Đêm Quy Nhơn. Tôi cùng một người bạn là chuyên gia khảo sát, thiết kế tour du lịch lữ hành hòa vào dòng người đông đúc để tận hưởng cảm giác nhộn nhịp, sôi động nhưng cũng rất yên bình của đêm thành phố. "Như Sài Gòn những năm đầu 80 của thế kỷ trước. Chậm và Hiền". Đi dạo, nghe bạn nói và lòng thầm nghĩ - đã từng có người mời gọi "Ai về Bình Định mà... chơi". Vậy sao ta không dấn tiếp một bước nữa - Ai về Bình Định mà... ăn nhỉ. Không lẽ cứ lui cui mãi với danh hiệu "xứ củ mì" hoài...
|
Với cư dân đang ở Quy Nhơn, những quán gỏi, cháo, bánh... ở vùng eo Sân Bay, ven đường An Dương Vương trông rất bình thường nhưng với khách lạ, với kẻ xa quê trở về đó lại là những điểm dừng thú vị. Ảnh: Văn Lưu
|
Từ quán đêm Quy Nhơn…
Khi cái bụng chừng hơi "đói đói", cũng là lúc nhìn xung quanh để tìm một chỗ dừng chân kiếm chút gì đó nhè nhẹ bỏ bụng. Ở Quy Nhơn những khu quán đêm bình dân thường tập trung đông người có lẽ là Ngô Văn Sở, ngã ba Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Eo Nín Thở, các công viên dọc đường An Dương Vương, vỉa hè hai bên đường Xuân Diệu và vô số quán cóc vỉa hè. Phần lớn là bánh canh, bánh cuốn, bún phở, nước giải khát và vài món... nhậu.
Giá cả bình dân nên người xe khá nhộn nhịp. Các quán nối nhau san sát, người đi dạo đêm ngày càng nhiều nên các quán cũng tỏa khắp mọi ngã đường. "Nhưng nếu tìm một điểm thật sự nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân địa phương và du khách muốn tìm hiểu, thưởng thức nét văn hóa ẩm thực Bình Định thì tôi sẽ đến đâu?", đó là câu hỏi của người bạn mà tôi chưa có câu trả lời.
Bình Định có nhiều đặc sản, nhưng người dân chỉ nghe tên chứ hiếm khi có cơ hội thưởng thức món ăn quê mình, huống chi du khách từ xứ lạ. Muốn ăn phải đi đâu? thinhdq - Một người xa quê tỏ bày trên diễn đàn quynhoncity.com: "Mình thấy bánh ít lá gai là đặc sản tuyệt vời của Bình Định. Theo mình thương hiệu và chất lượng của nó có giá trị khai thác không thua kém gì đặc sản ẩm thực của những nơi khác, như bánh cốm Hà Nội chẳng hạn. Mỗi khi có dịp về quê bao giờ mình cũng lấy bánh ít lá gai làm quà, và mọi người trong công ty mình đều rất thích bánh ít và cũng không quên nhắc nhở khi biết mình về quê. Nhưng những đồng nghiệp của tôi có cơ hội về Quy Nhơn (dịp tổ chức hội chợ...) họ rất muốn mua bánh ít lá gai làm quà cho gia đình, bạn bè nhưng họ không tìm ra cửa hàng hoặc nơi nào cả, tuy họ cất công vào chợ vẫn không mua được". Thế đấy, đấy chỉ mới là bánh ít lá gai đấy nhé. Riêng "ngành hàng bánh ít" ở ta còn lủ khủ loại: này nhé, bánh ít nhưn tôm, bánh ít trắng nhưn dừa, đậu xanh, bánh ít trần, bánh ít mặn... Chưa hết đâu nhé, vẫn còn những thứ nơi khác rất hiếm, hoặc có nhưng không tinh tế bằng - tỷ như: bánh hỏi - cháo lòng, bánh hỏi - chả giò, dé bò Tây Sơn...
Chất lượng đời sống của người dân Quy Nhơn ngày càng cao. Chuyện dạo chơi ăn uống về đêm, giao tiếp với bạn bè là một nhu cầu chính đáng. Nhưng đêm ở Quy Nhơn hiện không có nhiều điểm đến, điểm dừng thật sự hấp dẫn. Thành phố khá đẹp để đi dạo, nhưng dạo xong cũng phải có lúc nghỉ chân uống nước và ... ăn một chút gì đó. Không lẽ cứ dừng chân mãi ở những quán cà phê hoặc quán bia.
Nhìn thấy tiềm năng, khả năng sờ sờ ra đó mà không được đánh thức để phát huy giá trị... Có lẽ đã đến lúc chính thị dân Quy Nhơn phải quay lại từ hỏi mình rằng - vì sao mình không khai thác những lợi thế đó hơn là đặt những câu hỏi vu vơ về phía Nhà nước.
|
Một góc khu ẩm thực bình dân ở đường Ngô Văn Sở. Gần như tất cả những món ăn bình dân của Bình Định đều có ở đây. Ảnh: V.L
|
Góp một ý tưởng
"Chợ đêm" không phải là ý tưởng mới, nhiều địa phương đã làm và làm từ lâu. Ở Quy Nhơn, một số khách sạn như Hải Âu, Sài Gòn – Quy Nhơn… cũng tự tổ chức các buổi tiệc buffet vào các dịp lễ lớn, nhưng giá cả hơi cao, "buôn không bạn, bán không phường", trong khi nội dung chưa phong phú, nên không gây được sự quan tâm của nhiều người.
Ban đầu Quy Nhơn có thể quy hoạch chợ đêm cuối tuần dọc Eo Sân Bay và công viên nằm bên cạnh. Nơi đây là tâm điểm đặt gần các khách sạn, các điểm tập trung đông người của thành phố. Con đường trở thành một khu phố đi bộ. Cảnh quan nơi đây thơ mộng, có thể ngồi đây ngắm biển.
Thiết kế thêm cổng chào, các gian hàng cần trang trí đồng bộ và dễ di chuyển nhằm làm tăng vẻ mỹ quan cho chợ. Bày ra các món bình dân và đặc sản Bình Định như nem chợ Huyện, chim mía Tây Sơn (nướng trực tiếp), bánh tráng nước dừa Tam Quan (nướng tại chỗ), bánh ít lá gai... Dĩ nhiên không thể thiếu danh tửu Bàu Đá và các loại rượu ngon của các huyện như Phù Mỹ, Tây Sơn...
Tái hiện lại không gian của một chợ rượu An Nhơn một thời nay chỉ còn trong ký ức là việc rất nên làm. Cộng thêm các hàng quà lưu niệm với giá cả phải chăng. Khi đêm xuống nên tổ chức các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian (cấm tiệt các trò lô tô, cờ bạc trá hình đấy nhé) nhằm giới thiệu đến mọi người những loại hình văn hóa, nghệ thuật của địa phương. Tốt nhất, ban đầu ta hãy tổ chức vào khi trời mát, vào những ngày cuối tuần, trước đó nên tiếp thị rộng rãi. Thậm chí nên thuê những công ty tổ chức sự kiện có uy tín thiết kế sự kiện này. Nên dành chỗ cho nhà chuyên môn, những đơn vị chuyên nghiệp.
|
Một vài món bánh, chả đặc trưng của Bình Định. Ảnh: B.P
|
Cần những điểm nhấn như thế
Tốc độ, vòng quay, nhịp giao tiếp của cuộc sống trong thời đại toàn cầu khiến người ta phải chạy nhanh hơn, nghĩ nhanh hơn, quyết định nhanh hơn. Thắng bại đôi khi được quyết định chỉ trong khoảnh khắc. Vì thế người ta bắt đầu muốn có những thời khắc phải sống chậm lại. Sống chậm lại để sau đó đi nhanh hơn, an toàn hơn. Nói tóm lại là phải thư giãn, thăng bằng.
Người ta đến chợ đêm không chỉ để ăn uống, tìm mua hàng hóa, mà đó còn là một cái gì đó đến từ một miền quê dân dã, nơi mỗi một ai dù là công dân thành phố hiện đại cũng đều nhớ về. Nói tóm lại ăn như thế cũng là một cách chơi. Chợ đêm sẽ chiếm một vị trí trong tâm hồn của người Quy Nhơn và khách phương xa nếu ta làm nổi bật được cái hồn xứ sở!
Chợ đêm sẽ là sản phẩm chung có sự đóng góp, liên kết của nhiều ngành. Trong đó không thể thiếu vai trò của ngành du lịch làm "đầu tàu" với việc tập hợp lực lượng để tổ chức, vận động tài trợ, quảng bá hình ảnh đến với mọi người. Hy vọng trong tương lai không xa, Quy Nhơn sẽ có thêm một điểm hẹn lý tưởng cho người dân thành phố và du khách về đêm.
Ngành Văn hóa - Thông tin đã "đánh tiếng" với ngành Du lịch về vấn đề này nhằm gắn kết giữa hai bên nhằm thực hiện chương trình phát triển du lịch tỉnh nhà. Nhưng đến nay dư luận vẫn chưa nghe được phản hồi. Chậm phản hồi cũng là dấu hiệu thiếu năng động.
Chợ đêm Quy Nhơn cũng là một sự chuẩn bị cần thiết và điểm nhấn cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2007 gần kề!
|