Du lịch Việt Nam:
Tiềm năng và những vấn đề nan giải
15:9', 8/6/ 2007 (GMT+7)

Tập đoàn Visa International Asia Pacific (Visa) và Hiệp hội Du lịch (DL) khu vực châu Á - Thái Bình Dương (PATA) vừa công bố “Khảo sát những dự định DL châu Á năm 2007”. Theo khảo sát này, 31% số người được hỏi đã xem Việt Nam là điểm đến kế theo trong vòng 2 năm tới, tăng 7% so với khảo sát năm 2006.

 

Khách du lịch tàu biển lên xe từ cảng Quy Nhơn, bắt đầu chuyến tham quan các di tích, danh thắng ở Bình Định. Ảnh: B.L

 

* Kết quả khảo sát đáng quan tâm

Một điều đáng lưu ý là hơn nửa số khách DL được khảo sát nói rằng họ chọn Việt Nam đến tận hưởng kỳ nghỉ bởi đây là địa điểm ít tốn kém, có phong cảnh đẹp và nền văn hóa đa dạng, lâu đời. Ông Stuart Tomlinson, Giám đốc Visa khu vực Việt Nam - Lào – Campuchia, cũng cho rằng “Việt Nam được khách DL đánh giá cao là điều rất đáng khích lệ và Việt Nam sẽ còn phát triển thành điểm đến của du khách có thu nhập cao trên toàn thế giới”. Đây thực sự là những ý kiến đáng quan tâm cho ngành DL Việt Nam, bởi cuộc khảo sát được thực hiện trên những biện pháp đo lường tương đối chính xác.

Tuy nhiên, cũng theo cuộc khảo sát năm nay, có thể thấy 5 lý do chính để du khách đến Việt Nam bao gồm: giá hàng hóa và dịch vụ thấp (49%), phong cảnh thiên nhiên (44%), văn hóa Việt Nam (41%), DL mạo hiểm (38%) và con người thân thiện (35%). Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta hiểu được những ưu điểm mà ngành DL Việt Nam đang có. Vấn đề là chúng ta phải củng cố niềm tin cho du khách bằng nhiều phương pháp khác nhau dựa trên những ưu thế này.

Nhìn tổng quan toàn khu vực châu Á, chúng ta có thể thấy 52% số người dự kiến DL nước ngoài trong vòng 2 năm tới đã xem châu Á là điểm đến tiếp theo. Con số này đã tăng 9% so với kết quả của những khảo sát trước đây. Cách đây 2 năm, khảo sát những dự định DL châu Á đầu tiên đã công bố chỉ có 34% khách DL có dự định đến châu Á.

Cũng trong đợt khảo sát lần này, khoảng 2/3 số người được phỏng vấn (những người từng DL đến châu Á) thì có 47% trong số đó đến Thái Lan. Một lần nữa, Thái Lan lại xếp hạng nhất trong danh sách điểm đến khi đi nghỉ của du khách, tiếp theo là Nhật Bản và Trung Quốc. Đa phần khách DL chọn lựa những nơi này bởi họ thích kiểu DL thân thiện với môi trường và văn hóa. Họ sẽ chọn những sản phẩm DL mang đậm bản sắc văn hóa địa phương và bảo vệ môi trường tự nhiên. Nhiều người sẵn sàng trả thêm tới 10% chi phí sao cho môi trường cũng như nền văn hóa địa phương tại nơi họ đến không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hoạt động DL.

PATA gồm các thành viên tham gia với mục đích phát triển ngành DL và lữ hành tại châu Á - Thái Bình Dương, được thành lập năm 1951; có vai trò định hướng cũng như tư vấn các nỗ lực mang tính tập thể của gần 100 chính phủ, nhà nước và các cơ quan trong ngành DL, 55 hãng hàng không và tàu biển cùng hàng trăm hãng DL. Ngoài ra, có hàng nghìn chuyên gia về DL thuộc các tổ chức khác nhau của PATA trên toàn thế giới.

Theo ông Peter de Jong, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành PATA: Khách DL có xu hướng muốn đến những vùng đất có môi trường và nền văn hóa được bảo tồn, đây là ưu thế mà Ủy ban DL quốc gia và những nhà làm DL địa phương có thể khai thác thế mạnh của mình. Riêng Việt Nam, những di sản thế giới như vịnh Hạ Long hay Huế cần được bảo tồn về văn hóa và sinh thái, không chỉ nhằm thu hút du khách mà còn giúp đỡ cộng đồng địa phương.

* Phương thức thanh toán - vấn đề không nhỏ !

Thêm một vấn đề cũng không kém phần quan trọng đó là phương thức thanh toán của du khách. Các điểm DL trong khu vực châu Á, ngoại trừ Hàn Quốc, đều muốn nhận thanh toán cho các hoạt động DL bằng tiền mặt. Tuy nhiên sở thích của du khách lại muốn sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ khi thanh toán. Số du khách muốn sử dụng tiền mặt hoặc séc DL chỉ chiếm tỷ lệ rất ít. Trong khi đó, tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, hạ tầng cơ sở thanh toán lại phần lớn tập trung vào thanh toán tiền mặt.

Vấn đề nan giải sẽ trở thành nỗi lo khi Hiệp hội Lữ hành - DL Thế giới ước tính, ngành DL và lữ hành đóng góp trên 10% tổng thu nhập quốc nội năm 2007 của các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tương đương khoảng 1.300 tỉ USD. Chính vì vậy, công tác quan trọng cần được các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện song hành với chiến lược quảng bá thương hiệu quốc gia là thiết lập một mạng lưới hệ thống cơ sở hạ tầng, nhằm cung cấp các phương thức thanh toán đa dạng theo yêu cầu của du khách. Việc tìm lời đáp cho những bài toán nan giải nhằm kích thích thị trường DL trong nước phải được nghiêm túc xem xét rộng rãi từ các cấp, nhiều ngành, từ Trung ương đến địa phương. Và hiển nhiên, chiến lược mang tính quốc gia muốn hiệu quả cần được triển khai từ những vấn đề thiết thực nhất.

. Theo SGGP online

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng cường các hoạt động phát triển du lịch  (25/05/2007)
Nhìn lại cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch biển  (18/05/2007)
Trông người mà ngẫm đến ta…  (04/05/2007)
Khách đi nhiều, khách đến ít  (27/04/2007)
Còn nhiều bất cập  (20/04/2007)
Du lịch với người cao tuổi   (13/04/2007)
Vietravel chuẩn bị khai thác du lịch tuyên hành lang Đông Tây  (06/04/2007)
Đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch  (30/03/2007)
Dẫn đầu phong trào thi đua của ngành Du lịch  (23/03/2007)
Du lịch tàu biển “mở hàng” đầu năm   (16/03/2007)
“Du lịch chậm phát triển, hãy tự trách mình”  (12/03/2007)
Tháng Giêng đi lễ chùa  (10/03/2007)
Các tuyến du lịch trọng điểm ở Bình Định  (02/03/2007)
Du lịch VN hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới  (15/02/2007)
Bảo tàng Quang Trung: Mở cửa nhà rông Bana  (21/02/2007)