Du lịch hậu WTO: " Rơi rụng" hay sàng lọc và phát triển?
14:30', 1/9/ 2006 (GMT+7)

Bộ mặt thị trường du lịch sẽ chuyển biến ra sao sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... là điều không dễ hình dung. Bài báo phác họa một số diễn biến của quá trình mở cửa thị trường du lịch qua cái nhìn của các doanh nghiệp và Tổng cục Du lịch VN.

 

Du lịch Hầm Hô - ảnh Đào Tiến Đạt

 

Cơ hội nào cho doanh nghiệp trong nước?

Vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đã và đang đặt ra là điều gì sẽ diễn ra khi nước ta mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài thành lập công ty 100% vốn nước ngoài hoạt động kinh doanh lữ hành? Đã có những nhận định, đánh giá khác nhau trong giới kinh doanh du lịch đối với vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng, trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành, các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn nước ngoài sẽ “đổ bộ” vào và trực tiếp đưa, đón khách vào VN. Nhiều doanh nghiệp trong nước trước nay hợp tác liên doanh với nước ngoài trong hoạt động này sẽ bị “bỏ rơi”. Với nguồn vốn lớn, thương hiệu mạnh, công nghệ du lịch cao, có mạng lưới đại lý toàn cầu... các hãng nước ngoài sẽ làm chủ thị trường khách quốc tế. Nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ điêu đứng, thậm chí “sập tiệm”. Trong số này có không ít các đơn vị quốc doanh vốn hoạt động kém hiệu quả do bộ máy cồng kềnh, khả năng linh hoạt, thích nghi kém, nguồn nhân sự bị lôi kéo...

Như vậy, trong ba mảng kinh doanh lữ hành: đưa khách quốc tế vào VN (inbound), đưa khách VN đi nuớc ngoài (outbound) và khách du lịch nội địa, thì doanh nghiệp trong nước chỉ khai thác được mảng khách du lịch nội địa và một phần khách VN đi nước ngoài. Một bức tranh không mấy lạc quan đối với doanh nghiệp lữ hành trong nước.

Cách nhìn nhận này có cơ sở thực tế là hoạt động kinh doanh lữ hành ở nước ta thời gian qua đã bộc lộ những mặt yếu kém như: công nghệ điều hành du lịch chưa chuyên nghiệp, mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch (khách sạn, nhà hàng, phương tiện đi lại...) chưa ổn định, công tác tiếp thị kém..., nói chung là chưa chuyên nghiệp. Nay các doanh nghiệp phải đương đầu với các đại gia của thế giới, khó khăn thử thách quả là rất lớn và và khó tránh khỏi tình trạng bị rơi rụng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng tác động của việc mở cửa này mang tính hai mặt và thực tế diễn ra không đơn giản, một chiều mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Theo ông Võ Anh Tài, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, việc các hãng nước ngoài vào nước ta như thế nào còn tùy thuộc vào nội dung thỏa thuận và lộ trình thực hiện các cam kết của nước ta khi gia nhập WTO.

Mặt khác, nếu xem việc thâm nhập thị trường như một dạng đầu tư thì họ sẽ phải tính toán, cân nhắc nhiều mặt, vì đầu tư thường có yếu tố rủi ro. Nếu thấy quy mô thị trường nhỏ hoặc môi trường đầu tư chưa thích hợp thì họ có thể chưa vào mà tìm cách hợp tác với doanh nghiệp trong nước.

Thực tế, trong thời gian đầu, các doanh nghiệp nước ngoài không dễ gì xây dựng được mạng lưới riêng và phải cần đến các dịch vụ của doanh nghiệp trong nước cung cấp. Nhiều khi đưa thẳng khách vào VN chưa chắc đã có lợi hơn là hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp trong nước.

Nói chung, vấn đề còn tùy vào sự xem xét, đánh giá của họ đối với thị trường du lịch nước ta. “Theo tôi, đây là còn là một “ẩn số” - ông Tài nhận định. Tuy nhiên, có một điều mà ông Tài khẳng định, đó là trong thực tế, các hãng nước ngoài đã kinh doanh lữ hành (inbound) tại VN từ những năm qua dưới hình thức hợp tác, liên doanh. Và cuộc cạnh tranh đã diễn ra khá gay gắt từ trước khi mở cửa. Vào WTO áp lực cạnh tranh sẽ nặng nề, tuy nhiên đó không phải là điều bất ngờ.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí, Trưởng bộ môn du lịch Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng điều chắc chắn là việc mở cửa dịch vụ lữ hành sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh cao, sản phẩm du lịch phong phú, giá cả rẻ hơn và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi.

Mặt khác, dưới tác động của việc mở cửa sẽ diễn ra sự sàng lọc mạnh mẽ: nhiều công ty nhỏ, do không cạnh tranh nổi, sẽ trở thành đại lý gom khách bán cho các công ty lớn. Đây là quá trình chuyên môn hóa tất yếu xảy ra khi du lịch phát triển thành một ngành công nghiệp hẳn hoi.

“Lâu nay ở nước ta không phân biệt giữa đại lý lữ hành (tour agency) và công ty lữ hành (tour operator). Nhiều đơn vị nhỏ vừa làm đại lý gom khách đồng thời cũng đứng ra tổ chức tour và điều này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cạnh tranh phá giá, bán tour “bèo”, gây nên cảnh bát nháo trong kinh doanh lữ hành” - ông Trí nói.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả doanh nghiệp nhỏ sẽ phải chuyển hình thức hoạt động hoặc bị “sập tiệm”. Sân chơi vẫn còn có chỗ cho họ miễn là biết cách làm và làm nghiêm túc. Họ có thể khai thác các thị trường nhỏ, thị trường “ngách” không nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp lớn.

Nhìn ở khía cạnh cung cấp dịch vụ, có thể thấy rằng khi du lịch phát triển, khách vào ngày càng nhiều thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ như ăn uống, khách sạn, xe cộ, đặt vé máy bay... càng tăng. Đây sẽ cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong nước.

Tự xoay xở khi chưa có chiến lược chung

Đối với Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, do nhận thức tính chất cạnh tranh ngày càng tăng dù có vào hay chưa vào WTO, cho nên từ vài năm qua, công ty đã chủ động đẩy mạnh cả ba mảng hoạt động: đón khách quốc tế, đưa khách đi nước ngoài và du lịch nội địa. “Rút kinh nghiệm qua trận dịch SARS, chúng tôi không quá thiên về một mảng nào mà chủ trương mở rộng liên kết đa phương, đa dạng hóa sản phẩm” - ông Tài cho biết.

Cũng theo ông Tài, Saigontourist từ lâu đã là một thương hiệu lớn của cả nước, cho nên trong kinh doanh, Công ty Dịch vụ lữ hành luôn phát huy giá trị của nó. Trong cuộc hội nhập sắp tới, công ty cũng xem đây như một nguồn vốn lớn, một thế mạnh trên bàn đàm phán liên kết làm ăn với các đối tác bên ngoài.  

Từ đầu năm đến nay, Công ty cổ phần Du lịch Tân Định (Fiditourist) đã tiến hành rà soát, chấn chỉnh các tour của mình, đặc biệt là các tour đi nước ngoài. “Công ty đang chuẩn hóa các tour nhằm nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Đó là cách chúng tôi chuẩn bị cho việc gia nhập WTO sắp tới” - ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Fiditourist, nói. Ông Hùng cũng cho biết, trong tương lai, khi lượng khách đông, giá cả ổn định, Fiditourist sẽ mở các đại lý lữ hành hoặc liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp khác.   

Đi tìm những thị trường mới cũng là một cách để tăng khả năng hoạt động của doanh nghiệp. Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Asian Trail, cho biết thị trường truyền thống của công ty là Tây Âu, tuy nhiên hiện nay thị trường này đang bị chi phối bởi những doanh nghiệp lớn, do vậy công ty đang tìm kiếm thêm những thị trường mới như Bắc Âu, Nga, Mỹ...

Trong khi đó, Bến Thành Tourist chuẩn bị cho việc hội nhập bằng chủ trương mở rộng phạm vi kinh doanh, nâng cao chất lượng các dịch vụ đón khách như nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận chuyển, dịch vụ giải trí... “Không nên chỉ chú tâm đến việc mở tour. Ai đưa khách vào cũng tốt, vấn đề là người nào có dịch vụ tốt thì khách sẽ dùng dịch vụ của người đó” - ông Thân Hải Thanh, Giám đốc công ty, nói.

Mặt khác, ông Thanh cũng đang nghĩ đến việc cùng một số doanh nghiệp hình thành một liên minh để tạo ra sức mạnh trong cuộc cạnh tranh sắp tới. “Tuy quá trình hội nhập sẽ có nhiều khó khăn nhưng nếu chuẩn bị từ bây giờ thì sau một thời gian, doanh nghiệp sẽ học hỏi kinh nghiệm để phát triển” - ông Thanh khẳng định.

Đối với Vòng Tròn Việt, một công ty TNHH ra đời cách đây hai năm chuyên thực hiện các tour phục vụ công tác xúc tiến thương mại, dự hội thảo, khảo sát thị trường... của các cấp quản lý ở các tỉnh ĐBSCL, thì nỗi lo cạnh tranh không quá lớn. “Thị trường của chúng tôi khá hẹp, công tác tổ chức phức tạp, đòi hỏi sự am hiểu địa phương... do vậy sẽ không có nhiều đối thủ”, Giám đốc Phạm Kim Huê cho biết.

Cũng theo ông Huê, để có thể tồn tại trong sân chơi WTO, doanh nghiệp cần xác định rõ ưu thế của mình và tập trung đầu tư vào đó. Và dù quy mô lớn, nhỏ thế nào, doanh nghiệp cũng phải xây dựng uy tín, thương hiệu và làm ăn một cách chuyên nghiệp.

Có thể nói, mỗi doanh nghiệp tùy theo quy mô, mục tiêu và khả năng của mình đã tự mình chuẩn bị cho sân chơi WTO sắp mở ra. Tuy nhiên, nhìn trên toàn cục, những nỗ lực của từng doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp khó lòng làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt chung của du lịch nước ta. Cần phải có đầu tàu dẫn dắt; cần phải có chiến lược phát triển trong điều kiện mới từ lãnh đạo ngành du lịch, các nhà hoạch định chính sách.

Những vấn đề lớn của du lịch như định hướng, quy hoạch phát triển vùng du lịch, hỗ trợ xây dựng các trọng điểm, các sản phẩm chủ lực có sức thu hút lớn, đào tạo nhân lực, quảng bá tiếp thị hình ảnh VN ra thế giới... đòi hỏi sự hỗ trợ, can thiệp từ cấp vĩ mô.

Tháng 4-2006, Tổng cục Du lịch đã công bố Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn từ 2006 - 2010. Tuy nhiên, trong chương trình này lại không có phần nào đề cập trực tiếp đến việc VN sẽ gia nhập WTO và vạch ra chiến lược phát triển tương ứng.

Trước tình hình mới, rõ ràng chương trình này cần được xem lại và điều chỉnh cho phù hợp. Và điều quan trọng đối với cấp quản lý vĩ mô là xây dựng mối liên kết, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các thành phần, địa phương, tránh tình trạng phân tán, tự phát, mạnh ai nấy làm, để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc cạnh tranh gay gắt sắp tới.         

Để có thể tồn tại trong sân chơi WTO, doanh nghiệp cần xác định rõ ưu thế của mình và tập trung đầu tư vào đó. Và dù quy mô lớn, nhỏ thế nào, doanh nghiệp cũng phải xây dựng uy tín, thương hiệu và làm ăn một cách chuyên nghiệp

. Theo TBKTSG

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>