Vì sao khách du lịch ít đến Bình Định ?
15:45', 12/6/ 2007 (GMT+7)

Những ngày nghỉ lễ vừa qua trong khi các trung tâm du lịch lớn của miền Trung như: Phan Thiết, Nha Trang, Huế, Đà Nẵng, Hội An bị “cháy phòng” thì ở Quy Nhơn ngược lại rất vắng bóng khách du lịch. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao khách du lịch ít đến Bình Định?

 

Quy Nhơn cũng có bãi biển đẹp, có thể tổ chức các hoạt động du lịch biển. Trong ảnh: Bãi Xếp - Ghềnh Ráng. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

Khách quan nhìn nhận, du lịch Bình Định thực sự có tiềm năng lớn để phát triển thế nhưng vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi gây cản trở, kìm hãm sự tăng trưởng của ngành du lịch. Nguyên nhân, tỉnh Bình Định nằm cách quá xa các thành phố lớn của cả nước, nhất là TP.HCM và Hà Nội. Đây là hai thị trường nguồn khách nội địa lớn nhất của cả nước, riêng TP.HCM là thị trường khách quan trọng nhất của Bình Định hiện nay.

Vì vậy, chúng ta không có cơ hội để phục vụ một đối tượng khách hết sức quan trọng là khách du lịch ngắn ngày và cuối tuần. Đây chính là nguồn khách tạo nên sự sầm uất, nhộn nhịp của các trung tâm du lịch lớn của cả nước, như Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Vũng Tàu, Phan Thiết...

Trong khi đó, tỉnh Bình Định lại chưa phải là đầu mối giao thông quan trọng, nhất là đường hàng không nên chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch. Ngay cả vào mùa cao điểm du lịch năm nay, Vietnam Airlines tăng tần suất chuyến bay từ 20-100% đến hầu hết các thành phố lớn của miền Trung như: Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột… nhưng không có Quy Nhơn!

Bên cạnh đó, du lịch tỉnh Bình Định chịu sự cạnh tranh gay gắt và trùng lắp một số loại tài nguyên du lịch với các “đối thủ” trong khu vực Duyên hải miền Trung. Trong khi các địa phương nói trên đã đi trước và phát triển mạnh ngành “công nghiệp không khói” từ nhiều năm nay và sản phẩm du lịch của họ cũng đã có “thương hiệu” trong nước và quốc tế, điều kiện giao thông của họ cũng thuận tiện hơn ta nhiều. Điều quan trọng nữa là khoảng cách địa lý giữa một số tỉnh, thành miền Trung khá gần nhau nên dễ dàng liên kết với nhau để tạo thành những chùm tour-tuyến hấp dẫn, như tuyến Phong Nha - Huế - Hội An - Mỹ Sơn tạo nên chùm tour “Con đường di sản miền Trung”, tuyến Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt tạo nên chùm tour “Biển và Hoa” rất ấn tượng. Còn tỉnh Bình Định lại nằm đơn lẻ một mình vì các tỉnh lân cận chúng ta sản phẩm du lịch của họ cũng nghèo nàn.

Đối với biển và tháp Chăm Bình Định, chúng ta vẫn chưa thể tạo ra được một cái “mác” nào ấn tượng với du khách. Quy Nhơn cũng có bãi biển đẹp, có thể tổ chức các hoạt động du lịch biển, thế nhưng bao năm qua chúng ta cứ quay lưng về phía biển. Đối với tháp Chăm Bình Định cũng vậy, chúng giống như những cái “vỏ” không hồn vì nó không có những lễ hội hấp dẫn, không gắn liền với đời sống tôn giáo của cộng đồng người Chăm...

Tiềm năng và thế mạnh du lịch của ta lại chủ yếu là tài nguyên du lịch nhân văn như: võ thuật, di sản Nhà Tây Sơn, văn hóa Chăm, nghệ thuật Hát Bội, Bài Chòi, thi ca, lễ hội, ẩm thực, làng nghề truyền thống… Các loại hình văn hóa này, muốn “chế biến” thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đòi hỏi cần có sự đầu tư tương xứng không chỉ về kinh phí mà cả đầu tư về chất xám và nghệ thuật.

Đến nay, hầu hết các loại loại hình văn hóa này vẫn chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ khách du lịch, nếu có chỉ là lẻ tẻ, tự phát. Vì thế, chúng ta không thể cung cấp cho du khách những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc kiểu như: Quan họ Bắc Ninh, Ca Huế, Nhã nhạc Cung đình, Múa Chăm, Cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử Nam bộ, Múa rối nước…

Đã thế, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Bình Định nói chung và du lịch nói riêng thời gian qua chưa nhiều và chưa hiệu quả. Nguyên nhân một phần vì chúng ta không có nhiều kinh phí, một phần vì cách làm của chúng ta chưa chuyên nghiệp. Đơn cử như việc Bình Định tổ chức Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất, theo đánh giá của các nhà làm du lịch là rất hay, rất hoành tráng thế mà các công ty du lịch ở TP.HCM, Hà Nội chỉ được biết… qua báo chí sau khi liên hoan kết thúc!

Dường như chúng ta chưa có một chiến lược, chương trình, kế hoạch quảng bá hình ảnh Bình Định nào rõ nét trên các phương tiện truyền thông và qua các sự kiện lớn của tỉnh. Bởi vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy thông tin về Bình Định nói chung và du lịch tỉnh Bình Định nói riêng còn quá thưa thớt…

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cố hữu khác như: chưa tạo ra một khu vui chơi, giải trí tầm cỡ nào có khả năng lôi kéo khách, tạo điểm nhấn cho du lịch Bình Định; dịch vụ du lịch tại các điểm tham quan gần như là con số không; đường đi đến các làng nghề và một số điểm tham quan vô cùng vất vả; năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa được tốt… Bởi vậy, du lịch Bình Định trong thời gian qua chưa phát triển mạnh mẽ được.

  • Nguyễn Đình Hoãn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiềm năng và những vấn đề nan giải  (08/06/2007)
Tăng cường các hoạt động phát triển du lịch  (25/05/2007)
Nhìn lại cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch biển  (18/05/2007)
Trông người mà ngẫm đến ta…  (04/05/2007)
Khách đi nhiều, khách đến ít  (27/04/2007)
Còn nhiều bất cập  (20/04/2007)
Du lịch với người cao tuổi   (13/04/2007)
Vietravel chuẩn bị khai thác du lịch tuyên hành lang Đông Tây  (06/04/2007)
Đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch  (30/03/2007)
Dẫn đầu phong trào thi đua của ngành Du lịch  (23/03/2007)
Du lịch tàu biển “mở hàng” đầu năm   (16/03/2007)
“Du lịch chậm phát triển, hãy tự trách mình”  (12/03/2007)
Tháng Giêng đi lễ chùa  (10/03/2007)
Các tuyến du lịch trọng điểm ở Bình Định  (02/03/2007)
Du lịch VN hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới  (15/02/2007)