Nghệ thuật truyền thống góp phần phục vụ du lịch
17:7', 6/7/ 2007 (GMT+7)

Ngoài biểu diễn sân khấu theo nhiệm vụ thường xuyên, Nhà hát Tuồng Đào Tấn (NHTĐT) và Đoàn Ca kịch Bài Chòi (CKBC) Bình Định còn có các chương trình phục vụ du lịch (DL). Tuy nhiên, vì lượng khách DL đến tỉnh Bình Định chưa nhiều và một số khó khăn về thiết kế chương trình, quảng bá, tiếp thị... nên số show diễn của 2 đơn vị nghệ thuật này còn khá khiêm tốn.

 

Khách du lịch tham quan di chỉ Hành cung Nguyễn Nhạc tại thành Hoàng Đế - An Nhơn. Ảnh: B.L

 

Mới đây, trước khi đưa đoàn khách gồm một số giáo viên ở TP Hồ Chí Minh đi tham quan, DL tại Bình Định, anh Phạm Phước Long - Giám đốc Công ty DL Atlas (TP Hồ Chí Minh) - đã gọi điện thoại nhờ chúng tôi tư vấn một số vấn đề cần thiết. Ngoài ra, anh còn dặn đi dặn lại rằng phải giúp cho đoàn thưởng thức một show hát dân ca, ngâm thơ Hàn Mặc Tử và một show biểu diễn Hát Bội. Tuy không rành lắm về cái món “văn nghệ văn gừng”, song vì muốn góp phần quảng bá thương hiệu DL Bình Định nên chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp theo yêu cầu của anh Long.

Làm gì để tạo sự hấp dẫn cho du khách bằng một vài nét riêng biệt và độc đáo chỉ Bình Định mới có? Đây là trăn trở của những người làm DL ở Bình Định. Là người có chút ít duyên nợ với ngành DL, chúng tôi cũng đồng cảm với điều này. Cũng có một số người tâm huyết và mong muốn DL Bình Định nhanh chóng phát triển đã thắc mắc rằng tại sao ca Huế và đờn ca tài tử Nam bộ thu hút được du khách; còn “vốn quý” của ta thì không. Theo suy nghĩ của chúng tôi, du khách thưởng thức ca Huế trong một đêm du thuyền trên dòng Hương giang đầy huyễn hoặc; còn đờn ca tài tử Nam bộ được đặt trong một không gian sông nước mênh mông và sum suê cây trái miệt vườn, thì làm sao mà du khách không “tức cảnh sinh tình” cho được. Với nghệ thuật truyền thống của ta, nếu biểu diễn một cách bài bản và đóng khung trên sân khấu thì rất khó hấp dẫn du khách, nên phải tìm cách “xé lẻ” nó ra để du khách dễ thưởng thức, mà vẫn giữ được “hồn vía” của nghệ thuật truyền thống Bình Định.

Chính vì vậy chúng tôi nảy ra ý định thử nghiệm cho khách thưởng thức đặc sản biển Quy Nhơn kết hợp nghe hát dân ca và thơ Hàn Mặc Tử ở một nhà hàng mang đậm chất dân dã, ẩn mình dưới tán rừng ngập mặn bên dòng Hà Thanh. Rồi hôm sau cho du khách thưởng thức một vài trích đoạn Hát Bội trong thời gian vài ba chục phút ngay tại khách sạn, kèm theo việc giới thiệu, minh họa một số nét đặc trưng của bộ môn nghệ thuật này để khách có thể hiểu và dễ xem hơn. Xin nói thêm rằng, đây không phải là chương trình “ca nhạc nhậu”, mà chúng tôi muốn đặt du khách trong một không gian phù hợp, hài hòa giữa thiên nhiên và nghệ thuật, có sự giao thoa giữa người diễn và người xem…; có nghĩa là một cách “tạo không khí” nhằm tăng thêm hứng khởi cho du khách.

Nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện, Phó giám đốc NHTĐT, đã thực hiện rất tốt “đơn đặt hàng” của chúng tôi, nhất là trong điều kiện “kinh phí” của hãng DL chi cho khoản này khá hạn chế. Anh Phạm Phước Long đã đánh giá cao chương trình nghệ thuật phục vụ khách đi tour của Atlas.  Anh cho biết: “Sau khi tham quan một số di tích, danh thắng trong tỉnh, buổi chiều trở về Quy Nhơn nghỉ ngơi thoải mái rồi vừa ăn tối, vừa thưởng thức chương trình nghệ thuật là “đặc sản” văn hóa của địa phương, được tổ chức một cách khéo léo, nhẹ nhàng và sinh động trong một không gian phù hợp nên du khách rất thích thú. Chúng tôi đã chọn thêm một số điểm đến ở Bình Định để quảng bá, giới thiệu và chắc chắn là sẽ thường xuyên tổ chức tour này”.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện, rút kinh nghiệm show diễn vừa rồi, nếu có điều kiện về thời gian (trừ những lúc đi biểu diễn hoặc dàn dựng vở mới), NHTĐT sẵn sàng phục vụ các đoàn khách ít người thông qua các buổi diễn theo dạng salon. Về khoản thù lao, tuy có thấp nhưng một khi du khách đã “chịu” thì chỉ riêng khoản tiền “bo” cho ca sĩ, diễn viên, nhạc công cũng đủ “lấy thu bù chi” được. Đây cũng là một cách góp phần phát triển DL tỉnh nhà và tạo thêm thu nhập cho anh chị em nghệ sĩ.

Trò chuyện với chúng tôi về vấn đề này, nghệ sĩ Trần Văn Tới, Trưởng Đoàn CKBC Bình Định cho biết: “ Đoàn CKBC có xây dựng các chương trình ca múa nhạc dân tộc và thường phục vụ tại các khách sạn lớn ở TP Quy Nhơn (theo yêu cầu của các khách sạn). Chúng tôi sẽ tuyển chọn một số tiết mục đặc biệt như: biểu diễn các làn điệu dân ca Bài Chòi, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc… để phục vụ các đoàn khách lẻ nếu có yêu cầu”.

Như vậy, việc các đơn vị nghệ thuật truyền thống sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu của du khách chứ không chỉ biểu diễn một cách bài bản trên sân khấu cũng là một tín hiệu vui, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm DL Bình Định.

  • Nguyên Vũ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khách sạn Hải Âu: Đầu tư lớn để phát triển lĩnh vực lữ hành  (29/06/2007)
Khu du lịch Ghềnh Ráng sẽ được đầu tư xứng tầm   (25/06/2007)
Vẫn chỉ là tiềm năng !  (21/06/2007)
Những ý kiến tâm huyết  (13/06/2007)
Vì sao khách du lịch ít đến Bình Định ?  (12/06/2007)
Tiềm năng và những vấn đề nan giải  (08/06/2007)
Tăng cường các hoạt động phát triển du lịch  (25/05/2007)
Nhìn lại cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch biển  (18/05/2007)
Trông người mà ngẫm đến ta…  (04/05/2007)
Khách đi nhiều, khách đến ít  (27/04/2007)
Còn nhiều bất cập  (20/04/2007)
Du lịch với người cao tuổi   (13/04/2007)
Vietravel chuẩn bị khai thác du lịch tuyên hành lang Đông Tây  (06/04/2007)
Đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch  (30/03/2007)
Dẫn đầu phong trào thi đua của ngành Du lịch  (23/03/2007)