Bên cạnh các tiềm năng, thế mạnh về du lịch (DL) sinh thái, văn hóa-lịch sử, tỉnh Bình Định còn có nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc, có thể tổ chức và khai thác các tour DL làng nghề để thu hút du khách. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phúc - Phó giám đốc Khách sạn Hải Âu, DN đang chuẩn bị xúc tiến một số tour DL làng nghề - xung quanh vấn đề này.
|
Du khách nước ngoài tham quan làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (An Nhơn). Ảnh: T.L
|
* Ông có thể cho biết lý do tại sao Khách sạn Hải Âu quan tâm đến việc tổ chức các tour DL làng nghề Bình Định?
- Nhằm tăng tính cạnh tranh và góp phần phát triển DL Bình Định, KS Hải Âu đang hướng đến thực hiện hoạt động DL khép kín với hệ thống lưu trú - các điểm đến - các dịch vụ vui chơi, giải trí - lữ hành nội địa và quốc tế… Trong đó chúng tôi đặc biệt chú trọng tổ chức cho khách DL trong nước và quốc tế đến Bình Định, nên chúng tôi rất quan tâm đến việc khai thác tiềm năng, thế mạnh về DL của địa phương để tổ chức các tour DL nội tỉnh.
DL làng nghề là một trong những loại hình DL rất hấp dẫn du khách, nhất là với khách DL quốc tế. Đây lại là thế mạnh về DL của tỉnh ta. Nhiều DN kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức thành công các tour làng nghề. Vì vậy, bên cạnh các hoạt động khác, chúng tôi đang nghiên cứu các tuyến, điểm phù hợp để tổ chức các tour DL làng nghề nhằm đa dạng hóa chương trình tham quan, tránh sự nhàm chán, đơn điệu cho du khách.
* Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển DL làng nghề Bình Định?
- Tỉnh Bình Định có nhiều làng nghề truyền thống rất đặc sắc, sản xuất chuyên biệt các mặt hàng: gốm, dệt, thêu, rèn, đúc đồng, mỹ nghệ gỗ, nón, bánh tráng…, thể hiện khá sinh động về sức sống của làng quê Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng. Các làng nghề lại tập trung gần các điểm đến khác trên địa bàn tỉnh; nằm gần các đô thị lớn, các trục giao thông đường bộ, đường sông, do đó rất thuận tiện cho các DN kinh doanh DL xây dựng các tour, tuyến DL làng nghề. Người dân làng nghề rất hiền hòa, thân thiện, hiếu khách; cảnh quan thiên nhiên phong phú, tươi đẹp; ở mỗi làng nghề đều có nét độc đáo với những kỹ năng, kỹ xảo riêng… là những yếu tố quan trọng để làm nên sức hấp dẫn cho các tour DL làng nghề.
Thuận lợi hơn nữa là UBND tỉnh đã có chủ trương giao cho các sở ngành chức năng trong tỉnh tập trung khôi phục, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, sản xuất các các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách DL. Đây là chủ trương rất đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN lữ hành trong tỉnh và trong nước đưa khách đến tham quan, tìm hiểu nét đặc sắc của các làng nghề, cũng như mua sắm tại các điểm tham quan này.
* Theo ông, còn có gì hạn chế ở các làng nghề khi đưa vào khai thác DL?
- Qua khảo sát sơ bộ của chúng tôi, do các yếu tố về thị trường hàng hóa, công nghệ sản xuất…, có thể nói hiện nay hầu hết các làng nghề đều phát triển vẫn chỉ ở mức độ tự phát. Bên cạnh đó, có thể là do thiếu sự phối hợp giữa các ngành có liên quan trong việc xây dựng, quy hoạch DL làng nghề, cùng nhiều khó khăn khách quan khác, nên các nhà làm nghề không thể tập trung thành một khu để khách có thể tham quan một cách dễ dàng.
Sự biến động của thị trường, khó khăn trong cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa khiến nhiều làng nghề chỉ còn hoạt động cầm chừng, chưa tạo được môi trường du lịch có sức hút mạnh. Bên cạnh đó, các yếu tố về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường cũng chưa được chú trọng đúng mức. Mặt khác, do hoạt động DL làng nghề ở tỉnh Bình Định chưa mạnh, chưa thu hút nhiều đoàn khách, tức là thiếu sự tác động hữu cơ, nên người dân làng nghề chưa thấy được hiệu quả kinh tế của việc phát triển DL tại làng nghề của họ…
* Vậy Trung tâm lữ hành Hải Âu sẽ xây dựng các tour DL làng nghề như thế nào, và cần có sự hỗ trợ gì ở phía nhà nước và các ngành chức năng?
- Không riêng gì chúng tôi mà các DN lữ hành sẽ tổ chức tour đưa khách tham quan làng nghề, tìm hiểu lịch sử-văn hóa làng nghề; những nét độc đáo của các nghề chế tác thủ công truyền thống… Và hơn thế, chúng tôi sẽ tạo cho du khách có cơ hội tự tay tham gia vào quá trình sản xuất ra sản phẩm, thậm chí đó là một sản phẩm theo ý tưởng, mẫu thiết kế riêng của du khách…
Khai thác DL làng nghề, chúng tôi sẽ thực hiện phân chia lợi nhuận thu được qua các hình thức đóng góp xây dựng đối với cộng đồng làng nghề, các cơ sở trực tiếp tham gia vào tour. Đồng thời, ngành chức năng, địa phương cùng các DN lữ hành có tổ chức tour làng nghề nên nghiên cứu bố trí hệ thống dịch vụ, bán sản phẩm, đồ lưu niệm cho du khách, giúp tăng thu nhập cho nhân dân trong vùng.
Chúng tôi nghĩ rằng, loại hình DL làng nghề sẽ thực sự hấp dẫn, có hiệu quả khi ngành DL tỉnh nhà quan tâm thực hiện những dự án đầu tư đúng mức, thiết thực, mang tính lâu dài, hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của DL làng nghề trong cộng đồng các làng nghề; đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút khách…
* Xin cảm ơn ông.
|