Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
14:24', 29/3/ 2008 (GMT+7)

Từ lâu, lễ giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành Quốc giỗ của đất nước ta, và cũng là lễ hội lớn của cả dân tộc. “Dù ai đi ngược về xuôi/ nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”...

 

Cổng Đền Hùng. Ảnh: Ngọc Hương

 

Khu di tích Đền Hùng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của các dân tộc Việt Nam.

Từ đại môn dưới chân núi, đi qua 225 bậc thềm đá, du khách sẽ đến đền Hạ. Tương truyền nơi đây mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng và nở thành trăm con. Chếch về phía Đông Nam là đền Giếng. Trong đền còn có giếng ngọc, nước trong suốt, tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi gương (giếng) chải tóc nơi đây. Rất nhiều du khách tin rằng chỉ cần bỏ vào đây một đồng xu, uống một ngụm nước mát lạnh bằng chiếc gàu mo cau từ giếng ngọc sẽ “cầu được ước thấy”.

Tiếp tục vượt qua 168 bậc đá, du khách sẽ đến đền Trung, là nơi các đời vua Hùng thường họp bàn việc nước với các quan. Vượt thêm 102 bậc đá nữa là tới đền Thượng, là nơi các vua Hùng thường làm lễ tế trời cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. 

Lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ diễn ra từ mùng 6 đến mùng 10.3 Âm lịch (từ 11 đến 15.4.2008), du khách sẽ bước vào không gian lễ hội với nhiều hoạt động phong phú, đầy sắc màu dân gian của một vùng đất đầy huyền thoại, với các hội thi nấu bánh chưng, giã bánh dày, đấu vật, chọi gà, thi bắn nỏ, đấu cờ tướng, đu tiên, ném còn... đồng thời sẽ được thưởng thức các làn điệu hát xoan, hát ca trù, đố chữ, mời trầu… đặc sắc của đất Tổ.

Theo Ban Tổ chức lễ hội, năm nay Lễ giỗ Tổ sẽ diễn ra đúng vào ngày mùng mười tháng ba Âm lịch (15.4.2008) với nghi thức quốc lễ hoành tráng và long trọng, trong âm vang tiếng trống đồng và tiếng cồng chiêng. Đặc sắc nhất là lễ rước kiệu (rước cổ chay) gồm xôi nhiều màu, bánh dầy, bánh chưng... để nhắc lại sự tích Lang Liêu. Sau kiệu là cuồn cuộn biển người hành hương lên đền Thượng - nơi sẽ diễn ra các nghi thức tế lễ. Xong lễ chính là phần trình diễn các điệu múa cổ truyền và cuộc thi kiệu của các làng xung quanh đền thờ với những đám rước linh đình, làm cho không khí lễ hội thêm tưng bừng, náo nhiệt...

Phú Thọ rất phong phú các đặc sản địa phương như bưởi Đoan Hùng, chè, măng, bánh tai, cơm lam, rau sắn, thịt chua… để chuyến đi của du khách càng thú vị, ý nghĩa hơn khi trở về trong hành lý lưu luyến chút hương vị truyền thống của vùng đất tổ.

Tại Bình Định, du khách có thể liên hệ với các hãng lữ hành như: Vietravel Quy Nhơn, Du lịch Hải Âu, Quy Nhơn Travel, Du lịch Công Đoàn, Du lịch Miền Trung... để có một chuyến hành hương về đất Tổ, thắp nén nhang thành kính tưởng nhớ tổ tiên, nguồn cội và tham gia các hoạt động đầy thú vị và hấp dẫn của Lễ hội Đền Hùng.

  • Ngọc Hương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thiếu các khu vui chơi, giải trí  (22/03/2008)
Tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch  (01/03/2008)
Nhiều hoạt động mới trong năm 2008  (24/02/2008)
"Vận hội mới" cho du lịch ĐBSCL!  (22/02/2008)
Nhộn nhịp các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân  (02/02/2008)
Các đơn vị du lịch chuẩn bị phục vụ Tết  (26/01/2008)
Ngày càng thu hút nhiều du khách  (19/01/2008)
Giá phòng khách sạn tăng vọt, kinh doanh du lịch lao đao  (14/01/2008)
Chuẩn bị nhiều hoạt động tham gia Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (12/01/2008)
Hiệu quả bước đầu  (05/01/2008)
Đồng hành với Festival Tây Sơn - Bình Định  (30/12/2007)
Một năm nhìn lại  (22/12/2007)
Phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch  (08/12/2007)
Phát triển du lịch - bắt đầu bằng những động tác nhỏ  (01/12/2007)
Khởi động dự án khu du lịch Vĩnh Hội  (01/12/2007)