Làm gì để du lịch Bình Định nhanh phát triển ?
14:13', 28/8/ 2006 (GMT+7)

Vừa qua, Sở Du lịch (DL) Bình Định đã cùng với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh du lịch (KDDL) trên địa bàn tỉnh tổ chức mạn đàm xoay quanh nội dung: “Làm gì để du lịch Bình Định phát triển?”. Dưới đây là những ghi nhận về cuộc mạn đàm này.

 

Đội du thuyền của khu du lịch Hầm Hô sẵn sàng phục vụ du khách. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Thực trạng

Phát biểu mang tính chất gợi mở, ông Hồ Minh Kính, Phó Giám đốc phụ trách Sở DL cho rằng Bình Định là một tỉnh có nhiều tiềm năng về DL. Những năm gần đây, DL Bình Định đã có những bước phát triển khá tốt. Tuy nhiên, những thành quả ấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Sự phát triển chưa đồng đều, các cơ sở lưu trú phát triển nhanh, trong khi các danh thắng, di tích, các tour DL gắn kết văn hóa, làng nghề thủ công... chưa được quan tâm đầu tư, khai thác. DL Bình Định vẫn chưa phải là một điểm đến hấp dẫn với du khách. Tình trạng khách DL đến đây không biết đi đâu và vui chơi cái gì là có thật. Tình trạng cạnh tranh theo chiều hướng xấu đã xảy ra giữa các đơn vị kinh doanh lưu trú, các đơn vị lữ hành... Chính vì vậy, nhiệm vụ của Sở DL là phải tập hợp được tất cả các đơn vị KDDL trên địa bàn, để cùng tìm được tiếng nói chung, để “nhiều tay vỗ lên kêu”, tạo được sự tin tưởng và góp sức của tất cả các đơn vị KDDL, làm cho Bình Định thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn.

* Những lời tâm huyết

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều là những lời tâm huyết, nói thẳng, nói thật để cùng góp phần phát triển ngành “công nghiệp không khói” của Bình Định. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn cho rằng: Về tiềm năng, Bình Định không hề thua các địa phương là “đại gia” về DL như Nha Trang, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đà Lạt. Chúng ta chỉ thua người ta vì đầu tư chưa thỏa đáng, quảng bá, giới thiệu kém. Theo ông Nguyễn Nga Lâu, Chủ tịch HĐQT khách sạn Hoàng Yến: Các khách sạn ở Quy Nhơn cần phải có tiếng nói chung, không nên cạnh tranh đến mức ghìm giá xuống như hiện nay. Vấn đề đặt ra hiện nay với các khách sạn là cần gia tăng chất lượng dịch vụ và phục vụ. Đó mới là sự cạnh tranh theo hướng tích cực. Ông Phạm Văn Mân, Giám đốc Công ty cổ phần DL Hầm Hô nêu một số bất cập: Muốn “giữ chân” du khách, cần phải tạo ra các điểm đến hấp dẫn như khu du lịch Hầm Hô. Tuy nhiên, việc triển khai dự án này gặp rất nhiều trục trặc về thủ tục hành chính, làm cho dự án chậm triển khai, gây khó khăn cho DN. Đối với các dự án đầu tư khác, Nhà nước dành nhiều ưu đãi về giao đất, giải phóng mặt bằng, thi công cơ sở hạ tầng, điện nước... Nhưng với các dự án về DL thì những ưu đãi này không hề có...

Ông Phạm Nguyễn Kiên Trung, Giám đốc Công ty DL miền Trung thì cho rằng: Hiện nay, đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) DL của Bình Định vừa thiếu lại vừa yếu. Cả tỉnh chỉ vài người có chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó các đơn vị lữ hành trên địa bàn và các khách sạn trong tỉnh chưa tìm được tiếng nói chung để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ông Phan Ngọc Dũng, Giám đốc Chi nhánh Vietravel cho biết: Các đơn vị KDDL tại Bình Định còn có thói quen “bán cho du khách cái mà mình có, chứ chưa phải là cái mà du khách cần”. Ông đơn cử việc đoàn tiền trạm của Công ty DL tỉnh Ubonrachathani (Thái Lan) khi sang tìm hiểu về DL Bình Định, nhưng một số đơn vị DL ở đây chỉ giới thiệu những tour, tuyến, điểm thực sự không hấp dẫn người Thái, trong khi họ rất quan tâm đến DL biển (vì khu Đông Bắc Thái rất xa biển), thì chúng ta lại ít đề cập đến. Hiện nay, chúng ta đang chậm chân trong việc khai thác thị trường DL đầy tiềm năng này. Theo bà Tạ Thị Hòa, Giám đốc khách sạn Hải Âu: Khách DL nước ngoài đến Bình Định, phần lớn đều không muốn quay lại lần thứ 2, vì sản phẩm DL của chúng ta còn nghèo nàn. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong ngành DL với các ngành chức năng và sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa tốt. Tiềm năng du lịch của chúng ta thì lớn, nhưng chưa được đầu tư khai thác tốt. Ông Trần Đức Vinh, đại diện Resort Hoàng Anh Quy Nhơn thì cho rằng: Hiện Bình Định, Quy Nhơn mới là điểm dừng chứ chưa phải là điểm đến của du khách. Muốn cải thiện tình trạng này, không chỉ từ sự cố gắng của các DNKDDL trong tỉnh. Chúng ta cần phải có được những bài học hay từ các tỉnh ít tiềm năng DL hơn chúng ta, nhưng lại đi trước và thành công hơn...

 

                              Bình yên Bãi Xép. Ảnh: N.V

 

* Kiến nghị, giải pháp

Các đại biểu tham dự cuộc mạn đàm đều nhất trí đề nghị: Trong các chương trình hợp tác với TP Hồ Chí Minh, Bình Định cần đưa ngành DL vào vị trí tương xứng, cần khai thác tốt “đầu cầu” này để quảng bá, giới thiệu nhiều hơn về DL Bình Định. Qua đó kết nối chặt chẽ hơn với các đơn vị DL của TP Hồ Chí Minh. Ông Phạm Văn Mân đề xuất: Lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng cần quan tâm đến ý kiến đánh giá về giá trị hệ thống di tích tháp Chăm Bình Định của rất nhiều các chuyên gia sử học và du khách quốc tế am hiểu về tháp Chăm. Cần có sự quảng bá, khuếch trương để các tổ chức quốc tế xem xét xếp hạng di sản văn hóa thế giới cho các cụm tháp này. Được như vậy sẽ là một tài sản lớn cho DL và văn hóa Bình Định. Ý kiến này được rất nhiều đại biểu đồng tình.

Một số ý kiến đề xuất các địa phương, các ngành cần có sự đồng thuận với ngành DL, không nên thờ ơ hoặc quá máy móc trong thực thi công việc, gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của tỉnh. Theo giám đốc một số khách sạn, nhiều du khách nước ngoài rất khó chịu với việc ban đêm đang ngủ, họ bị ngành chức năng gõ cửa kiểm tra. Nhiều du khách quốc tế rất ngạc nhiên vì một đô thị loại 2 xinh đẹp và thơ mộng như Quy Nhơn lại không có lấy một vũ trường...

Kết thúc cuộc mạn đàm, các đại biểu đều thống nhất: các cuộc mạn đàm này nên tổ chức định kỳ 2 tháng/lần, tập trung thảo luận từng nội dung cụ thể, để tất cả cùng góp phần tìm ra những giải pháp khả thi nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển DL Bình Định.

  • Cát Hùng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hướng tới Festival Quy Nhơn 2007: Ai về Bình Định mà chơi   (28/08/2006)
Du lịch hậu WTO: " Rơi rụng" hay sàng lọc và phát triển?   (28/08/2006)