Thực tế khách sạn đe dọa ngành du lịch
16:29', 20/8/ 2007 (GMT+7)

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2007, công suất sử dụng phòng khách sạn cao cấp trong nước luôn dao động từ 90 - 95%, thậm chí có khách sạn tại TP.HCM đạt mức 99%.

Theo đánh giá của ngành du lịch, từ năm 2006 đến nay có hơn 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã "một đi không trở lại". Điều này về lâu về dài sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu năm 2010, Việt Nam sẽ đón 6 triệu lượt khách quốc tế của ngành.

Ngành du lịch đang cố gắng xây dựng hình tượng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện. Kế hoạch vào năm 2010 sẽ thu hút 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Thế nhưng sự phát triển mất cân đối của dịch vụ khách sạn khiến cho những nỗ lực của ngành hướng đến dòng du khách cao cấp và kế hoạch thu hút 6 triệu du khách quốc tế vào năm 2010 sẽ trở nên rất khó khăn.

Khách sạn tự ý nâng giá - năng lực cạnh tranh giảm

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2007, công suất sử dụng phòng khách sạn cao cấp trong nước luôn dao động từ 90 - 95%, thậm chí có khách sạn tại TP.HCM đạt mức 99%. Từ đó, đã đẩy giá thuê phòng tăng lên chóng mặt.

Các công ty du lịch than phiền: "Giá phòng của các khách sạn lớn đã tăng 100% so với cùng kỳ năm 2006. Tình trạng này đang làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, có rất nhiều đoàn khách đã bỏ tour vì giá phòng tăng quá cao". Các công ty du lịch cho biết thêm, mặc dù đã ký hợp đồng với nhiều khách sạn từ trước nhưng các khách sạn này vẫn cứ tăng giá và yêu cầu ký hợp đồng lại. Với tình thế như vậy buộc lòng các công ty phải thương lượng lại với khách hàng để tăng giá tour.

Tính toán của Trung tâm Du lịch MICE (CITE) - Công ty Bến Thành Tourist, chi phí lưu trú một khách MICE ở Việt Nam là 180 USD/đêm, trong khi chất lượng phòng tương đương nhưng ở Thái Lan chỉ 100 USD/đêm.

Để góp phần kiềm hãm sự tăng giá của các khách sạn cao cấp ở đầu vào TP.HCM và Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuấn - Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết, với những dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, Bộ sẵn sàng báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ về mặt thủ tục. Từ nay đến năm 2010, du lịch Việt Nam phải có 15.000 - 20.000 phòng đạt tiêu chuẩn 4-5 sao mới đáp ứng được nhu cầu.

Trong 6 tháng đầu năm 2007, UBND TP.HCM đã chỉ đạo cho Sở Du lịch kiểm soát chặt việc tăng giá phòng của các khách sạn trên địa bàn thành phố, nhưng vẫn không có kết quả vì cầu luôn vượt cung.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, một số địa phương có điểm du lịch thu hút khách đang khai thác triệt để nhưng không đầu tư lại. Về chỗ ngủ Việt Nam đang có 8.556 khách sạn với 170.551 phòng. Trong đó, chỉ có 25 khách sạn 5 sao, 65 khách sạn 4 sao và 141 khách sạn 3 sao, còn lại là khách sạn 1 - 2 sao.

Vào thời điểm này bình quân mỗi ngày Việt Nam đón khoảng 13.000 du khách quốc tế. Mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh, đặc biệt là lượng khách doanh nhân - du lịch tăng đột biến nhưng số lượng phòng khách sạn cao cấp vẫn không tăng.

Việc thiếu phòng đã khiến các ông chủ khách sạn đẩy giá thuê phòng tăng từ 30-50%, thậm chí có khách sạn chỉ trong vòng có 2 năm đã tăng giá tới 200%. Do vậy, giá tour cũng bị đẩy lên cao và Việt Nam đang trở thành điểm đến có giá đắt đỏ nhất trong khu vực. 

Ông Lê Ngọc Hà - Tổng giám đốc Resort Hoàng Ngọc ở Mũi Né - Phan Thiết cho biết, có hai nguồn khách đến Việt Nam, một là du khách đơn thuần, hai là Việt Nam vừa gia nhập WTO, các doanh nhân đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư và đi du lịch tăng cao.

Khi so sánh với tất cả các điểm đến xung quanh khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia... đang trong tình trạng bất ổn thì sự an toàn của Việt Nam là lợi thế của ngành du lịch. Du khách đến Việt Nam tăng cao, nhu cầu thuê phòng cũng tăng, nhưng số lượng phòng không đủ đáp ứng, đã đẩy giá phòng trong nước tăng. Tăng giá phòng, khách sạn sẽ tăng doanh thu.

Thế nhưng, một khi các khách sạn ở TP.HCM hoặc Hà Nội phá vỡ hợp đồng với công ty du lịch nước ngoài, do các packet đã bán rồi bây giờ bị tăng giá công ty sẽ bị lỗ. Do vậy, họ quyết định không đưa khách vào Việt Nam mà đến một nước khác. Khách không vào Việt Nam cũng có nghĩa là không đến các khu du lịch trong nước. Thiệt hại này các resort trong nước sẽ lãnh đủ.

Kinh doanh không bền vững

Cách đây vài tháng, để giải quyết vấn đề này Tổng cục Du lịch có vào Mũi Né bàn về việc đang thiếu trầm trọng các phòng nghỉ 3-4 sao ở toàn bộ các khu du lịch Việt Nam, nhưng đến nay chưa thấy có tín hiệu phản hồi. Hiện tất cả các resort trong nước đã bắt đầu nhận thức ra rằng việc tăng giá phòng ở hai đầu TP.HCM và Hà Nội sẽ thật sự ảnh hưởng đến công suất sử dụng phòng của họ.

Mặc dù bị tăng giá phòng từ một năm nay, nhưng trong thời gian này lượng khách vào Việt Nam không giảm do cầu quá cao so với cung. Về lâu, về dài số lượng du khách vào Việt Nam sẽ giảm, đây là kiểu kinh doanh không bền vững và các khách sạn ở Sài Gòn, Hà Nội đang kinh doanh theo lối "ăn xổi ở thì".

Ông Hà cho rằng, với kiểu kinh doanh của các khách sạn như hiện nay Tổng cục Du lịch nên can thiệp vào giá trần của các khách sạn, quy định mỗi năm khách sạn chỉ được phép tăng bao nhiêu phần trăm và không được phép vượt giá trần quy định. Khi du khách quốc tế đến Việt Nam, họ thường đi tour round trip, đầu vào là TP.HCM hoặc Hà Nội, họ sẽ ở lại đây một, hai hôm rồi mới đi Hội An, Huế hoặc Mũi Né... vì các điểm du lịch thường nằm ở đoạn giữa của hành trình.

Thế nhưng trong thời gian qua các khách sạn ở hai đầu nâng giá thuê phòng lên khá cao, thậm chí có nơi tăng gấp đôi. Những khách sạn 4 sao trước đây giá thuê phòng chỉ khoảng 70 - 80USD/phòng, nay đã nâng lên 140 USD/phòng, vì khách sạn sẵn sàng phá vỡ giá hợp đồng cho thuê phòng mà đã ký. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến các khu du lịch nghỉ dưỡng trong nước. Du khách không vào được TP. HCM hoặc Hà Nội đồng nghĩa với việc các khu du lịch trong nước không có khách.

Bên cạnh việc tăng giá phòng quá cao của các khách sạn, chất lượng dịch vụ du lịch tại nhiều điểm du lịch còn thấp và nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu của ta cũng góp phần làm cho năng lực cạnh tranh của ngành du lịch giảm so với các nước trong vùng.

. Theo VnEconomy

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Triển khai dịch vụ giải trí - thể thao trên biển  (18/08/2007)
Hơn 70% khách quốc tế “một đi không trở lại”  (14/08/2007)
Tôi còn ở Bình Định cả một quê hương   (11/08/2007)
Du lịch Việt Nam: Mất khách do thiếu khách sạn  (07/08/2007)
Chuẩn bị khởi công khu du lịch Cánh Tiên  (04/08/2007)
Cần có một cú hích đủ mạnh  (03/08/2007)
Nhiều ý kiến thiết thực  (20/07/2007)
Du lịch Bình Định: Những tín hiệu vui  (13/07/2007)
Topten lữ hành và khách sạn hàng đầu Việt Nam 2006  (10/07/2007)
Nghệ thuật truyền thống góp phần phục vụ du lịch  (06/07/2007)
Khách sạn Hải Âu: Đầu tư lớn để phát triển lĩnh vực lữ hành  (29/06/2007)
Khu du lịch Ghềnh Ráng sẽ được đầu tư xứng tầm   (25/06/2007)
Vẫn chỉ là tiềm năng !  (21/06/2007)
Những ý kiến tâm huyết  (13/06/2007)
Vì sao khách du lịch ít đến Bình Định ?  (12/06/2007)