|
Tây ba lô ghi nhanh không khí ăn tết Dương lịch 1-1-2007 ở TP HCM. |
Cuối năm, tôi có việc phải lên Đà Lạt. Một thành phố hoa đẹp vào loại nhất nước, mà đường từ Huế lên Đà Lạt chỉ có một phương tiện duy nhất là ô tô. Vì vậy, tôi phải đi theo tour du lịch của Công ty Sinh Cà-phê và bất đắc dĩ trở thành khách du lịch theo kiểu “Tây ba lô”.
Khởi hành từ Huế lúc hai giờ chiều, xe 54 chỗ ngồi nhưng chỉ hơn 30 khách, gồm nửa Tây, nửata. Bốn rưỡi chiều, xe dừng tại Hội An cho khách tham quan. Phía trong Nam đang có bão. Trời Hội An không mưa nhưng nước lũ dâng cao ngập hai đường phố chính chạy dọc sát bờ sông. Ở những đường ngang nơimép nước thẳng ra sông, có mấy anh công an đứng gác, họ giữ không cho chở khách Tây đi tham quan phố cổ ngập nước bằng ghe nhỏ. Cái món du lịch bằng thuyền bơi trong phố trở nên hấp dẫn đối với khách Tây. Xa xa, ở mé phố trên vẫn có người lén chở khách tham quan, lóng ngóng thế nào thuyền lật, hai ông Tây ướt lốp ngốp trong màu nước đục phù sa. Lại nhớ, tuổi thơ tôi mùa này cứ mong có lụt, được nghỉ chăn trâu, tha hồ lội nước...
Đúng bảy giờ tối, xe tiếp tục chuyển bánh, cũng cái xe sơn màu tim tím ấy, nhưng hành khách lên xe lần này đã thay đổi. Trong số 25 khách ngồi lỏng lẻo trên chiếc xe 54 chỗ, chỉ có 3 khách người Việt còn lại là khách Tây. Vì vậy, trước khi khởi hành, người đại diện cho văn phòng công ty lên hướng dẫn lộ trình chỉ nói bằng tiếng Anh, không cần nói tiếng Việt, coi như 3 chúng tôi cũng là Tây nốt! Xe đi miên man trong đêm. Anh bạn người Việt ngồi hàng ghế trên tôi lầu bầu khi nghe một khách Tây ngủ say nói mớ: “Lội nước làm chi cho lắm, để giờ ngủ say la dữ rứa. Hoá ra, Tây ngủ mơ cũng nói mớ như mình".
Xe dừng nhiều trạm để đổ xăng hoặc thay tài xế, đồng thời cũng là để cho khách đi vệ sinh. Lần dừng thứ hai ở quán Châu Long, Sa Huỳnh, Quảng Ngãi vào lúc hơn mười một giờ đêm. Ba xe chở khách Tây dừng cùng một quán. Các món ăn kiểu Tây được bày bán nhiều, nhưng món được nhiều người mua nhất là bánh mì kẹp dăm bông, kẹp chả lụa hoặc là chả trứng. Cả một giỏ bánh mì có đến hàng trăm chiếc, vèo một cái đã bán hết sạch. Giá mỗi ổ mì kẹp chả trứng là năm nghìn đồng. Rầy rà nhất là đám trẻ con bán hàng rong, mỗi cháu trên tay chỉ cầm dăm quả quít, vài ba quả cam, quả táo hoặc một nải chuối, giá mỗi quả cũng năm nghìn. Hầu hết các cháu đều ở độ tuổi từ mười đến mười lăm, đã học cách rao hàng và mặc cả bằng tiếng Anh, một thứ tiếng-Anh-Quảng-Ngãi. Qua chất giọng Quảng Ngãi, Tây không thể nào hiểu nổi nhưng vẫn cứ lẽo đẽo bám theo làm phiền khách. Tôi nhớ, có lần nhà báo Trần Đăng, phóng viên Báo Lao Động quê ở Quảng Ngãi kể rằng, anh đã từng đi làm phiên dịch. Nghe thế, ai cũng ngạc nhiên, bởi vốn tiếng Anh của anh cũng chỉ đủ đế hỏi đường khi đi lạc. Không ngờ rằng anh đi làm phiên dịch để dịch từ “tiếng” Quảng Ngãi ra tiếng…Việt! Các cháu bé đang quyết “bám thắt lưng” khách Tây kia, nói tiếng Việt nghe còn không rõ, thì làm sao nói tiếng Anh cho Tây hiểu được! Nghe nói, có một trường đại học nọ, đưa cả đoàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của trường, từ hiệu trưởng đến trưởng các khoa, các phòng ban, toàn là giáo sư, tiến sĩ cả, sang làm việc với đại học Chiềng Mai ở Thái Lan, nhưng chỉ giao dịch bằng… tay, phát âm tiếng Anh không chuẩn, kết quả là không hợp tác được gì, nghe đâu chỉ học tập được mỗi một việc là cấm giáo viên uống nước trà trong giờ nghỉ giải lao! Nghe kể, thật khó tin, vì nếu đó là sự thật thì đoàn cán bộ khoa học kia có hơn gì đám trẻ bán hàng rong tội nghiệp ở Quảng Ngãi ? Hiện nay, ngành giáo dục đang đau đầu trước thực tế học sinh ngồi nhầm lớp, nhưng mấy ai đã khảo sát xem có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ không biết một chữ ngoại ngữ nào, họ cũng cầm nhầm bằng cấp, nhận nhầm danh hiệu, chả trách con em chúng ta lên đến lớp sáu, lớp bảy rồi mà vẫn chưa đọc thông viết thạo!
Sau khi đến Nha Trang, nghỉ lại hơn một tiếng đồng hồ, đúng bảy giờ sáng, chúng tôi được chuyển lên một chiếc xe khác, biển số 53N8034 thuộc Hợp tác xã vận tải số 4 Thành phố Hồ CHí Minh. Cũng loại xe 53 chỗ ngồi nhưng lần này chỉ có 7 khách Tây và một mình tôi là người Việt. Mọi việc vẫn tuần tự như thế, vẫn thuyết minh lộ trình bằng tiếng Anh, vẫn dừng lại ở những điểm theo qui định của công ty. Điều đáng nói là khi dừng lại ở một quán ăn có tên là Trung Dung, ở Ninh Sơn, Ninh Thuận để ăn trưa, khi ngồi vào bàn tôi nhận được thực đơn viết bằng tiếng Anh, tôi giải thích rõ với nhân viên chạy bàn rằng tôi là người Việt, tôi cần thực đơn bằng tiếng Việt mà không có, đành chọn đại món cơm sườn. Và, cái đĩa cơm với miếng sườn bằng hai ngón tay, một quả trứng chiên và dăm quả đậu, cái thứ đậu hái để lâu ngày dai và teo tóp, nếu ở nhà vợ nấu cho ăn thì hôm ấy thế nào vợ chồng cũng có chuyện cãi nhau, với giá ba mươi lăm ngàn đồng. Thì ra, tuy là hàng nội nhưng giá ngoại, giá bán cho Tây. Cơm đã ăn rồi, đành phải trả tiền thôi.
Qua chuyến làm “người Tây” trên chính quê mình, tôi mới hiểu rằng vì sao Đà Lạt đẹp là vậy mà chỉ có hai tuyến máy bay từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ; càng thông cảm cho các tour du lịch với những chiếc xe 54 chỗ ngồi chỉ có 8 khách đi ; càng hiểu vì sao vào lúc nửa đêm còn những đứa trẻ rét run trong cái lạnh căm căm vẫn lặn lội bán hàng rong.
|