Bình Định vốn là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, giàu tiềm năng về di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đây cũng là những yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch (DL). PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn An Pha - Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh về vấn đề này.
|
Nhà biểu diễn võ ở Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: B.L
|
* Xin ông cho biết về việc quản lý, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích trong thời gian qua ở Bình Định?
- Theo số liệu thống kê, tỉnh Bình Định có gần 200 di tích văn hóa- lịch sử, cách mạng, kiến trúc nghệ thuật và danh thắng. Trong đó, có 30 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 20 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Thực hiện Nghị quyết T.Ư V (khóa VIII) về việc bảo tồn, chấn hưng văn hóa dân tộc và Quyết định 100/2001/QĐ-UB của UBND tỉnh Bình Định về việc quản lý, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh, ngành VHTT đã có nhiều nỗ lực thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo các di tích; cùng với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (VHPVT).
Với hệ thống di tích nghệ thuật kiến trúc Champa, ngành VHTT đã tranh thủ sự đầu tư của tỉnh và Bộ VHTT, đã trùng tu, tôn tạo tháp Đôi, tháp Bánh Ít; đang trùng tu, tôn tạo tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long. Hệ thống di tích Tây Sơn cũng đang được mở rộng, nâng cấp, tôn tạo, chủ yếu là tập trung ở Bảo tàng Quang Trung, trước mắt nhằm phục vụ Festival Tây Sơn - Bình Định; về lâu dài nhằm phục vụ công tác bảo tồn, bảo tàng, gắn với phục vụ DL. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã xây dựng ngân hàng dữ liệu tại thư viện tỉnh, lập hồ sơ toàn bộ mảng VHPVT để từng bước khai thác, phục dựng, quảng bá, giới thiệu. Đã lưu giữ ở ngân hàng này trên 40 vở hát bội và ca kịch bài chòi tiêu biểu của nhiều thời kỳ, phục dựng được một số lễ hội văn hóa của cư dân miền biển, miền núi… Nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức nghiên cứu, báo cáo khoa học, làm thành tài liệu phim, ảnh, băng ghi âm…
* Ông nghĩ gì về việc gắn kết giữa văn hóa và DL, thưa ông?
- Chúng tôi cho rằng, trùng tu, tôn tạo di tích phải gắn liền với việc phát huy giá trị di sản, mà cách tốt nhất là gắn với việc phục vụ phát triển DL. Đây cũng là chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Mới đây, nhà sử học Dương Trung Quốc khi đến làm việc tại Bình Định cũng đã góp ý là phải gắn kết giữa văn hóa và DL. Chúng tôi rất hoan nghênh việc đưa các di tích danh thắng vào khai thác DL, như chúng ta đã làm với khu du lịch (KDL) Hầm Hô, KDL Ghềnh Ráng. Dĩ nhiên là phải xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) phù hợp, hài hòa với cảnh quan và tầm vóc của di tích, danh thắng đó. Chúng tôi mong rằng ngành DL nên xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để đầu tư xây dựng CSHT ở một số tháp Chăm đã được trùng tu xong, nhằm khai thác phục vụ DL.
Với các giá trị VHPVT, chúng tôi đã đầu tư cho Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi xây dựng một số chương trình chuyên phục vụ DL. Ngoài ra, tại ngân hàng dữ liệu VHPVT, đã và đang tiếp tục lưu giữ nhiều sản phẩm VHPVT khác, một số sản phẩm đã được đưa lên mạng internet để quảng bá. Nếu ngành DL có yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện để đưa vào khai thác phục vụ phát triển DL.
* Ngành VHTT tỉnh đã có kế hoạch gì mới để phục vụ phát triển DL trong thời gian đến ?
- Ngoài các hoạt động nói trên, trong năm 2007, Sở VHTT tỉnh sẽ đầu tư cho 2 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh xây dựng thêm 2 chương trình nghệ thuật phục vụ DL; sẽ xây dựng một chương trình biểu diễn âm nhạc Chăm, gồm kèn Saranai, trống Baranưng và một số nhạc cụ khác. Trong tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng một chương trình biểu diễn nghệ thuật Chăm, gồm múa dân gian, múa cung đình, biểu diễn các nhạc cụ Chăm… Chúng tôi cũng mong rằng giữa 2 ngành VHTT và DL nên có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để góp phần thực hiện tốt chương trình phát triển DL của tỉnh.
|