Lợi thế cạnh tranh của du lịch miền Trung
15:29', 3/4/ 2009 (GMT+7)

Cùng với sự bùng nổ thông tin truyền thông tiếp thị của các hãng lữ hành, khách du lịch cũng ngày càng trở nên khó tính trong việc chọn lựa điểm đến cho kỳ nghỉ của mình khiến cho việc cạnh tranh giữa các điểm đến trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

 

Lợi thế của du lịch miền Trung là những bãi biển đẹp đầy nắng gió chạy dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận... Trong ảnh: Một góc khu du lịch Exotica Playa (Mỏm Đá Chim) tại Bình Thuận

 

Chỉ riêng tại khu vực Đông Nam Á, nơi các quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa và địa lý, đã có những cuộc chạy đua quyết liệt giữa những khu du lịch với nhau nhằm thu hút khách tham quan với những địa danh nổi tiếng như Sentosa của Singapore, Phuket của Thái Lan, Bali của Indonesia và Borocay của Philippines.

Vậy du lịch miền Trung có gì thu hút được khách du lịch quốc tế và đối tượng để du lịch miền Trung hướng đến là ai? Nói theo quan điểm của các nhà làm marketing thì lợi thế cạnh tranh nổi bật nhất của du lịch miền Trung là gì so với các điểm du lịch khác tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và đâu là thị trường cho đầu ra của sản phẩm?

Xét trên quan điểm du lịch 5S lấy từ năm chữ cái đầu tiên trong các từ tiếng Anh: Sea (biển), Sun (ánh nắng chói chang), Smile (sự thân thiện của người dân bản địa), Sand (những bãi biển đẹp) và Stomach (thức ăn ngon), dường như du lịch miền Trung đều đáp ứng được với những bãi biển đẹp đầy nắng gió chạy dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận, những món ăn mang đặc trưng hương vị biển và những con người miền Trung hiền hòa mến khách.

Đây đúng là thế mạnh của miền duyên hải này nhưng chưa phải là lợi thế cạnh tranh lớn nhất để làm nên sự khác biệt so với các điểm du lịch trong khu vực, vì không phải chỉ mỗi miền Trung được ban tặng những thế mạnh này mà cả ở Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines cũng có và có thể nói các quốc gia này đã đi trước chúng ta trong việc quảng bá hình ảnh của họ ra bên ngoài thế giới.

Chúng ta tự hào Đà Nẵng có bãi biển Bắc Mỹ An nằm trong top 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh do tạp chí Forbes bình chọn và vịnh Nha Trang được kết nạp vào câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới. Đây là những kết quả bước đầu đáng ghi nhận của du lịch miền Trung trong việc quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới, nhưng nếu có dịp ra nước ngoài và nói chuyện về các bãi biển hấp dẫn đáng đến với bất kỳ khách du lịch nào, bạn sẽ nghe họ nói nhiều về Bali của Indonesia hay Phuket của Thái Lan chứ không phải bất kỳ bãi biển nào của Việt Nam.

Như vậy, du lịch 5S đúng là thế mạnh miền Trung cần phát triển nhưng đó không phải là lợi thế cạnh tranh để làm nên sự khác biệt so với các quốc gia láng giềng, ít nhất là trong tương lai gần.

Gần đây thêm một tiêu chí du lịch khác được giới thiệu là du lịch 5H bao gồm Hospitablity (thân thiện), Hotel (chỗ lưu trú, cơ sở hạ tầng), History (lịch sử), Health (lành mạnh, sức khỏe) và Humanity (nhân văn). Nếu xét riêng từng chữ H thì rõ ràng tại thời điểm hiện tại du lịch miền Trung khó cạnh tranh được với các điểm đến nổi tiếng trong khu vực vì cơ sở hạ tầng du lịch nơi đây chưa được hoàn chỉnh, yếu tố lịch sử không được đề cao và tính nhân văn thì gần như quên hẳn.

Cả một dải đất miền Trung với hơn mười mấy tỉnh thành nằm trên nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa lâu đời cùng với các vương triều phong kiến hàng trăm năm nhưng số lượng bảo tàng thu hút được khách du lịch đến tham quan hằng năm có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó nhìn ra thế giới, các viện bảo tàng luôn là một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đến bất kỳ thành phố du lịch nào.

Tuy nhiên nếu phải tìm ra lợi thế so sánh để cạnh tranh và tạo nên sự khác biệt cho du lịch miền Trung thì 5H sẽ là hướng để ngành du lịch ở khu vực này nhắm đến. Bỏ qua hai chữ H đầu tiên là thân thiện và chỗ lưu trú vì người Thái thậm chí còn cười với du khách nhiều hơn cả người Việt và các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở khu vực miền Trung khó mà cạnh tranh lại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại những nơi khác.

Điều mà du lịch miền Trung có thể tận dụng khai thác để làm nên sự khác biệt đó chính là yếu tố lịch sử, tính nhân văn và lành mạnh của một vùng du lịch mà không nơi nào có thể sao chép được. Ngay tại Việt Nam và cả khắp các điểm du lịch tại Đông Nam Á không nơi nào lại chứa đựng một nền văn hóa lâu đời với các triều đại phong kiến như ở miền Trung Việt Nam.

Miền Trung mang trong mình những pho sử sống động liên quan đến các thương nhân người Nhật vượt biển đến Hội An giao lưu buôn bán, các dấu vết của người Pháp lần đầu tiên chinh phục Việt Nam tại Đà Nẵng và những phát kiến liên quan trong suốt chiều dài lịch sử họ cai trị vùng đất này từ bảo tàng Chăm, khu nghỉ dưỡng Bà Nà tại Đà Nẵng, thánh địa Mỹ Sơn tại Quảng Nam, cho đến dấu chân của ông Năm Yersin từ Nha Trang lên Đà Lạt và cuối cùng là Viện Pasteur Nha Trang.

Miền Trung cũng là nơi ghi nhận nhiều chứng tích của người Mỹ với những địa danh mà bất kỳ người Mỹ nào liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam đều hơn một lần nghe qua, chưa kể việc sở hữu hàng loạt di sản vật thể và phi vật thể tầm cỡ thế giới do UNESCO công nhận. 

Trên cơ sở nhận diện được lợi thế cạnh tranh nổi bật của mình, ngành du lịch miền Trung mới có thể tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách trong và ngoài nước. Để làm được điều này, trước hết ranh giới giữa các địa phương nên được xóa bỏ để cùng tạo dựng nên một thương hiệu chung cho du lịch miền Trung mà ở đó mỗi địa phương có thế mạnh riêng đóng góp hỗ trợ lẫn nhau trong việc thu hút du khách tạo ra một không gian du lịch chung, trong đó xác định một địa điểm được xem là trục trung tâm đủ năng lực đại diện chung cho cả vùng.

Các sản phẩm du lịch trên nền tảng hướng về thế mạnh biển cũng cần xoay quanh trục lợi thế cạnh tranh của mình là lịch sử và nhân văn. Các bảo tàng và di tích lịch sử cần được đầu tư và phát triển xứng tầm để có thể trở thành điểm đến thu hút du khách tham quan. Các sự kiện lễ hội nên được tổ chức trong những không gian văn hóa và lịch sử đúng nghĩa và được quảng bá rộng rãi mới phát huy hết hiệu quả mong muốn.

Cuối cùng, thị trường nào để du lịch miền Trung hướng đến? Về nguyên tắc, sản phẩm càng có nhiều thị trường càng tốt nhưng với nguồn lực còn hạn chế như hiện nay, để đảm bảo tính hiệu quả và xuyên suốt thì một số thị trường trọng điểm nên được ưu tiên trước.

Đó là những du khách Nhật có nhu cầu tìm hiểu khám phá nền văn hóa có liên quan đến họ ở chùa Cầu, Hội An. Những du khách Pháp yêu biển cả và muốn tìm lại dấu chân ông Năm Yersin tại vùng đất Nha Trang, Khánh Hòa. Những người Mỹ muốn nhìn lại những vùng DMZ (vùng phi quân sự - Demilitary Zone) ngày xưa, nơi họ và đồng đội của họ đã đến hay chỉ nghe tên nhưng chưa bao giờ có cơ hội đặt chân đến trong thời chiến, và cả thế hệ Việt kiều thứ hai hoặc thứ ba có nhu cầu tìm hiểu về quê cha đất tổ của mình.

Chìa khóa thành công trong kinh doanh bao giờ cũng là xác định cho được vị thế của mình trên thương trường, định vị khách hàng và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất. Hi vọng  trong tương lai không xa du khách đến với miền Trung không chỉ để tắm biển một hai ngày xong rồi về mà họ còn muốn được ở lại nhiều hơn để đi cho hết, khám phá cho hết một vùng đất chứa đựng đầy dấu ấn văn hóa và lịch sử.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng cường sản phẩm dịch vụ để thu hút du khách   (22/03/2009)
Tạo thế phát triển mới   (08/03/2009)
Tạo thế phát triển mới   (08/03/2009)
Kích cầu du lịch đã le lói hy vọng  (02/03/2009)
Du lịch siêu giảm giá  (19/02/2009)
Du lịch Bình Định thức giấc, chuyển mình   (15/02/2009)
Triển vọng “tấn phát, tấn tài”  (08/02/2009)
Chơi xuân Hầm Hô   (01/02/2009)
Ấn tượng mùa xuân  (24/01/2009)
Góp phần phát triển du lịch Bình Định  (18/01/2009)
Tín hiệu vui đầu năm  (11/01/2009)
Để Bình Định hấp dẫn hơn trong lòng du khách  (11/01/2009)
Du lịch năm 2009: Giá giảm, chất lượng tăng  (02/01/2009)
Du lịch VN xây dựng gấp 100 tour khuyến mại  (24/12/2008)
Đang đi đúng hướng  (20/12/2008)