Sự ra đời của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (HLĐT) sẽ đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên trên nhiều lĩnh vực. Riêng đối với du lịch (DL), tuyến hành lang (HL) này có tiềm năng rất phong phú về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử - cung cấp nguồn tài nguyên to lớn cho phát triển DL.
|
Du lịch sinh thái biển là một trong những thế mạnh của Bình Định trong kinh doanh du lịch tuyến Hành lang Đông - Tây. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
* Lợi thế phát triển du lịch
Khái niệm HLĐT được đưa ra lần đầu tiên và chính thức thông qua tại Hội nghị lần thứ 8 các Bộ trưởng các nước thuộc Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng, tổ chức tại Manila (Philippines) vào tháng 10-1998. HLĐT là tuyến hành lang (HL) dài 1.450km (có tài liệu ghi 1.600 km), là vùng kết nối từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, đi qua 4 nước, từ thành phố cảng Mawlamine của Myanma qua Thái Lan, Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, HLĐT bắt đầu từ cửa khẩu Lao Bảo, qua các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và kết thúc tại Đà Nẵng.
Tuyến HL này có các di sản thế giới được UNESCO công nhận, như Huế, Sukhothai (phía Nam Thái Lan) và cũng rất gần các di sản lân cận như Mỹ Sơn, Hội An, Phong Nha… Các di tích lịch sử văn hóa và lịch sử đa dạng trên HL đã tạo nên những điểm đến hấp dẫn, với sự đa dạng các loại hình du lịch: thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, ký ức, chiến tranh, hành hương... Sự hấp dẫn này cũng bổ sung cho nhau và có thể tạo ra sản phẩm DL độc đáo cho cả khách DL trong và ngoài nước.
Mới đây, cầu Hữu Nghị 2 nối tỉnh Mục Đa Hãn (Thái Lan) và Savanakhet (Lào) đã được khánh thành, đưa vào sử dụng, chính thức khai thông toàn bộ HLĐT, mở ra nhiều cơ hội làm ăn lớn cho các nước trong khu vực. Ngay sau lễ thông cầu, 2 đoàn DL Caravan với 200 xe từ Thái Lan, lần đầu tiên đi qua cầu Hữu Nghị số 2, tham quan các di sản văn hóa miền Trung Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo đến Huế, Đà Nẵng, Hội An và trở về qua cửa khẩu Bờ Y của tỉnh KonTum.
Như vậy, mặc dù còn ở giai đoạn ban đầu, sự hình thành HLĐT đã mở ra những lợi thế phát triển cho các nước trong HL, trong đó có các tỉnh miền Trung Việt Nam. DL là một trong những lĩnh vực quan trọng được hưởng lợi từ HL này.
* Vận hội mới cho DL Bình Định
Như khái niệm ban đầu, khu vực HLĐT chỉ dừng lại ở TP Đà Nẵng theo giới hạn về địa lý. Nhưng xét về kinh tế - xã hội chung, cũng như DL nói riêng, sự ảnh hưởng của HLĐT không dừng lại ở đó mà còn kéo theo tác động đến các khu vực lân cận.
Xét về hoạt động DL, tỉnh Bình Định có các điều kiện cần và đủ để khai thác tuyến HLĐT. Bình Định là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cách Đà Nẵng 300km theo trục quốc lộ (QL) 1A, là một khoảng cách đủ hợp lý cho các hoạt động DL, khi Đà Nẵng với tư cách là điểm đến xác định của HLĐT. Ngoài ra, Bình Định có nhiều tài nguyên nhân văn và tài nguyên tự nhiên nổi trội, cùng với các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, kết nối với Đà Nẵng, sẽ xây dựng nên một hệ thống các điểm đến hấp dẫn, mang tính đặc trưng của vùng duyên hải. Sự bổ sung lẫn nhau của các địa phương trong vùng sẽ tạo nên các gói sản phẩm DL đặc sắc.
Về hạ tầng giao thông, Bình Định có nhiều lợi thế để khai thác các tuyến DL quốc tế. Đó là đường bay Quy Nhơn - Đà Nẵng; QL 1A đi qua Bình Định - Quảng Ngãi - Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Trị; đường biển với cụm cảng Quy Nhơn. Đặc biệt, lợi thế lớn của Bình Định gắn với HLĐT là QL 19 của Việt Nam bắt đầu từ Quy Nhơn, đã thông tuyến QL 18B của Lào qua cửa khẩu Bờ Y. Trong mối liên hệ với HLĐT, về mặt DL, tuyến QL 19 - cửa khẩu Bờ Y, cùng với đoạn QL 1A từ Bình Định đến Đà Nẵng tạo thành một vòng vận chuyển khách khép kín, liên tục, không lặp lại. Ngoài ra, tuyến QL 19 - cửa khẩu Bờ Y - QL 18B (của Lào) cũng có thể xây dựng nên một HL “phụ”, nhưng không kém phần quan trọng cho sự phát triển hợp tác kinh tế các nước trong khu vực, trong đó có DL.
Trong thực tế, thời gian gần đây tỉnh Bình Định đã tích cực mở rộng các mối quan hệ toàn diện, trong đó có DL, với các tỉnh thuộc Nam Lào và Thái Lan trên HLĐT, đã bước đầu có những hoạt động kinh tế, ngoại giao, văn hóa xã hội được triển khai trên cơ sở các biên bản hợp tác đã ký của các bên, cũng là điều kiện thuận lợi.
|
Một đoạn Quốc lộ 18B nối các tỉnh Nam Lào với cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum). Ảnh: Cát Hùng
|
* Làm gì để khai thác, phát triển ?
Bình Định có thể khai thác DL trên tuyến HLĐT theo 2 hướng: kết nối - kéo dài tour trên “trục chính” của HL, từ Đà Nẵng vào; đồng thời tạo tour độc lập trên “ trục phụ” theo hướng Bình Định - Gia Lai - Kon Tum - Nam Lào - Đông Bắc Thái Lan và Campuchia... Để từng bước khai thác và phát triển tuyến DL theo trục Đông - Tây, có nhiều việc cần làm. Theo chúng tôi, trước hết cần tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm DL Bình Định phù hợp với thị trường khách di chuyển theo hướng Đông - Tây. Xây dựng và lựa chọn 2 hệ thống sản phẩm để có các sản phẩm chính, đặc trưng của Bình Định là sản phẩm DL văn hóa - lịch sử và sản phẩm DL sinh thái biển, rừng, đồng quê.
Khi xây dựng và giới thiệu sản phẩm, cần chú ý các yếu tố về thị trường khách (các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và các nước khác thông qua HL này), cùng với phương thức vận chuyển khách (đường bộ, caravan, đường hàng không, liên hợp đường bộ - đường sắt…). Khi xây dựng các sản phẩm/tour của tỉnh cũng cần cân nhắc trong sự tương quan so sánh và mối liên hệ với sản phẩm/tour của các địa phương khác trong vùng. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các doanh nghiệp (DN) DL cần tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm DL. Từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ DL, cơ sở vật chất kỹ thuật DL. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các DN lữ hành, lưu trú để xây dựng và tổ chức tour. Tăng cường sự hợp tác giữa các DNDL trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài trong cùng lĩnh vực kinh doanh, hoặc giữa các lĩnh vực liên quan với nhau.
Có thể thấy rằng, phát triển du lịch theo tuyến HLĐT là một hướng mới, để tạo điều kiện cho các DN tổ chức, khai thác tốt hoạt động DL, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường trách nhiệm trong quy hoạch, quản lý dự án xây dựng DL; quản lý tài nguyên, môi trường, an ninh trật tự khu, tuyến, điểm DL; phối hợp với DN làm thủ tục cấp phép các tour caravan; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tổ chức quản lý, kinh doanh DL theo tuyến HLĐT.
Hiện nay, trong lúc việc khai thác các tuyến DL truyền thống đang còn nhiều bất cập, thì việc mở ra một tuyến mới - tuyến HLĐT - chắc chắn là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, phát triển DL theo tuyến HLĐT là một hướng đi có nhiều tiềm năng và triển vọng; là xu thế đang diễn ra của hoạt động DL các tỉnh ven biển miền Trung. Bình Định - với những điều kiện và khả năng của mình - cần tích cực, chủ động chuẩn bị để khai thác cơ hội này.
|