Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành và phục vụ du lịch (DL) là một trong những vấn đề cấp bách đang đặt ra với ngành DL tỉnh ta. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đặt vấn đề nguồn nhân lực phục vụ khách sạn (KS).
|
Một góc KDL Hầm Hô.
|
* Chưa xứng tầm
Theo thống kê của Sở DL tỉnh, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 73 cơ sở lưu trú với 1.814 phòng; trong đó có 49 cơ sở đã đăng ký kinh doanh cơ sở lưu trú DL; 24 cơ sở đã đi vào hoạt động kinh doanh nhưng chưa đăng ký, hoặc đang gửi hồ sơ đề nghị được thẩm định. Có 4 KS đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 KS 3 sao, 3 KS 2 sao và 19 KS 1 sao. Đi cùng với sự phát triển về hạ tầng, nguồn nhân lực phục vụ lưu trú cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, theo đánh giá của thanh tra DL thông qua kiểm tra các cơ sở lưu trú, số lao động đã qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ chỉ chiếm khoảng 30%.
Điều đáng nói là hầu hết những người quản lý, điều hành và phục vụ ở các KS nhỏ, các nhà nghỉ... đều chưa qua đào tạo nghiệp vụ KS. Thậm chí một vài KS lớn, thuộc loại “có số má” ở TP Quy Nhơn dường như cũng ít quan tâm đến trình độ nguồn nhân lực của doanh nghiệp mình. Trong lần tham dự buổi tiệc nhân ngày khai trương của một chi nhánh ngân hàng được tổ chức tại một khách sạn 4 sao, trước thái độ phục vụ rất nghiệp dư của các nhân viên phục vụ bàn, nhiều thực khách phải thốt lên rằng: “Phục vụ của KS 4 sao mà trông giống như ở một quán nhậu bình dân, chỉ có khác là ở bộ đồng phục mà thôi”...
Để nâng cao trình độ nguồn nhân lực ở các khách sạn, ngành DL đã vận động các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện cho nhân viên của mình tham dự các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn ngày, nhưng vấn đề này cũng không đơn giản. Chẳng hạn, do chi phí đào tạo cao (chẳng hạn, tham gia khóa học 2 tháng phải nộp 1,2 triệu đồng; nhưng do đặc trưng của ngành DL nên không thể thấp hơn được) mà người lao động thì lương thấp nên không tự lo được. Hoặc do chủ KS e ngại bỏ tiền đào tạo cho người lao động, sau khi học xong thì họ lại “nhảy” đến KS nào trả lương cao hơn.
Cũng có một số người tuy làm ở KS nhưng chưa xem việc phục vụ bàn, buồng, bar... là một nghề, nên họ không chú tâm học nghề. Một số doanh nghiệp khách sạn (loại nhỏ) còn cho rằng: “Nếu KS chúng tôi phục vụ không tốt thì khách không đến, chúng tôi mất doanh thu chứ có ảnh hưởng đến ai đâu”...
* Tăng cường đào tạo nhân lực
Xác định rằng, trình độ nguồn nhân lực rất quan trọng đối với việc phát triển DL, trong những năm qua ngành DL tỉnh cũng quan tâm đến vấn đề này. Mới đây, Trung tâm Xúc tiến DL (Sở DL tỉnh) đã phối hợp với Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng khai giảng lớp “Kỹ thuật phục vụ buồng, bàn, bar KS”. Tham dự lớp học có hơn 30 học viên hiện đang là nhân viên phục vụ buồng, bàn, bar của các KS tại TP Quy Nhơn. Các học viên sẽ được học về tổng quan DL, tâm lý khách DL, văn hóa DL, kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ buồng, bàn, bar... Sau 2 tháng hoàn thành khóa học, các học viên sẽ được Trường Cao đẳng Thương mại cấp chứng chỉ đào tạo.
Đây là lớp học nhằm trang bị những kiến thức cơ bản và cần thiết nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên phục vụ buồng, bàn, bar của các KS ở TP Quy Nhơn. Trong năm 2007, Trung tâm Xúc tiến DL cũng đã phối hợp với Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn DL cho 30 học viên. Sau 3 tháng học tập, các học viên đã được cấp chứng chỉ đào tạo. Đây là một trong những điều kiện để được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên (HDV) DL.
Ông Huỳnh Cao Nhất, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến DL (Sở DL tỉnh), cho biết: trong năm 2008, Trung tâm sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực phục vụ DL; tiếp tục phối hợp cùng các trường nghiệp vụ mở các lớp đào tạo (ngắn ngày) HDV DL và các lớp nghiệp vụ KS theo phương châm: Nhà nước, DN và người lao động cùng có trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng theo ông Nhất, các lớp đào tạo ngắn ngày chỉ là giải pháp tình thế; về lâu dài tỉnh cần có chiến lược đào tạo bài bản và căn cơ hơn. Trước mắt là giúp định hướng, tạo cơ chế... để các trường đại học, cao đẳng, trường nghề trong tỉnh có điều kiện mở khoa DL, mở thêm các lớp đào tạo chuyên ngành DL nhằm tăng cường nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu phát triển DL tỉnh nhà.
Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch (DL) Bình Định, chỉ tiêu lao động trực tiếp trong ngành DL năm 2010 là 4.400 người; phấn đấu đạt 80% nhân viên phục vụ trực tiếp có trình độ trung cấp trở lên về chuyên môn nghiệp vụ; 100% nhân viên lễ tân, hướng dẫn viên DL có trình độ ngoại ngữ phù hợp với nhiệm vụ được giao; 100% cán bộ quản lý DN (ban giám đốc) có trình độ đại học và qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý DL.
Theo các nhà chuyên môn, chỉ tiêu nói trên rất khó trở thành hiện thực nếu không có những biện pháp khả thi và được thực hiện một cách triệt để nhất. | |