Ưu thế của một thành phố nhỏ
6:45', 16/8/ 2008 (GMT+7)

Quy Nhơn là thành phố đa dạng về cảnh quan địa lý, có núi đồi, đồng ruộng, có đầm hồ, có sông, biển, bán đảo và đảo. Bờ biển Quy Nhơn dài tới 42 km, phần lớn còn chưa được khai thác... Việc chậm chân trong thu hút đầu tư vào du lịch tình cờ lại là một ưu thế. Bởi lẽ hầu hết những cơ sở phục vụ du lịch gắn liền với biển đã được đầu tư, khai thác ở các tỉnh khu vực miền Trung phần lớn đều na ná nhau. Quy Nhơn là một thành phố nhỏ nhưng là một thành phố nhỏ có nhiều ưu thế để phát triển du lịch.

 

Diện mạo Quy Nhơn đã thay đổi rất nhiều trong mấy năm gần đây. Ảnh: Bá Phùng

 

1. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm ở Đàng Trong. Trên 400 năm trước đã xuất hiện phủ Quy Nhơn. Do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội và tác động của sự phát triển chung của đất nước diện mạo Quy Nhơn đã thay đổi khá nhanh. Ngày 20.10.1898, vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn, đô thị tỉnh lỵ, là một trong những đô thị hoạt động thương mại với nước ngoài khá sầm uất lúc bây giờ.

Ngày 3.7.1986 thành phố Quy Nhơn thành lập trên cơ sở thị xã Quy Nhơn. Khi đó Quy Nhơn (đô thị loại III) có dân số hơn 174.000 người. Ngày nay Quy Nhơn được công nhận là đô thị loại II, có tổng diện tích là 205 km², dân số khoảng 284.000 người (số liệu tháng 1.2008). Quy Nhơn có ưu thế về vị trí địa lý, về giao thông có QL 1A đi ngang qua, nối với Tây Nguyên bằng QL19, có cảng hàng không, ga đường sắt là ga chính, có cảng biển và cơ sở hạ tầng đô thị phát triển. Quy Nhơn đang từng bước chỉnh trang đô thị, xây dựng và nâng cấp để trở thành một trong những trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội và du lịch, là đô thị lớn nằm trong chuỗi đô thị của các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Mục tiêu phát triển đến năm 2020 của thành phố là xây dựng Quy Nhơn thành một thành phố cảng đô thị loại I trên hành lang Bắc-Nam và Đông-Tây; một trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế có vai trò tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong ba trung tâm thương mại và du lịch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ (cùng với Đà Nẵng và Nha Trang).

 

Nếu trong trí nhớ của du khách, Quy Nhơn không chỉ có biển chung chung mà là biển với tiếng sóng biển hiền hòa, màu xanh dễ chịu của biển, sự sạch sẽ tinh tươm ở bãi biển… khi đó chúng ta đã tạo dựng được hai chữ Quy Nhơn viết hoa trong trí nhớ của bạn bè. Ảnh: B.P

 

2. Trong xu thế liên kết phát triển vùng, khu vực như hiện nay, việc cạnh tranh cục bộ không giúp gì cho phát triển lợi ích chung. Vì thế nếu muốn thu hút nguồn lực để phát triển nhất thiết phải chứng minh được nét cá biệt của mình trong trường liên kết khu vực. Nói cách khác, cái gì mà Huế, Nha Trang, Hội An đã làm tốt, đã thành công thì đừng chọn lĩnh vực ấy, mảng miếng ấy làm mũi nhọn đầu tư, khai thác của mình. Hãy bắt đầu bằng những chính sách.

Lợi thế của một đô thị quy mô nhỏ là các chính sách, chủ trương đúng, có thể triển khai dễ dàng vào thực tế, kiểm chứng nhanh. Khi cần phải điều chỉnh cũng thuận lợi hơn so với đô thị cỡ lớn. Điều chúng tôi muốn nói đến trước tiên là cái hồn của đô thị, là tính cách của Quy Nhơn.

Cái hồn của đô thị là tổng hòa của nhiều yếu tố nhưng trước tiên phải là con người. Người Quy Nhơn hiền hậu, chất phác, nồng nhiệt với bạn bè. Đặc điểm tích cực này góp phần làm Quy Nhơn đáng yêu hơn. Nhưng những đặc tính như thế người ta cũng có thể tìm thấy ở Tuy Hòa (Phú Yên), Quảng Ngãi, Pleiku (Gia Lai)… Người ta cần thấy nét hiền hậu, chất phác, nồng nhiệt ấy cả trong ngày thường. Trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 vừa qua, điều mà chúng tôi rất lấy làm mừng là tại Quy Nhơn giá cả các loại dịch vụ hầu như không tăng, tại những điểm, những loại dịch vụ có tăng lên cũng chỉ là tăng chút đỉnh, nằm trong giới hạn mà du khách chấp nhận được. Trong và cả sau lễ hội hầu như không có chuyện du khách than phiền chuyện “giá cả chặt chém, cắt cổ”.

Tuy nhiên cũng cần thấy rằng chúng ta còn thiếu tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ, chất lượng phục vụ chưa cao. Tất nhiên để kinh doanh tốt hơn, thu được lợi nhuận nhiều hơn, các nhà kinh doanh, cung cấp dịch vụ phải tự mình điều chỉnh. Nhưng chính quyền, các cơ quan có chức năng liên quan (ví dụ là Trung tâm xúc tiến du lịch, Trung tâm xúc tiến thương mại - đầu tư chẳng hạn) không thể xoa tay đứng nhìn. Việc khảo sát, tổng kết để có thể đưa ra những lời tư vấn chính xác chính là công việc nên làm sớm.

Khi cái hồn đô thị tạo được sự thân thiện, đáng tin cậy, du khách có thể dễ dàng thể tất nhiều nhược điểm của chúng ta. Thậm chí còn đề xuất, kiến nghị giúp chúng ta hoàn thiện mình hơn, chính sự phản hồi giúp chúng ta giảm bớt những du khách không hài lòng, im lặng và không trở lại. Cùng với đó, một đô thị có hồn còn khiến ấn tượng trong lòng du khách đa dạng và lung linh. Nếu trong trí nhớ của du khách, Quy Nhơn không chỉ có biển chung chung mà là biển với tiếng sóng biển hiền hòa, màu xanh dễ chịu của biển, sự sạch sẽ tinh tươm ở bãi biển… khi đó chúng ta đã tạo dựng được hai chữ Quy Nhơn viết hoa trong trí nhớ của bạn bè.

Nói như vậy để nhìn lại thực tế rằng thành phố của chúng ta còn bẩn lắm (có lẽ chúng ta không nên xuê xoa, phỉnh phờ nhau bằng những khái niệm như – chưa được sạch lắm, đôi chỗ còn thiếu vệ sinh…). Quy Nhơn có khá nhiều cây xanh, nhưng chúng ta lại chưa có những con đường hoa thật sự tạo được ấn tượng mạnh như những đường phổ nở vàng hoa bọ cạp nước (muồng hoa vàng, osaka) như ở Nha Trang. Với một thành phố nhỏ như Quy Nhơn việc nỗ lực làm sao để sạch hơn, xanh hơn không khó nếu chúng ta quyết tâm và chính những nhà lãnh đạo của thành phố gương mẫu quyết tâm trước tiên.

 

Việc tỉnh Bình Định bố trí những khu đất đẹp như thế này phục vụ lợi ích công cộng là một dấu son rất đáng khích lệ. Ảnh: B.P

 

3. Nhiều công dân ở các thành phố lớn hết sức sửng sốt khi chứng kiến những thảm cỏ ven đường Nguyễn Tất Thành, sự dày đặc của các công viên ở Quy Nhơn. Ở Quy Nhơn đó là những mảnh đất vàng. Việc tỉnh Bình Định bố trí những khu đất này phục vụ lợi ích công cộng là một dấu son rất đáng khích lệ. Những hình ảnh, chính sách như thế  đáng được phổ biến rộng rãi hơn như một cách giới thiệu “ở thành phố của chúng tôi, chỗ vui chơi của trẻ em, chỗ thư giãn của người già luôn được ưu tiên”. Chưa có thành phố nào xây dựng nhiều công viên như Quy Nhơn. Và đặc biệt cũng chưa có thành phố nào lại xây dựng một công viên nhạc nước nơi công cộng như Quy Nhơn.

Có rất nhiều con đường, nhiều loại phương tiện để đến với Quy Nhơn; người ta có thể du lịch đến Quy Nhơn quanh năm; Quy Nhơn là một thành phố hiền, rất dễ sống… đó thật sự là ưu thế của một thành phố nhỏ. Việc đưa những ưu thế này trở thành hiện thực không quá khó bởi nó hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của chúng ta, vào khao khát phồn vinh hơn nữa của người Quy Nhơn. Để làm được điều này tất nhiên phải cần có kế hoạch, chương trình. Nhưng nên nhớ rằng nó không phải là của lãnh đạo A, thủ trưởng B nào đó, mà trước tiên nó phụ thuộc vào thái độ sống của mỗi công dân Quy Nhơn. Và xin hãy bắt đầu bằng những điều đơn giản, dễ thực hiện nhất.

  • Bá Phùng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều tour du lịch Bình Định nhân dịp Festival  (19/07/2008)
Một tour du lịch thú vị  (12/07/2008)
Quảng bá du lịch Bình Định với nhạc nước nghệ thuật  (12/07/2008)
Ngành Du lịch tất bật đón Festival  (05/07/2008)
Những hoạt động chính tại Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (21/06/2008)
“Điểm đến” của miền đất võ  (24/05/2008)
Một cách làm du lịch  (10/05/2008)
Phong phú, đa dạng và hấp dẫn   (03/05/2008)
Tích cực chuẩn bị phục vụ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (12/04/2008)
Vịnh Hạ Long - Niềm tự hào Việt Nam  (05/04/2008)
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba  (29/03/2008)
Thiếu các khu vui chơi, giải trí  (22/03/2008)
Tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch  (01/03/2008)
Nhiều hoạt động mới trong năm 2008  (24/02/2008)
"Vận hội mới" cho du lịch ĐBSCL!  (22/02/2008)