|
Đón du khách quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 1.1.2009. |
Có thể nói 2008 là một năm đầy khó khăn của du lịch Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm nay khoảng 4,2 triệu lượt người, ước đạt 87% kế hoạch năm. Song cũng có thể ghi nhận đây là năm đầu tiên ngành du lịch có những quyết định mang tính định hướng lớn khi các doanh nghiệp, công ty lữ hành, khách sạn... đã cùng nhau ngồi lại, bắt tay để tìm cơ hội bứt phá.
Kích cầu bằng liên kết giảm giá
Theo ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách trước mắt của ngành du lịch hiện nay là có được sự kết nối giữa các doanh nghiệp. Chiến dịch giảm giá được công bố đầu năm 2009 này chính là một trong những kỳ vọng tạo ra sự chuyển biến mạnh đối với du lịch Việt Nam.
Ngay từ tháng 1.2009, mặc dù rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại nhiều nhưng các sản phẩm khuyến mại sẽ ngay lập tức được tung ra. Trong 2 tháng thí điểm đầu năm sẽ có khoảng 100 sản phẩm du lịch trên toàn quốc với 100 tour hấp dẫn với giá cả ưu đãi. Trước lo ngại về việc giảm giá sẽ kéo theo việc giảm chất lượng dịch vụ hoặc giảm giá một cách “giả tạo”, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định giá đưa ra phải được cam đoan giảm 30% - 50% dựa trên một mốc nào đó sẽ được quyết định sau khi bàn bạc thống nhất, chứ không phải chọn một cái giá cao ngất ngưởng, hạ 50% rồi vẫn cao hơn giá khu vực. Hơn thế, vì đây là cơ hội quảng bá không chỉ của ngành du lịch mà của chính các địa phương, mỗi người dân nên vấn đề ý thức, trách nhiệm luôn được đề cao.
Ông Cường cho biết thêm, việc các đối tác như Vietnam Airlines, nhiều khách sạn lớn đã cam kết giảm giá phục vụ du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng gửi danh sách tour khuyến mãi... đã tạo nên không khí phấn chấn với người làm du lịch. Dự kiến, việc khuyến mãi sẽ kéo dài đến tháng 6.2009, nếu hiệu quả tốt, cũng như các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các cam kết thì chương trình này có thể kéo dài hết cả năm 2009.
Song hành cùng chương trình giảm giá tour, Bộ VH-TT-DL cũng sẽ khởi động chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp hơn về vẻ đẹp, chất lượng, sự bình yên và chi tiết chương trình khuyến mãi, giảm giá trên các phương tiện truyền thông.
Hiện Cục Hợp tác quốc tế cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình KBS của Hàn Quốc, kênh VTV4 của Việt Nam và qua mạng internet... Tổ chức mời các đoàn điền dã, thông tấn từ các thị trường Tây Âu, Đông Âu và Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nước khối ASEAN...
Theo dự kiến, chương trình quảng bá này sẽ tập trung giới thiệu nét độc đáo của các di sản vật thể như vịnh Hạ Long, Sa Pa, đỉnh Phansipan, động Phong Nha - Kẻ Bàng, phố cổ Hội An.
Lập “bản đồ du khách”
Theo ông Trần Chiến Thắng, trước mắt cần cần tập trung tăng cường chất lượng dịch vụ, từ đó tăng lượng khách. Nhưng cũng phải tính đến lâu dài là tận dụng và phát huy những lợi thế về môi trường, cảnh quan thiên nhiên, sự an toàn xã hội vì thế cần phải lập ra được “bản đồ du khách”. Theo đó, bản đồ sẽ chỉ ra những điểm khách muốn đến, những điều khách quan tâm, những dịch vụ họ mong muốn để có thể đưa ra những lộ trình thích hợp nhất.
Theo kinh nghiệm của nhiều công ty lữ hành, đối tượng là khách quốc tế thì điểm hấp dẫn chính là những địa danh lịch sử đã gắn liền với hai cuộc kháng chiến tranh giữ nước vĩ đại của Việt Nam, như Củ Chi, Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị...
Bên cạnh đó, du lịch văn hóa, du lịch biển, đảo, du lịch mạo hiểm... cũng được coi là thế mạnh, song để phát huy được hiệu quả tốt nhất thì đi kèm với nó là phải cung cấp được các dịch vụ giải trí tốt, kích cầu khả năng chi tiêu của khách, những chương trình nghệ thuật độc đáo, mang đặc trưng văn hóa dân tộc tại các điểm đến phục vụ khách.
Hiện, Bộ VH-TT-DL đưa ra một số đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ như giảm thuế VAT dịch vụ du lịch từ 10% xuống còn 5% cho các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, dịch vụ mua sắm và nhà hàng đăng ký tham gia khuyến mãi... để tạo thêm cơ hội thành công cho chiến dịch hút khách du lịch Việt Nam 2009.
. Theo SGGP
Nhiều đoàn khách quốc tế “xông đất” trong năm mới
* Saigontourist đón 800 khách tàu biển đầu tiên trong năm 2009
Vào sáng 1.1.2009, tại nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, hơn 100 du khách quốc tế đến từ Cao Hùng (Đài Loan- Trung Quốc) đi trên chuyến bay mang số hiệu VN 927 của Vietnam Airlines và hơn 200 khách quốc tế trên các chuyến bay của Singapore Airlines, Hãng hàng không Malaysia đã “xông đất” ngành du lịch TPHCM. Ngay sau đó, Sở VH-TT-DL TPHCM đã tổ chức lễ đón các đoàn khách quốc tế đầu tiên đến TPHCM trong năm 2009, một hoạt động thường niên của ngành du lịch TP trong ngày đầu năm mới. Các du khách đã rất bất ngờ trước sự đón tiếp trọng thị của ngành du lịch TP và các hãng hàng không. Nhiều du khách “nhí” khá thích thú khi được nhận “lì xì” trong năm mới.
Cũng trong ngày 1.1, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã tiếp đón đoàn 800 khách quốc tế đầu tiên của Saigontourist năm 2009 đến Việt Nam trên hải trình của tàu 5 sao Costa Allegra “xông đất” Việt Nam tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. | |