PHÁT TRIỂN DU LỊCH BIỂN:
Cần có một cú hích đủ mạnh
8:49', 3/8/ 2007 (GMT+7)

Thời gian gần đây, du lịch (DL) biển ở các địa phương trong khu vực có thế mạnh về loại hình này như Nha Trang, Phan Thiết... đã có dấu hiệu bão hòa. Một số DN kinh doanh DL ở Bình Định muốn thu hút du khách về Quy Nhơn. Song do hạ tầng và sản phẩm DL biển ở Quy Nhơn hầu như chưa có gì, lại thêm các thủ tục chưa thông thoáng nên rất khó để... “chớp thời cơ”.

 

Làng chài Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng - TP Quy Nhơn). Ảnh: B.L

 

* Hạ tầng còn hạn chế

Muốn phát triển DL biển cần phải có cơ sở hạ tầng và các sản phẩm DL đủ sức thu hút du khách. Bình Định có tiềm năng về DL biển, nhưng chưa hội đủ 2 điều kiện nói trên, nên loại hình DL được xem là thế mạnh này lâu nay còn bỏ ngỏ. Một số DN có tâm huyết nhưng do khó khăn khách quan nên hoặc là đứng ngoài, hoặc làm một cách manh mún, tự phát, rất khó “lôi kéo” du khách tham gia các tour biển.

Về cơ sở hạ tầng, ngoài hệ thống lưu trú ở TP Quy Nhơn đáp ứng được yêu cầu, còn lại các mặt khác đều rất thiếu thốn. Chẳng hạn như phương tiện vận chuyển, nếu có thể chấp nhận vài chiếc tàu khách được HTX vận tải thủy Quy Nhơn hoán cải thành tàu DL, thì lại gặp khó khăn về cầu cảng ở điểm đi cũng như tại các điểm đến. Lâu nay, không còn cách nào khác nên các đơn vị DL thường tạm sử dụng bến đò cầu Đen trên đường Đống Đa làm nơi xuất phát các tour biển, dù biết rằng cây cầu gỗ cũ nát này thật… chẳng giống ai. Khi ra biển, muốn ghé vào một hòn đảo nào đó thì đành chịu thua do không có cầu cảng, dù chỉ là cầu tạm; muốn ghé vào làng chài Hải Giang để tham quan và nghỉ ngơi thì phải trung chuyển bằng sõng nan. Du khách đi một lần là… “bái bai” luôn.

Vài năm trước, một số khách sạn (KS) lớn ở ven biển đã đồng loạt làm thủ tục xin cấp diện tích mặt nước biển ở khu vực KS để tổ chức các dịch vụ vui chơi dưới nước như xe đạp nước, mô tô nước, kéo dù… nhưng không được chấp thuận. Có thể thấy rằng, bãi biển Quy Nhơn là bãi biển công cộng, nếu tổ chức dịch vụ dưới nước thì phải rải phao giới hạn nhằm bảo đảm an toàn cho du khách tham gia dịch vụ và cho người tắm biển. Đồng thời, KS làm dịch vụ này sẽ thành lập đội cứu nạn để bảo vệ du khách, và người tắm biển nói chung cũng được hưởng lợi, trong khi TP Quy Nhơn chưa có đội cứu nạn ở các bãi tắm biển. Việc tổ chức cứu nạn trên biển là rất cần thiết ở các bãi biển DL. Song có lẽ vì bãi biển Quy Nhơn không được xem là bãi biển DL nên vấn đề này lâu nay không được quan tâm!

* Thủ tục chưa thông thoáng

Mặt khác, việc tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính để các DN thuận lợi tổ chức các hoạt động DL biển cũng là vấn đề mà các DN luôn mong muốn. Một cán bộ của Life Resort cho biết: DN chúng tôi còn gặp một số khó khăn trong thủ tục hành chính. Trong năm 2006, chúng tôi mua một thuyền phao cứu nạn trị giá 5.000 USD để bảo vệ du khách tắm biển. Lực lượng Biên phòng đề nghị phải đăng ký thuyền phao này rồi mới được sử dụng. Chúng tôi đã đến ngành Thủy sản, rồi Sở Giao thông, nhưng không ngành nào chịu đăng ký. Sau đó chúng tôi được hướng dẫn đến Sở Giao thông, nhưng sau 8 lần đi lại làm thủ tục, đến nay vẫn chưa xong. Vì chưa có giấy phép đăng ký nên khi đưa chiếc thuyền phao này vào sử dụng thì Biên phòng đòi tịch thu. Bên cạnh đó, việc cấp phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại DN cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại…

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc KS Sài Gòn-Quy Nhơn: Biển Quy Nhơn đẹp, nhưng cách ứng xử và khai thác của chúng ta chưa tốt. Riêng khách nước ngoài đến Quy Nhơn, muốn đi chơi biển đảo thì rất khó khăn trong các thủ tục. Nhà nước cần xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu, tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển, tạo thông thoáng về thủ tục hành chính; các DN cần tăng thêm nhiều sản phẩm DL biển thì mới có thể thu hút du khách.

Bà Tạ Thị Hòa, Giám đốc KS Hải Âu, cho rằng: KS Hải Âu có đến 176 phòng, nếu không tạo thêm nhiều dịch vụ thì rất khó trong hoạt động kinh doanh. HiệnKS đang chuẩn bị triển khai các trò chơi dưới nước để thu hút du khách. Đề nghị UBND tỉnh nên quan tâm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục để các DN có điều kiện đầu tư các sản phẩm mới. Theo ông Huỳnh Văn Chánh, Chủ nhiệm HTX vận tải thủy Quy Nhơn, mấy chiếc tàu vận chuyển khách DL của HTX hoạt động rất ì xèo, một tháng chỉ có vài chuyến khách, đành nằm im để… chờ thời. Cũng theo ông Chánh, nguyên nhân là tỉnh ta ít có sản phẩm DL biển; thủ tục cho du khách đi chơi biển còn lắm phiền hà…

Nhằm từng bước phát triển DL biển, ngành DL tỉnh nhà nên nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề còn thiếu, còn vướng mắc để tham mưu cho tỉnh tạo một cú hích đủ mạnh bằng cách đầu tư hạ tầng thiết yếu và chỉ đạo các ngành chức năng tạo cơ chế cụ thể, thuận lợi cho các DN hoạt động. Nếu cứ để tình trạng mạnh ngành nào ngành ấy làm, không có một chủ trương chung và cách làm thống nhất, đồng bộ thì DL biển ở tỉnh ta vẫn chỉ là… tiềm năng.

  • Bùi Lợi
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều ý kiến thiết thực  (20/07/2007)
Du lịch Bình Định: Những tín hiệu vui  (13/07/2007)
Topten lữ hành và khách sạn hàng đầu Việt Nam 2006  (10/07/2007)
Nghệ thuật truyền thống góp phần phục vụ du lịch  (06/07/2007)
Khách sạn Hải Âu: Đầu tư lớn để phát triển lĩnh vực lữ hành  (29/06/2007)
Khu du lịch Ghềnh Ráng sẽ được đầu tư xứng tầm   (25/06/2007)
Vẫn chỉ là tiềm năng !  (21/06/2007)
Những ý kiến tâm huyết  (13/06/2007)
Vì sao khách du lịch ít đến Bình Định ?  (12/06/2007)
Tiềm năng và những vấn đề nan giải  (08/06/2007)
Tăng cường các hoạt động phát triển du lịch  (25/05/2007)
Nhìn lại cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch biển  (18/05/2007)
Trông người mà ngẫm đến ta…  (04/05/2007)
Khách đi nhiều, khách đến ít  (27/04/2007)
Còn nhiều bất cập  (20/04/2007)