|
Khách nước ngoài ở Hà Nội. Ảnh: VnExpress |
"Con người như thế nào thì chất lượng sản phẩm như thế đó, nhân lực thiếu chuyên môn kéo theo sản phẩm không ổn định. Nhiều khách sạn 3-4 sao nhưng khách vẫn phàn nàn về chất lượng", ông Hoàng Tuấn Anh, tân Tổng cục trưởng Du lịch VN trao đổi với báo chí.
* Tổng cục Du lịch sẽ có biện pháp gì để tăng lượng khách du lịch trở lại VN?
- Chất lượng sản phẩm du lịch phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường văn hóa, trong khi đó nạn chèo kéo khách vẫn tồn tại sẽ rất khó để du khách trở lại.
TP HCM đã có lực lượng tình nguyện, đây là mô hình tốt cần nhân rộng. Đà Nẵng có chương trình “năm không”, trong đó không có ăn xin gây phiền nhiễu du khách. Trước kia ở Bảo tàng Chăm có nhiều người ăn xin gây cảm giác không thoải mái cho du khách. Giờ đây du khách đã thoải mái ngắm cảnh. Mọi chuyện đều phải do chính quyền địa phương kiên quyết thực hiện và chịu trách nhiệm.
Đội ngũ quản lý, con người như thế nào thì chất lượng sản phẩm như thế đó, nhân lực thiếu chuyên môn thì không quản lý nổi và kéo theo sản phẩm không ổn định. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược quảng bá sản phẩm cho mình thật đặc sắc để lôi kéo du khách.
* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng có nguyên nhân là do kinh phí quảng bá, du lịch còn eo hẹp. Ông nghĩ sao?
- Trong chương trình chiến lược của quốc gia về du lịch trong năm 2006-2010 sẽ dành 121 tỷ đồng, ước chừng hơn 22 tỷ đồng/năm, cho quảng bá, xúc tiến du lịch. Số tiền này so với các nước là quá ít, chẳng hạn Malaysia bỏ ra 60 triệu USD/năm cho tuyên truyền quảng bá slogan “Truly Asia”. Tiền thì rất quan trọng, không có không làm được, nhưng hiệu quả sử dụng mới quan trọng. Tôi hi vọng trong năm nay VN tham gia các sự kiện ở các nước với chất lượng cao hơn, bài bản hơn.
* Tại sao chúng ta không áp dụng mô hình Singapore, theo đó doanh nghiệp du lịch từng đề xuất ý tưởng góp 1 USD/du khách đến VN cho kinh phí quảng bá du lịch?
- Mô hình của Singapore là doanh nghiệp và nhà nước cùng đóng góp 50-50 để hình thành nguồn quỹ cho xúc tiến quảng bá du lịch. Đây là vấn đề đáng quan tâm. Năm ngoái VN đón 3,6 triệu khách, theo đề xuất này thì sẽ có 3,6 triệu USD cho quảng bá. Năm nay dự kiến sẽ có khoảng 4 triệu lượt khách đến VN, tức là sẽ có 4 triệu USD, tương đương 60 tỷ đồng, nhiều gấp ba lần kinh phí hiện nay.
* Theo ông, hiện nay điều gì “trói” du lịch VN phát triển?
- Nội sinh chỉ có mức độ nên cũng phải tự trách chúng ta. Cơ sở hạ tầng trong những năm qua nhà nước đầu tư rất lớn nhưng không thấm vào đâu, khi cơ sở hạ tầng chưa phát triển thì du lịch sẽ chậm phát triển. VN đẹp duyên dáng nhưng không có nhiều người biết, kinh phí xúc tiến quảng bá hiện nay hạn hẹp, nhưng sau này nếu có nhiều hơn thì liệu nguồn nhân lực có đủ giỏi để sử dụng hiệu quả nguồn tiền này không?
Nhiều khách sạn 3-4 sao nhưng khách vẫn phàn nàn về chất lượng, nếu phòng đó mà có con người được đào tạo bài bản chắc chắn họ sẽ làm khác đi. Một bó hoa đưa tôi cắm chắc sẽ khó nhìn, nhưng rơi vào tay người được đào tạo bài bản sẽ đẹp hơn rất nhiều.
. Theo TTO
Bốn đề nghị về du lịch trình Chính phủ:
- Thoái thuế giá trị gia tăng cho du khách nước ngoài.
- Thuê công ty nước ngoài quảng bá, xúc tiến du lịch.
- Miễn thị thực (visa) để thu hút du khách nước ngoài. VN đã miễn visa trong vòng 15 ngày cho khách từ các quốc gia: Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Nhật, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore.
- Thu hút du khách các nước ASEAN thông qua hình thức du lịch caravan. VN phải giải quyết vấn đề khách lái xe tay lái nghịch. |
|