Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2015 trở thành một trung tâm du lịch (DL) quan trọng của khu vực Đông Nam Á với nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường.
|
Khách du lịch thăm điện thờ Tây Sơn tam kiệt (Bảo tàng Quang Trung). Ảnh: B.L
|
* Thực hiện tốt 3 chương trình lớn
Muốn đạt được các mục tiêu này, trong giai đoạn phát triển mới, ngành DL cần tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, cụ thể là được Chính phủ đồng ý triển khai đồng thời cả 3 Chương trình: Hành động quốc gia về DL, Xúc tiến DL quốc gia và Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng DL giai đoạn 2011-2015.
Theo Tổng cục DL, qua 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về DL giai đoạn 2006-2010, ngành đã tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về DL; từng bước tạo lập và khẳng định hình ảnh điểm đến Việt Nam hấp dẫn, an toàn và thân thiện qua việc tổ chức ngày càng chuyên nghiệp các cuộc quảng bá xúc tiến tại nước ngoài; từng bước gỡ bỏ những vướng mắc liên ngành, dần hình thành môi trường thuận lợi để DL phát triển. Sản phẩm DL cũng đã được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu cao của du khách. Việc này được thể hiện rõ qua các cuộc khảo sát, tổ chức hội thảo đánh giá tài nguyên, xây dựng sản phẩm, nắm bắt thị hiếu du khách, định hướng phát triển... Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào DL ngày càng nhiều; sự liên kết trong phát triển ở các vùng, các địa phương được đẩy mạnh...
Chương trình Xúc tiến DL quốc gia năm 2009-2010 cũng đã góp phần tích cực vào sự phát triển của DL. Hình ảnh DL Việt Nam được khắc họa rõ nét trên thị trường quốc tế, được dư luận thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn. Thời gian này cũng là lần đầu tiên hình ảnh Việt Nam được quảng bá rộng rãi trên các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới như CNN, BBC, hệ thống taxi ở London (Anh). Nhờ đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh 10 tháng đầu năm 2010 với mức tăng rất cao (39%). Chương trình này có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp DL và các ngành liên quan như Hàng không Việt Nam, các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, báo chí trong nước...
Trong khi đó, Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2006-2010 cũng nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Nguồn vốn hỗ trợ này cùng vốn đầu tư của các địa phương và nguồn vốn khác đã từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho các khu DL, đặc biệt là các khu DL quốc gia, khu DL chuyên đề, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của DL Việt Nam. Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này cũng góp phần thực hiện thành công mục tiêu cơ bản của Chiến lược phát triển DL Việt Nam đến năm 2010, với mức tăng trưởng 20,5% giai đoạn 2006-2009.
Muốn thực hiện được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm đến có đẳng cấp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020 và để DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao, Bộ VH,TT&DL sẽ đề xuất với Chính phủ tiếp tục triển khai đồng thời cả 3 chương trình trên trong giai đoạn 2011-2015.
* Để trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội DL khu vực châu Á - Thái Bình Dương (PATA), Việt Nam đứng đầu trong bảng xếp hạng những điểm đến được ưa chuộng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với du khách Thái Lan, Australia, Nhật Bản và Singapore. Một tin vui nữa cũng đến khi DL nước ta có nhiều khả năng sẽ đón được 5 triệu lượt du khách quốc tế vào cuối năm nay. Riêng 10 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đã tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2015, dự kiến DL Việt Nam thu hút 7-8 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 37-38 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt 8,2%/ năm, nội địa tăng 7,2%/ năm. Thu nhập DL năm 2015 dự kiến đạt 10-11 tỉ USD, tăng 16%/ năm. |
Tuy nhiên, DL Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Đó là tính liên kết phát triển giữa các địa phương, giữa các ngành liên quan còn hạn chế. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” vì lợi ích cục bộ, trước mắt đã tác động không nhỏ đến chiến lược phát triển và các chương trình hành động nhằm thúc đẩy thị trường. Bản sắc văn hóa độc đáo, phong cảnh đẹp sẽ không thể phát huy nếu thiếu đi một chiến lược quảng bá, xúc tiến mang tính chuyên nghiệp.
Chú trọng thực hiện đa dạng hóa, khai thác và làm mới sản phẩm DL để thu hút khách, nhưng đồng thời cũng phải kèm theo các biện pháp bảo tồn, phát huy, bồi bổ để giữ gìn sức hấp dẫn về lâu dài. Cũng như vậy, thế mạnh giá rẻ, chi phí thấp của DL Việt Nam sẽ thiếu đi sức cạnh tranh nếu tiếp tục tái diễn tình trạng “mùa vụ”’, tự phát, nâng giá phòng, giá tour tùy tiện trong các kỳ lễ hội, sự kiện DL, làm phiền lòng và mất đi niềm tin ở du khách.
Bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu DL còn phải đồng hành cùng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về DL trong cộng đồng để chính quyền địa phương và từng người dân ở các trung tâm DL đều có thể hiểu rằng tạo và giữ được niềm tin ở mỗi du khách không chỉ mang lại lợi ích chung mà có cả lợi ích riêng của họ...
Kiên quyết khắc phục những khiếm khuyết nêu trên, chắc chắn DL nước ta sẽ có những bước phát triển mới.
|