhất là khi khu kinh tế Nhơn Hội bước vào giai đoạn khởi động ngày càng mạnh mẽ với nhiều tín hiệu khả quan.

3. Bình Định là một địa phương có bề dày truyền thống về lịch sử, văn hóa, được thiên nhiên ưu đãi với địa hình phong phú, đa dạng, đầy đủ biển, núi, sông, hồ… Đó là những tiềm năng quý báu để phát triển các tour DL văn hóa, lịch sử, sinh thái biển-rừng… Đáng lưu ý là hệ thống di tích tháp Chăm đang được quan tâm trùng tu, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng (như tháp Bánh Ít, tháp Đôi, tháp Dương Long…) để phát huy giá trị di tích; trong đó yếu tố phục vụ DL chiếm vai trò quan trọng. Việc vận động, đề xuất cấp trên cho chủ trương tiến hành nghiên cứu, làm các thủ tục, hồ sơ… để hệ thống di tích tháp Chăm Bình Định được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, tuy mới khởi động nhưng cũng được đặt nhiều hy vọng. Nếu mong muốn này trở thành hiện thực thì sẽ mang lại một “giá trị tuyệt đối” để DL Bình Định nhanh chóng thăng hoa!

Bên cạnh đó, Festival Tây Sơn-Bình Định (dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 8-2007) đang được các ngành chức năng tích cực chuẩn bị về nhiều mặt, với quyết tâm làm cho Festival này xứng đáng là sự kiện văn hóa-DL mang tầm cỡ quốc gia, nhằm quảng bá có hiệu quả về văn hóa-DL Bình Định trong cả nước và thế giới. Festival Tây Sơn - Bình Định được tổ chức thành công sẽ là một bước ngoặt mở ra triển vọng mới cho DL Bình Định. Ngoài ra, một số khu DL trên tuyến DL Phương Mai - Núi Bà vừa được cấp giấy phép đầu tư và khởi công xây dựng cũng là “tiếng pháo” khởi đầu cho các dự án lớn về DL sắp được triển khai.

4. Chúng tôi thử điểm qua một số điều kiện cơ bản như đã nói ở trên, chắc chắn rằng chưa đầy đủ và chưa hẳn là những điều kiện quan trọng nhất, nhưng cũng để thấy rằng tương lai phát triển của DL Bình Định là hoàn toàn hiện thực. Song, cái tương lai đầy triển vọng ấy có đến nhanh hay không là còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan khác. Trong đó, quan trọng nhất là việc tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ DL; công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu về DL Bình Định rộng rãi trong nước và thế giới; công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ DL; sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh DL… Tất cả đều nhằm góp phần tạo nên một môi trường DL ngày càng hoàn chỉnh, là tiền đề vững chắc để DL Bình Định cất cánh!

  • Nguyên Vũ
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chốn lạ ở lưng chừng Quy Nhơn  (21/12/2006)
Khởi động những dự án đầu tư phát triển du lịch  (16/12/2006)
Du lịch “miền gió cát”: Những bước khởi động tích cực  (08/12/2006)
Ấn tượng Resort Hoàng Anh Quy Nhơn  (07/12/2006)
Hành trình khám phá những nẻo đường đất nước  (01/12/2006)
Tết Ka Tê của đồng bào Chăm Ninh Thuận  (22/11/2006)
Kết nối giá trị di sản vào phát triển du lịch  (17/11/2006)
Núi Bà - Đá Vọng Phu  (16/11/2006)
Triển vọng khai thác du lịch ở tháp Đôi   (10/11/2006)
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng  (03/11/2006)
Về Hầm Hô, xơi... trứng kiến vàng  (01/11/2006)
Resort chưa... “ngọt” như mong đợi!  (30/10/2006)
Bao giờ mới được đầu tư xây dựng?  (27/10/2006)
Triển vọng thu hút khách du lịch tàu biển  (20/10/2006)
Bán đảo Phương Mai  (19/10/2006)