ANH NHẬT GIA VIÊN:
Một cách làm du lịch
10:22', 10/5/ 2008 (GMT+7)

Vốn tính khiêm tốn, anh Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Công ty TNHH TM SX XNK Anh Nhật, chủ khách sạn Anh Nhật và nhà hàng điểm tâm-cà phê Anh Nhật Gia Viên - ít nói về công việc của mình. Song qua cách làm và những ý tưởng của anh, chúng tôi biết rằng anh là người rất “máu” làm du lịch (DL)...

 

Một góc Anh Nhật Gia Viên. Ảnh: Văn Lưu

 

* Từ khách sạn...

Là một trong những doanh nghiệp làm dịch vụ phân phối hàng hóa tiêu dùng hàng đầu ở tỉnh ta, những năm qua Công ty Anh Nhật (cụm công nghiệp Quang Trung - TP Quy Nhơn) làm ăn khá phát đạt. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2006 anh Sinh đưa vào hoạt động khách sạn (KS) Anh Nhật (213 Tăng Bạt Hổ - TP Quy Nhơn). KS 1 sao này gồm 17 phòng nghỉ, thường được các đoàn giám sát, trọng tài bóng đá, các nhà báo thể thao, khách của các cơ quan, doanh nghiệp, các đoàn khách DL ít người... chọn lưu trú khi đến công tác ở Bình Định.

Sở dĩ KS Anh Nhật được tín nhiệm là vì trang bị đầy đủ tiện nghi hiện đại, giá cả phải chăng, cung cách phục vụ khá chuyên nghiệp. Ngoài ra, một vài chi tiết tinh tế được thể hiện cũng góp phần quảng bá cho KS. Chẳng hạn như ngay sau khi Chính phủ có chủ trương về việc đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe máy, anh Sinh đã mua hàng chục mũ bảo hiểm cho khách lưu trú mượn miễn phí. Đây là KS đầu tiên ở TP Quy Nhơn làm việc này. Khi có đoàn học sinh đi thi học sinh giỏi hoặc học sinh tham dự các kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng... nghỉ ở KS, tuy KS không có dịch vụ ăn uống nhưng luôn sẵn sàng tổ chức các món ăn khuya, cà phê... để bồi dưỡng cho các cháu, và hoàn toàn miễn phí... Chính vì sự quan tâm đến những chi tiết nhỏ và rất tình cảm như vậy nên số lượng khách chọn lưu trú ở KS Anh Nhật ngày càng tăng. Đặc biệt, KS này không cho thuê phòng “theo giờ” như cách làm của một số KS khác.

* ... Đến nhà hàng

Bức xúc trước việc ở TP Quy Nhơn ít có các nhà hàng điểm tâm lịch sự, ấm cúng và đủ chỗ cho những nhóm gia đình, bạn bè, những đoàn khách đông người, năm 2007 anh Sinh đã đầu tư 2 tỉ đồng mua 2 ngôi nhà rường Huế đưa về xây dựng nên nhà hàng Anh Nhật Gia Viên (ANGV - 1087 Trần Hưng Đạo - Quy Nhơn). Việc xây nhà cổ để làm quán cà phê đã có nhiều người làm, nhưng chọn một lối đi riêng như ANGV thì chẳng có mấy ai.

Có thể đặt câu hỏi: Kinh doanh khách sạn, nhà hàng thì có gì đáng nói. Đúng là vậy, song cách làm của anh Sinh lại là vấn đề đáng nói, vì anh không đi theo con đường mòn mà đi theo cách riêng của mình. Cái cách riêng ấy lại rất chung, bởi anh biết khai thác cái tinh túy của đất và người Bình Định để quảng bá cho quê hương Bình Định. Anh có điều kiện đến một số nước châu Á, châu Âu, vừa là DL cho biết đó biết đây, vừa là nghiên cứu, học tập để rút kinh nghiệm làm DL. Song anh lại không làm “theo Tây, theo Tàu” mà chỉ muốn làm cách nào đó để nêu bật được bề dày truyền thống văn hóa của quê hương Bình Định.

Bắt đầu từ các món điểm tâm, không cầu kỳ mà rất chân quê, dân dã, gắn liền với truyền thống ẩm thực của “miền đất võ”. Bánh xèo, bánh bèo, bánh gói, bánh đúc, bánh canh, bún song thằn (ANGV là nơi duy nhất ở Quy Nhơn có món này)... được chế biến rất ngon miệng và ngon cả mắt nhìn; giá cả cũng rất phải chăng, nếu không muốn nói là rẻ. Cũng xin được nói thêm là món bánh xèo và bánh bèo của ANGV đã được chọn giới thiệu trong ngày hội ẩm thực của Festival Tây Sơn-Bình Định trong thời gian đến.

Để tạo mảng xanh cho ANGV, anh Sinh đã chọn các loại cây, hoa đồng nội rất mộc mạc và gần gũi: cau trầu quấn quýt, hàng dâm bụt đơn sơ, cây mai tứ quý thân quen, dây tơ hồng mỏng manh mà đằm thắm; rồi hoa trang, hoa môn, chuối nước... Có vẻ như chủ nhân của ANGV muốn làm theo lời của nhà thơ Tản Đà ngày trước: Muốn ăn ngon phải hội đủ 3 yếu tố - thức ăn ngon, người cùng ăn ngon, chỗ ăn ngon. Và dường như  anh đã làm được, bởi ANGV đã trở thành một điểm đến quen thuộc và hấp dẫn của các gia đình, nhóm bạn ở TP Quy Nhơn cùng các đoàn khách DL khi đến Bình Định.

* Mong muốn còn nhiều

Số tiền trên 3 tỉ đồng “đổ” vào ANGV không dễ gì nhanh chóng thu hồi bởi lời lãi cũng chưa được bao nhiêu, song anh Sinh rất “sướng” vì bước đầu đã thực hiện được cái sở nguyện của mình. Không phải chỉ có bấy nhiêu chuyện đã nói ở trên, anh còn đau đáu nhiều thứ lắm. Sắp đến anh sẽ làm lữ hành, mà chỉ là lữ hành nội tỉnh để phục vụ các đoàn khách đến Bình Định. Đồng thời cũng là để “giải quyết” nỗi bức xúc vì hiện nay ít có đơn vị kinh doanh DL nào chú trọng đến mảng DL nội tỉnh, các hướng dẫn viên cũng chưa am hiểu cặn kẽ truyền thống văn hóa-lịch sử của tỉnh nhà để phục vụ du khách và quảng bá tốt hơn nữa về những vốn quý của quê hương Bình Định.

Anh cũng đang nghiên cứu để có thể tổ chức một số loại hình văn hóa dân gian Bình Định như bài chòi, hò đối đáp; định kỳ tổ chức biểu diễn một số trích đoạn tuồng cổ độc đáo; giới thiệu thơ của các nhà thơ trong nhóm “Bàn thành tứ hữu”... tại ANGV trong các dịp lễ, Tết. “Bình Định mình có rất nhiều  đặc sản văn hóa để giới thiệu, để “khoe” với khách, song chúng ta chưa làm được nhiều trong việc quảng bá. Vốn hiểu biết, khả năng, sức lực của tôi còn hạn chế, nhưng tôi tin một điều là “đông tay vỗ nên kêu” để có thể đóng góp thêm được chút gì đó cho việc phát triển DL tỉnh nhà...” - anh Sinh tâm sự như vậy.

  • Nguyên Vũ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phong phú, đa dạng và hấp dẫn   (03/05/2008)
Tích cực chuẩn bị phục vụ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (12/04/2008)
Vịnh Hạ Long - Niềm tự hào Việt Nam  (05/04/2008)
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba  (29/03/2008)
Thiếu các khu vui chơi, giải trí  (22/03/2008)
Tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch  (01/03/2008)
Nhiều hoạt động mới trong năm 2008  (24/02/2008)
"Vận hội mới" cho du lịch ĐBSCL!  (22/02/2008)
Nhộn nhịp các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân  (02/02/2008)
Các đơn vị du lịch chuẩn bị phục vụ Tết  (26/01/2008)
Ngày càng thu hút nhiều du khách  (19/01/2008)
Giá phòng khách sạn tăng vọt, kinh doanh du lịch lao đao  (14/01/2008)
Chuẩn bị nhiều hoạt động tham gia Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (12/01/2008)
Hiệu quả bước đầu  (05/01/2008)
Đồng hành với Festival Tây Sơn - Bình Định  (30/12/2007)