Quy Hòa - một điểm du lịch đặc biệt
11:22', 5/1/ 2007 (GMT+7)

Có thể tôi quá yêu nơi đây mà tôi nói như thế chăng, nhưng chắc chắn một điều rằng nếu bạn đến làng phong Quy Hòa - bạn sẽ thấy tình cội nguồn, tình cảm của tôi là rất đáng chia sẻ.

Làng phong Quy Hòa là cách gọi quen thuộc, còn chính danh thì đây là Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế). Đến Quy Hòa, sự thân thiện và khoảng cách giữa bệnh nhân với khách tham quan chỉ còn ở mức tối thiểu là điều khiến rất nhiều người bất ngờ. Đó cũng là lý do vì sao mà theo sự giới thiệu của nhiều tổ chức y tế, từ thiện, nhân đạo khắp thế giới, có vô số đoàn đã về gặp các y, bác sĩ, các nhà quản lý bệnh viện này để học tập.

 

Quang cảnh khu vực Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.  Ảnh: Tuệ Đan

 

Linh mục Paul Maheu (1869 - 1931) là người đã tìm ra thung lũng Quy Hòa vào năm 1929. Khi ấy cả nơi đây là một vùng đất hoang sơ, biệt lập với thế giới bên ngoài, rất thích hợp cho việc điều trị căn bệnh được coi là một trong “tứ chứng nan y” thời bấy giờ.

Năm 1932, giám đốc bệnh viện- soeur Charles Antoine - vốn là một kiến trúc sư và người phụ tá của mình là soeur Ozithe (qua đời ngày 20 - 12 - 2001 ở Paris, Pháp) đã xây dựng lại bệnh viện và nhà ở để người phong có nơi trú ngụ kiên cố, lâu dài. Từ năm 1932 đến năm 1958, khoảng 250 căn nhà đã được xây dựng theo kiểu kiến trúc Pháp, mỗi căn nhà là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt, nhưng hài hòa trong một tổng thể chung. Hầu như trước bất cứ ngôi nhà nào, con đường nào trong làng đều trồng cỏ cây hoa lá.

Đã từ lâu, người dân Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung đã xem Quy Hòa không chỉ là một cơ sở y tế mà còn là một điểm tham quan hấp dẫn. Chỉ mất độ mươi, mười lăm phút đi xe máy từ trung tâm thành phố là ta đã ở trong một khung cảnh thư thái, như thể đang ởù trong một khu nghỉ dưỡng cao cấp. Bạn cũng có thể lặng lẽ dạo trong rừng dương vi vút, qua vườn tượng danh nhân rồi bước vào giáo đường trang nghiêm. Trên những con đường vào làng phong, ta có thể bắt gặp những người dân mà trước đây đã từng là bệnh nhân, đang ngồi đan lưới, may vá trước ngôi nhà của mình. Rất nhiều bệnh nhân phong đến Quy Hòa chữa bệnh và đã gặp được một nửa của mình. Họ đã chọn làng phong Quy Hòa làm quê hương thứ hai. Họ mưu sinh bằng những nghề khác nhau, sinh con đẻ cái. Thế hệ thứ hai, rồi thứ ba nối tiếp nhau ra đời.

Những năm qua, nhờ sự năng động của Ban giám đốc Bệnh viện, nhờ vào sự quan tâm giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, đời sống của bệnh nhân đã tươm tất hơn. Mới đây, các tổ chức từ thiện quốc tế đã tặng cho làng phong một ngôi chợ nhỏ và nó đã được đưa vào sử dụng vào đầu năm 2006. Sinh hoạt mua bán của người dân trong làng trở nên thuận tiện hơn. Chợ họp từ rất sớm, đông nhất từ 6 đến 7 giờ sáng. Nếu bạn có thể vào đây vào sáng sớm kịp chứng kiến phiên chợ làng phong bạn sẽ thấy không có ở đâu mà người phong lại cười nhiều như ở đây.

Trên đường trở ra Quy Nhơn, tôi đã gặp nhiều học sinh đang trở về nhà. Thế hệ thứ hai, thứ ba và sau đó nữa sẽ cứ tiếp nối nhau lớn lên trên mảnh đất này. Những thanh thiếu niên lành lặn, khỏe mạnh khác với ông, cha của chúng, nay mai sẽ có người ở lại làng phong Quy Hòa hoặc đi tìm kiếm một tương lai khác ở một chân trời mới. Người dân trong làng phong tự hào khoe rằng không ít con, em của họ đã đậu cao đẳng, đại học đi làm nhiều nơi trong và ngoài tỉnh

Quy Hòa là một điểm đến không chỉ khiến bạn thư thái mà còn làm tâm hồn, tình đồng loại, nghĩa đồng bào trong bạn rộng mở hơn.

  • Thu Hà
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà Cổ và những lời yêu thương bật lên ngọt ngào  (31/12/2006)
Những chuyển biến tích cực  (29/12/2006)
Quy Hòa - một điểm du lịch đặc biệt  (24/12/2006)
Những điểm tựa để cất cánh  (22/12/2006)
Chốn lạ ở lưng chừng Quy Nhơn  (21/12/2006)
Khởi động những dự án đầu tư phát triển du lịch  (16/12/2006)
Du lịch “miền gió cát”: Những bước khởi động tích cực  (08/12/2006)
Ấn tượng Resort Hoàng Anh Quy Nhơn  (07/12/2006)
Hành trình khám phá những nẻo đường đất nước  (01/12/2006)
Tết Ka Tê của đồng bào Chăm Ninh Thuận  (22/11/2006)
Kết nối giá trị di sản vào phát triển du lịch  (17/11/2006)
Núi Bà - Đá Vọng Phu  (16/11/2006)
Triển vọng khai thác du lịch ở tháp Đôi   (10/11/2006)
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng  (03/11/2006)
Về Hầm Hô, xơi... trứng kiến vàng  (01/11/2006)