Hải Minh - cách một tầm nhìn
14:37', 17/9/ 2006 (GMT+7)

Đứng trên đường Xuân Diệu nhìn về phía bán đảo Phương Mai, ta thấy một dãy phố lúp xúp nhô lên trên những lớp sóng xanh, tượng Đức Thánh Trần sừng sững trấn ngay trên đỉnh đồi... Cứ tính theo phương diện quản lý hành chính thì làng chài Hải Minh thuộc khu vực 9 phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn. Rất gần. Cách một tầm nhìn. Nhưng Hải Minh cũng vừa đủ xa để những ai thích làm một chuyến dã ngoại trong ngày chọn nơi đây làm đích đến.

 

Đồi Phương Mai nhìn từ bãi Nhạn. Ảnh: Nguyễn Phúc.

 

Gần nhưng chưa bao giờ cũ

Để đến Hải Minh, ta nên xuống bến Hàm Tử, đi đò ngang để có thể ngắm cảnh quan ven đầm Thị Nại. Chỉ chừng 20 phút là đến nơi. Chi phí qua đò vỏn vẹn 1.000 đồng/người. Đừng quên mang sẵn vài món đồ ăn và nước uống.

Gần như ai đến Hải Minh cũng được người làng chài khuyên nên lên thăm tượng đài Đức Thánh Trần. Xuất phát từ bến Hàm Tử để sang một nơi có thể vọng tưởng đến Đức Thánh Trần cũng hay lắm chứ. Người xưa quả khéo đặt tên.

Từ chân núi, men theo một con dốc thoai thoải được trải nhựa khoảng 500m bạn sẽ thấy ngay dưới chân mình, vịnh biển bên dưới là một bức tranh sống động. Những bè nuôi tôm cá, những con thuyền nhỏ neo đậu gần các gành đá chồm ra khơi và những mái nhà lô nhô. “Hồng Kông 2” đấy - cái tên mà người dân Quy Nhơn đã từng ví von khi nhắc đến Hải Minh trong những năm người qua kẻ lại buôn bán tấp nập hàng điện tử secondhand một thời. Cũng chỉ vài năm ồn ào thôi, làng chài nay đã tĩnh lặng trở lại.

Khu tượng đài được xây dựng từ những năm đầu thập niên 70, nằm trên đỉnh đồi cuối cùng phía Nam dãy Phương Mai. Được thiết kế như một công viên nhỏ, cho phép bạn có thể nghỉ chân ở đây. Ở chân tượng có 4 bức phù điêu trang trí bốn mặt bệ tượng. Bức phía Đông diễn tả tấm lòng người anh hùng biết bỏ qua mối hiềm khích trong dòng tộc, để tạo mối đoàn kết toàn dân tộc làm sức mạnh đánh dẹp quân thù. Bức phía Tây là hình ảnh Hưng Đạo Đại Vương kiên quyết khuyên vua xông pha đánh giặc, chứ không buông kiếm đầu hàng trước mối họa xâm lăng. Bức phía Nam là hình ảnh các bô lão tại hội nghị Diên Hồng, tay giơ cao hô vang hai chữ sát Thát, đồng lòng cùng cả dân tộc quyết đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Bức phía Bắc mô tả một trận thủy chiến với quân Nguyên - Mông, một chiến công hiển hách của Đại Việt.

Phía Tây của bệ đài có một cửa nhỏ, ngắm phù điêu xong, bạn có thể leo cầu thang thẳng đứng, dẫn lên trên phần bệ đặt chân của pho tượng. Ngồi ở đây du khách đón những cơn gió lồng lộng xung quanh và thỏa tầm mắt về bốn phía. Sự hùng vĩ của thiên nhiên biển cả, tấm lòng kiên trung dốc lòng một đời vì nước của Đức Thánh Trần khiến những người vô tâm nhiều khi cũng thấy thôi thúc trong lòng để phải làm một cái gì đó có ích cho quê hương.

Cũng có nhiều ý kiến khác nhau về bức tượng này (về nguồn gốc, động cơ xây dựng, đẹp xấu...) nhưng thôi, gì thì gì đây vẫn cứ là tượng Đức Thánh Trần, ta hãy cứ ngồi dưới chân ngài nắm cảnh quê hương mình. Thành phố đang hiện ra dưới tầm mắt của bạn. Ngắm Quy Nhơn có lẽ không góc nhìn nào đẹp hơn khi đứng hai vị trí trên đỉnh Vũng Chua (hoặc núi Bà Hỏa) và từ đây, bên cạnh tượng đài này.

 

Lối lên tượng đài Đức Thánh Trần. Ảnh: Văn Lưu

 

Đứng ở chân tượng đài Đức Thánh Trần, trong tầm mắt bạn là các con tàu đang xuất hàng ở cảng, đỉnh nhà thờ nhọn cao vút, các tòa nhà cao tầng... Bãi biển vẽ một đường cong duyên dáng như chân mày của một thiếu nữ kiêu sa trải từ bãi Nhạn vào tận Ghềnh Ráng. Phía dưới chân tượng đài là ngọn hải đăng Phước Mai bốn mùa chớp nháy hướng dẫn tàu bè ra vào cửa biển. Xa mờ mờ về hướng Đông là hòn Cù Lao Xanh. Và xa hơn nữa là đại dương bất tận. Chỉ chừng ấy thôi, hồn bạn đã thư thái hơn rồi đấy, ít nhất so trước với khi còn đứng chờ đò ở bến Hàm Tử.

 

Đầm Thị Nại - một bức tranh sơn thủy hữu tình

Bạn đã ngắm Quy Nhơn. Bạn đã nhìn về phía đại dương. Giờ xin mời bạn quay về với đầm Thị Nại.

Không phải tự nhiên mà ca dao xứ nẫu đã đúc kết: “Bình Định có núi Vọng Phu/ Có Đầm Thị Nại, có Cù lao Xanh”. Nhìn từ Hải Minh, đầm Thị Nại hợp với bán đảo Phương Mai tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình mà có lẽ hiếm nơi nào có được. Mặt đầm trong xanh phẳng lặng, mây núi chập chừng, làng chài yên bình ẩn mình dưới chân núi, xa xa tầm mắt là cây cầu vượt đầm Thị Nại mảnh như sợi chỉ căng ngang qua eo biển. Bạn hãy đứng dọc lan can, ngắm các chiếc thuyền đánh cá nhấp nhô sóng nước.

Đầm Thị Nại như một bức tranh được chia ra hai mảng màu. Một bên là màu xanh nhạt, sông Hà Thanh và sông Kôn chảy từ thượng nguồn phía Tây đổ vào đầm. Ở phút giao hòa với biển Đông, sắc nước sẽ có màu này. Chảy ra ngoài thêm một chút nữa, nước sẽ xanh biếc màu của biển khơi, của đại dương. Những dòng chảy ngoằn nghèo,  những vệt lượn dài khi sắc nước bị pha khiến những người nhạy cảm hình dung đó như thể một cuộc chia tay bịn rịn và cảm khái với hai câu thơ của Tản Đà - Non cao đã biết hay chưa/ Nước đi ra biển lại mưa về nguồn.

Cho đến quãng những năm 60 của thế kỷ trước, ghe thuyền từ ngoài biển vẫn còn vào sâu trong đầm, ngược dòng sông Kôn lên đến tận An Thái, Gò Bồi để mua bán… Hẳn ngày xưa mặt đầm tấp nập hơn bây giờ rất nhiều. Các nhà khảo sát địa chất cho biết, sa bồi đã đáy sông nhô dần lên và thuyền không thể ngược dòng như trước, vả lại những đập dâng trên sông đã lấy đi chức năng "thủy lộ" của sông Kôn. Cảnh dâu bể tang điền cũng vì thế mà đến.

 

Thành phố đang hiện ra dưới tầm mắt của bạn. Ngắm Quy Nhơn có lẽ không góc nhìn nào đẹp hơn khi đứng hai vị trí trên đỉnh Vũng Chua (hoặc núi Bà Hỏa) và từ đây, bên cạnh tượng đài Đức Thánh Trần. Ảnh: Khắc Huấn

 

Ngay chân đồi, dưới vực sâu là mũi đá nhọn sắc hình giống chiếc nanh cọp, tục gọi là Gành Hổ. Ở đây còn có dấu tích của pháo đài Hổ Ky với những lỗ đặt súng thần công thời Tây Sơn vẫn còn sót lại. Hổ Ky hợp với Bãi Nhạn ở bên bờ kia (cách nhau chừng 700 - 800m), theo phong thuỷ, đây là thế “thủy khẩu giao nha” - một hình thế đẹp. Tạo  thế phòng thủ rất tốt.

Bán đảo Phương Mai với địa thế hùng hiểm che chắn cho đầm Thị Nại. Nơi đây còn có núi Tam Tòa, gắn với sự kiện Uy Minh Vương Lý Nhật Quang vào giúp vua Chiêm Thành dẹp loạn, được Bộ VH-TT công nhận Di tích lịch sử vào năm 1988.

 

Từ hang Dơi đến bãi Rạng và... dừng chân

Dưới thời Tây Sơn, vùng núi Hải Minh là nơi dựng nhiều hệ thống đồn lũy, pháo đài án ngữ cửa biển Thị Nại và nhiều súng đại bác ngăn không cho thuyền nhà Nguyễn từ ngoài biển tiến vào. Năm 1801 nơi đây đã diễn ra trận quyết chiến ác liệt nhất giữa đại quân Tây Sơn và nhà Nguyễn. Ngày nay ở khu vực này vẫn còn vài dấu tích đồn lũy bằng đá, pháo đài xây dựng từ thời này. Nếu không chắc đường mòn dẫn lên các vết tích, bạn có thể boa cho một em nhỏ làng chài 5 - 10 ngàn đồng và nhờ em dẫn đường, đường leo lên đỉnh khá mệt cho khách không quen chân, câu nói “sệt giọng đảo” khuyến khích mọi người cùng gắng sức: “Tời quơi tời, dân chơi mà sợ mưa rơi, mới đi một chút mệt rầu!”.

Ngược xuống theo con đường mòn trên núi về phía bãi cát dọc biển, hoặc theo vách đá dựng đứng, chừng khoảng 10 phút là bạn đến Hang Dơi. Nơi đây có một cái hang động, đi vào một đoạn khoảng 6 m là một cửa khe đá nhỏ, lách vào một hang khác, rồi cứ thế tiếp tục... Bị bỏ hoang lâu năm nên nay cát đã lấp gần hết lối vào cửa hang thứ hai, muốn vào tiếp bạn phải bới thêm một luồng cát phía dưới để trườn vào, việc này chỉ dành cho những du khách mạo hiểm và thích khám phá. Theo người dân địa phương truyền miệng lại rằng, ngày xưa hang này là lối vào của một con đường kéo dài đến tận giữa khu tượng đài Trần Hưng Đạo đầu bên kia, sau này sóng biển đẩy cát lấp dần mất đi. Nếu phục hồi được lối đi này chắc chắn sự hấp dẫn của Hải Minh sẽ tăng lên bội phần.

Bên phải hang Dơi là các ghềnh đá chạy tới chân khu vực trạm hải đăng. Bên trái hang, cách một ghềnh đá nhỏ là bãi Rạng - một bãi biển nhỏ còn hoang sơ và đẹp. Leo qua các đồi khác dọc triền núi, du khách đến các bãi khác, dân đảo gọi là bãi Rạng 2, bãi Rạng 3… Nơi đây chỉ có những bụi cây dại, những ghềnh đá nhô ra ngoài, cát trắng, những rạng đá ngầm, và các bãi biển trong veo để du khách thỏa mình trong sóng nước. Hình ảnh thường bắt gặp là những chiếc thuyền ra vào đánh cá. Gió đại dương như muốn thả vào hồn một góc nhỏ của biển trời Quy Nhơn. Ở những bãi biển này hoàn toàn không có hàng quán, cũng cách xa khu dân cư, đó là lý do vì sao chúng tôi khuyên bạn nên mang nước uống và một ít thức ăn. Đã đến lúc bạn nghỉ chân rồi đấy.

 

"Bức phía Nam là hình ảnh các bô lão tại hội nghị Diên Hồng, tay giơ cao hô vang hai chữ sát Thát, đồng lòng cùng cả dân tộc quyết đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Văn Lưu.

Đánh thức Hải Minh

Tôi gọi Hải Minh là một mảnh phố hoang sơ “nằm ẩn mình” dưới chân núi Phương Mai. Chỉ một rẻo thôi nhưng ở đây có biết bao điều để lắng nghe, ngắm nghía và suy gẫm. Lịch sử trầm tích ở đây biết bao nhiêu là sự kiện. Hải Minh rất gần nhưng lại khá cách biệt đò giang nên dân Quy Nhơn không phải ai cũng biết đến vẻ đẹp, sự hấp dẫn của nó.

Ngay cả ngành Du lịch cũng thế. Hải Minh là điểm đến tuyệt vời nhưng đáng tiếc cũng bị ngành Du lịch bỏ quên. Chỉ cần trồng thêm nhiều cây xanh, đặt một vài cơ sở dịch vụ, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường của dân địa phương và khách vãng lai Hải Minh sẽ rực sáng. Tôi tin chắc như thế. Một thực tế là những tour du lịch xuyên Việt ít dừng chân ở Quy Nhơn vì chúng ta thiếu nhiều điểm đến để níu chân du khách. Tại sao ta không đặt một dấu nối để Hải Minh là một địa chỉ hấp dẫn. Trước mắt, việc thỏa mãn những nhu cầu trong tỉnh, trong nội thành Quy Nhơn có thể sẽ làm Hải Minh bớt vẻ đìu hiu. Tại sao không nhỉ?

  • Khắc Huấn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyên san “Người Du lịch Vietravel” giới thiệu về du lịch Bình Định   (15/09/2006)
Nâng cấp cơ sở hạ tầng và các dịch vụ  (08/09/2006)
Xuôi dòng Mêkông, uống bia Lào và ngắm hoàng hôn  (08/09/2006)
Du lịch tàu biển vào mùa  (01/09/2006)
2-9 đi chơi ở đâu ?  (03/09/2006)
"Nhân bản" tượng Chăm  (29/08/2006)
TP Quy Nhơn: Đẩy nhanh tiến độ thi công đường Xuân Diệu  (28/08/2006)
Nhìn lại các chương trình du lịch Bình Định  (28/08/2006)
Làm gì để du lịch Bình Định nhanh phát triển ?  (28/08/2006)
Hướng tới Festival Quy Nhơn 2007: Ai về Bình Định mà chơi   (28/08/2006)
Du lịch hậu WTO: " Rơi rụng" hay sàng lọc và phát triển?   (01/09/2006)