DU LỊCH VIỆT NAM:
Quá “tiềm ẩn” nên… mất khách
16:47', 6/10/ 2007 (GMT+7)

Theo “Cha đẻ marketing thế giới” Philip Kotler, trong kinh doanh, thu hút được khách hàng mới là quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải giữ được họ. Ngành du lịch (DL) Việt Nam (VN) đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc và đang được xem là điểm đến hấp dẫn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, 70% khách DL đến VN đã “một đi không trở lại”. Vì sao như vậy?

 

Ban chỉ huy tàu du lịch Clipper Odyssey nhận hoa và quà lưu niệm của Sở Du lịch tỉnh khi tàu này cập Cảng Quy Nhơn trong ngày Du lịch Thế giới 27.9. Ảnh: B.L

 

* Hình ảnh “thách đố”

Câu slogan “Vietnam - The hidden charm” (Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn) đã nhận được khá nhiều ý kiến phản đối từ dư luận trong nước, vì theo các ý kiến phản đối thì điều này đã dẫn đến “thất bại” trong việc quảng bá DL VN. Thậm chí, “vẻ đẹp tiềm ẩn” này luôn tạo ra thắc mắc cho bạn bè quốc tế trước mọi sự kiện du lịch quốc tế được tổ chức tại VN. Phải chăng, vì quá “tiềm ẩn” nên vẫn chưa ai nhìn thấy được hình ảnh đặc trưng của DL VN?

VN có rất nhiều cảnh đẹp, được thiên nhiên ưu đãi hơn nhiều nước, nhưng vì sao thế giới vẫn chưa biết đến VN? Malaysia chỉ có 2 di sản văn hóa nhưng có đến 18 triệu khách quốc tế/năm, và con số này sẽ tăng lên 20 triệu vào năm 2008. Một con số quá lớn so với mục tiêu đón 6 triệu du khách quốc tế vào năm 2010 của VN. Tuy có tăng trưởng nhưng tỉ lệ tăng trưởng của du khách quốc tế đến VN chỉ ở mức 300.000 khách/năm, trong khi đó, các nước Thái Lan, Malaysia... có số tăng trưởng lên đến vài triệu du khách/năm.

“Các nước trong khu vực ASEAN đều định vị được sản phẩm DL thế mạnh. Thương hiệu DL của Singapore là DL đô thị, sản phẩm của họ là vườn cây xanh. Malaysia là điểm mua sắm, biển. Thái Lan là spa, nghỉ dưỡng… Riêng VN vẫn là cái gì đó còn... “tiềm ẩn”! Thay cho câu trả lời, bà Lee Hayoung - đại diện Bộ Văn hóa và DL Hàn Quốc - nhận xét: “Hình ảnh của DL VN là điều gì đó chỉ có thể trải nghiệm được khi du khách đến đây”.

Vậy từ trước đến nay, điều gì ở VN đã thu hút khách quốc tế đến tìm hiểu, khám phá? Phải chăng VN đã được bạn bè quốc tế biết đến với những hình ảnh người dân thân thiện, mến khách, món ăn ngon, văn hóa đa dạng, nhiều di sản văn hóa, bãi biển đẹp…? Một trong số những hình ảnh trên có thể trở thành thương hiệu của DL VN, tại sao không lấy đó làm hình ảnh đặc trưng dễ hiểu cho ngành DL?

* Điểm nhấn nào cho DL VN?

Trong buổi nói chuyện mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Giáo sư-Tiến sĩ Leo Kenneth Jago, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu DL và Khách sạn thuộc Trường Đại học Tổng hợp Victoria (Úc), đã nhận xét: “VN được biết đến là đất nước thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn là điểm đến của DL ở châu Á. Người Úc chúng tôi cũng muốn thân thiện, mến khách nhưng không thể bằng người VN. Đây là điểm mạnh VN đã có, VN cần phát huy và khai thác nó”.

Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, ông Leo Kenneth Jago cũng góp ý thêm: “Nếu chỉ từ thông tin “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn”, sẽ khó để một du khách quốc tế lựa chọn VN làm điểm đến cho chuyến đi, vì họ không thấy được cái gì cụ thể, rõ ràng trong quảng bá, mời gọi từ điểm đến VN. Không ai muốn đi đến một nơi mà người ta không có được nhiều thông tin về nó nên người ta sẽ chọn điểm đến có nhiều thông tin hơn. Thay vì đến VN, họ sẽ đến Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines vì hình ảnh DL của các nước đã được quảng bá rất tốt trên các phương tiện truyền thông quốc tế”.

Cũng theo nhận xét của các chuyên gia nước ngoài, không chỉ “thua” trong việc quảng bá trên các kênh truyền hình quốc tế, mà ngay việc tiếp thị trên Internet, DL VN cũng không bằng các nước trong khu vực. Bà Lee Hayoung cho biết: Phần lớn người Hàn Quốc tìm hiểu thông tin DL qua Internet. VN đang là điểm đến của khách DL Hàn Quốc (đứng thứ 3 trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan và Philippines), nhưng vẫn chưa có một trang web quảng bá DL nào ở VN giới thiệu bằng tiếng Hàn, trong khi các nước trong ASEAN đều đã sử dụng. Ngay cả hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc, muốn giới thiệu chuyến bay đến VN, họ phải “tự chọn” hình ảnh Vịnh Hạ Long của VN để quảng bá.

Nhiều DN lữ hành VN rất bức xúc vì ngay cả những thành phố DL lớn ở nước ta vẫn thiếu chỗ để du khách… xài tiền. Khách DL quốc tế đến Úc, New Zealand chi tiêu mua sắm khoảng 1.500 USD/người, còn ở VN chỉ 200-300 USD/người. Khách DL tàu biển đi từ Hồng Công đến Phú Quốc tiêu không quá 1 USD khi lên bờ!

Với triết lý kinh doanh của ông Philip Kotler như đã nói ở trên, rõ ràng ngành DL VN mới chỉ có được khách hàng mới, chưa có biện pháp hữu hiệu nào để giữ chân họ, để họ trở lại VN lần 2, lần 3. Do đó, con số 70% khách quốc tế đến VN không trở lại là điều mà ngành DL VN phải nghiền ngẫm để nhanh chóng tìm cách thay đổi, chọn ra điểm nhấn cho DL VN. Trước mắt, hy vọng với việc đầu tư trên 4 tỉ đồng để quảng bá DL VN trên kênh truyền hình CNN, bình chọn để Vịnh Hạ Long lọt vào 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới và đăng cai thành công cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tại Nha Trang… sẽ là tiền đề cho sự thay đổi đó.

. Theo SGGP online

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch  (04/10/2007)
Quyến rũ nét Chăm  (15/09/2007)
Du lịch tàu biển vào mùa  (08/09/2007)
Một tiềm năng cần được đánh thức  (01/09/2007)
Uống cà phê và nghe tiếng sóng biển trong... ly  (28/08/2007)
Kinh doanh khách sạn dễ hốt bạc nhất  (26/08/2007)
Thực tế khách sạn đe dọa ngành du lịch  (20/08/2007)
Triển khai dịch vụ giải trí - thể thao trên biển  (18/08/2007)
Hơn 70% khách quốc tế “một đi không trở lại”  (14/08/2007)
Tôi còn ở Bình Định cả một quê hương   (11/08/2007)
Du lịch Việt Nam: Mất khách do thiếu khách sạn  (07/08/2007)
Chuẩn bị khởi công khu du lịch Cánh Tiên  (04/08/2007)
Cần có một cú hích đủ mạnh  (03/08/2007)
Nhiều ý kiến thiết thực  (20/07/2007)
Du lịch Bình Định: Những tín hiệu vui  (13/07/2007)