Tiếp tục thực hiện chương trình hành động số 07-CTr/TU về phát triển du lịch (DL) giai đoạn 2006 - 2010, Sở VH-TT-DL tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp nhằm tạo thế phát triển mới cho DL Bình Định. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh, chung quanh vấn đề này.
° Ông đánh giá như thế nào về hoạt động DL ở tỉnh ta trong thời gian qua?
- Trong năm 2008, hoạt động DL Bình Định đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển, đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, có 714.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, hội họp tại Bình Định; tăng 24% so với năm 2007. Trong đó có 57.120 lượt khách quốc tế, tăng 36%. Doanh thu du lịch đạt 189 tỉ đồng, tăng 32%. Toàn tỉnh có 90 khách sạn (KS), cơ sở lưu trú, với tổng số 2.190 phòng, có 1.413 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế. Có 4 KS đạt chuẩn 4 sao; 3 KS 3 sao; 4 KS 2 sao, 27 KS 1 sao. Tỉnh ta hiện có 8 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 2 đơn vị lữ hành quốc tế.
|
Đoàn khảo sát du lịch Bình Định thăm thành Hoàng Đế. |
Môi trường đầu tư DL đang có chiều hướng cải thiện; các sản phẩm DL, loại hình kinh doanh DL được tăng cường, chất lượng phục vụ chuyển biến tốt hơn. Các sự kiện văn hóa, thể thao và DL được tỉnh tổ chức trong năm 2008 khá phong phú. Đặc biệt, Festival Tây Sơn-Bình Định lần thứ nhất với chủ đề “Hội tụ và Phát triển” với hàng loạt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực… đã tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp để quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Bình Định đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Công tác quản lý nhà nước về DL có nhiều tiến bộ. Đã hoàn thành đề án Phát triển Bình Định thành trọng điểm DL quốc gia đang trình Thủ tướng phê duyệt. Đã triển khai Luật DL và Nghị định 92 cùng các văn bản dưới luật cho các đối tượng kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp cùng các ngành, địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường DL, tài nguyên DL. Việc chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động kinh doanh DL, thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú DL, công tác lữ hành, quản lý hướng dẫn viên DL, công tác quảng bá, xúc tiến DL có nhiều tiến bộ, đổi mới và đạt hiệu quả hơn.
° Dự báo trong năm nay các ngành kinh tế sẽ tiếp tục gặp khó khăn, vậy ngành DL tỉnh sẽ làm gì để vượt khó, tiếp tục phát triển, thưa ông?
- Năm 2009 là năm thứ 4 tỉnh ta thực hiện chương trình hành động số 07-CTr/TU về phát triển DL giai đoạn 2006 - 2010 với mục tiêu “Phát triển nhanh và bền vững để đến năm 2010 DL trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng với vai trò là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. Nhằm tăng cường khuyến khích đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động DL, đa dạng hóa sản phẩm và các loại hình DL, ngành VH-TT-DL Bình Định sẽ phát huy năng lực tổng hợp, khai thác tiềm năng đa ngành; chỉ đạo, điều hành hoạt động theo hướng phát triển văn hóa, thể thao phải gắn kết với phát triển DL; đồng thời phát triển DL phải tạo điều kiện để phát triển văn hóa, thể thao tỉnh nhà.
Ngành sẽ tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy nhân sự quản lý nhà nước về DL các cấp từ tỉnh đến các huyện, thành phố; củng cố và hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp DL; đầu tư đào tạo nguồn nhân lực DL có chất lượng cao. Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về DL và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhằm tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động kinh doanh DL; kiên quyết xử lý những vi phạm, như các hoạt động kinh doanh tiêu cực, nâng giá, ép giá dịch vụ, cạnh tranh không lành mạnh; chất lượng các dịch vụ, chất lượng các sản phẩm không tương xứng với giá cả niêm yết… Xây dựng, quảng bá, quản lý các điểm đến an toàn và tin cậy cho du khách: điểm mua hàng, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn…
Bên cạnh đó, ngành VH-TT-DL tỉnh sẽ phối hợp với UBND TP Quy Nhơn, các huyện có điểm đến DL tìm biện pháp khắc phục yếu kém về môi trường DL; xử lý tồn tại về nước thải, rác thải làm ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị; quản lý người buôn bán hàng rong (không đăng ký), các dịch vụ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trái phép; bài trừ các tệ nạn trộm cắp, cướp giật…
Mặt khác, sẽ đề xuất phương án khôi phục sản phẩm DL tàu biển (phối hợp tốt giữa cơ quan, biên phòng, Cảng vụ, Cảng Quy Nhơn, cơ quan quản lý Xuất nhập cảnh… với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành). Cùng với Sở Công Thương và các ban ngành, địa phương liên quan xây dựng quy hoạch làng nghề tập trung để kêu gọi đầu tư, xây dựng một trung tâm làng nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của tỉnh, nhằm tạo điểm đến hấp dẫn du khách trong tuyến DL Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn (theo quy hoạch chung đã duyệt).
Thực hiện xây dựng kế hoạch xúc tiến DL dài hạn. Xây dựng cơ sở dữ liệu DL địa phương. Xây dựng chương trình xúc tiến DL địa phương trong giai đoạn 5 năm, trước mắt cho năm 2009-2010 và chuẩn bị cho giai đoạn 2011-2015, trình UBND tỉnh phê duyệt, làm căn cứ pháp lý để triển khai hàng năm. Xây dựng các sản phẩm tuyên truyền, quảng bá về di tích lịch sử văn hóa Bình Định theo chủ đề “Bình Định - DL miền đất võ” - điểm đến ấn tượng của Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh chủ đề kiến trúc Chămpa.
Năm 2009, Sở VH-TT-DL tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực để điều hành hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động DL, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến DL, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách ở hai thị trường lớn phía Bắc và phía Nam của đất nước. Đồng thời tổ chức khảo sát, nghiên cứu tài nguyên DL Bình Định và các chính sách vĩ mô của nhà nước để đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư, kinh doanh phát triển DL...
° Theo ông, để tạo bước đột phá trong phát triển DL, tỉnh ta cần quan tâm đến những yếu tố nào?
- Phát triển DL cần được quy hoạch chặt chẽ và tiến hành từng bước một cách chắc chắn chứ không thể phát triển “nóng”. Muốn Bình Định là một điểm đến đích thực, mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, chúng ta còn rất nhiều việc cần giải quyết trước mắt cũng như trong lâu dài. Không thể chỉ dựa vào nhà nước, các doanh nghiệp, mà nhất thiết tỉnh ta phải tiến hành xã hội hóa công tác DL, bắt đầu từ ý thức của từng người dân, đến cộng đồng dân cư; phải làm cho từ người lái xe ôm, taxi, hướng dẫn viên DL, đến mọi người dân có cách ứng xử văn hóa đúng mực với khách DL, không xem du khách như những miếng mồi ngon, hoặc túi tiền di động để “gặt hái” cho riêng mình. Phải làm cho người dân thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình thì ngành DL tỉnh nhà mới phát triển bền vững.
° Xin cảm ơn ông!
|