ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH:
Cần có sự đột phá
18:4', 20/11/ 2010 (GMT+7)

Phát triển nguồn nhân lực vừa có tính cấp bách, vừa mang ý nghĩa chiến lược và cũng là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, phải đặt lên vị trí hàng đầu trong quá trình phát triển của du lịch (DL) Việt Nam. Thời gian qua, công tác này đang được chú trọng trong chiến lược phát triển ngành DL, tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại cần được điều chỉnh đổi mới…

* Chưa có mã ngành

Theo báo cáo của Bộ VH,TT&DL, hiện cả nước có trên 1,3 triệu lao động DL và liên quan, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước, trong đó có khoảng 420.000 lao động trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ DL. Dự báo nhu cầu nhân lực cho DL sẽ rất lớn. Năm 2010, nhu cầu lao động trực tiếp trong ngành DL ước tính lên tới 333.400 người và tỉ lệ tăng bình quân mỗi năm là 8,5%, con số tương ứng tại năm 2015 sẽ là 503.200 người và 10,2%. Số lượng lao động qua đào tạo cần tăng thêm khoảng 19.000 người mỗi năm. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức khi mà chất lượng lao động của ngành DL chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thị trường.

 

Hướng dẫn viên đang hướng dẫn du khách tham quan làng nón ngựa Cát Tường (Phù Cát). Ảnh: B.L

 

Thực tế trong những năm gần đây, công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành DL đã đạt được một số thành tựu đáng kể như: quy mô tuyển sinh ngày càng tăng, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế; mạng lưới cơ sở đào tạo DL bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và nhiều trung tâm dạy nghề được hình thành và phát triển nhanh, đang được định hướng, quy hoạch và điều chỉnh hợp lý. Cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực DL được nâng cấp, xây dựng mới, trang bị ngày càng đồng bộ và hiện đại. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên tăng nhanh về số lượng, nâng dần về kiến thức nghiệp vụ, ngoại ngữ và có trách nhiệm với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nhân lực DL. Chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng từng bước được chuẩn hóa. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên một bước, lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế đã được hình thành. Đây là những tín hiệu tốt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành DL trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, theo nhận định chung, thực trạng đào tạo của ngành DL hiện vẫn còn nhiều hạn chế về số lượng; đặc biệt là chất lượng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Thực tế, nhiều trường đại học rất nặng về lý thuyết, tách rời nhu cầu xã hội giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo ngành DL đang đào tạo theo kiểu mạnh ai nấy làm. Cùng với đó, hiện tại các cơ sở đào tạo DL tại các trường ở Việt Nam vẫn chưa có một mã ngành thống nhất.

Thực tế trong gần 20 năm qua, số lượng lao động trong ngành DL tăng nhanh. Cơ sở đào tạo nhân lực DL cũng tăng đáng kể. Đến nay, cả nước có 40 trường đại học có khoa DL, ngành đào tạo DL hoặc liên quan đến DL, cùng 43 trường trung cấp DL và nhiều trung tâm đào tạo nghề DL. Nhu cầu về chất lượng nhân lực ngành DL tăng cao đặt ra cơ hội cho người học và thách thức cho người sử dụng.

Một số ý kiến cho rằng, ngành DL nên phối hợp các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế quản lý và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực DL, bao gồm xây dựng, ban hành và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy định về đào tạo DL liên quan trực tiếp đến cơ sở đào tạo, hình thức đào tạo DL, đội ngũ giảng viên, đào tạo viên, xã hội hóa đào tạo, hợp tác quốc tế, tuyển dụng và sử dụng lao động DL. Nhà nước cũng cần ban hành các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp trong việc đào tạo lại đội ngũ nhân lực DL; tăng cường kinh phí đào tạo cũng như nâng cấp cơ sở vật chất; cho phép đa dạng hóa việc liên kết đào tạo ở nhiều cấp độ khác nhau, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo.

* Cần sự liên kết ba nhà

Để nâng cao chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực DL, các cơ sở đào tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba nhà: cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường làm sao cho chính sách, thực tế và đào tạo sử dụng hợp lý phù hợp với nhu cầu xã hội, thị trường. Bởi thị trường chính là nơi đánh giá chính xác nhất thành quả đào tạo. Ngoài việc nhà trường và doanh nghiệp bắt tay, các cơ sở đào tạo cần có sự tăng cường học hỏi lẫn nhau vì đây là ngành nghề đặc biệt mở và luôn thay đổi, mới mẻ. Chủ trương xã hội hóa trong đào tạo DL có sự kết hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, người học để xây dựng đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỹ năng nghiệp vụ, phẩm chất và trách nhiệm, đổi mới công nghệ, tăng cường quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, tạo kiến thức vững vàng cho sinh viên khi ra trường, trong bối cảnh các cơ sở đào tạo đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất để sinh viên thực hành, một số cơ sở đào tạo DL của các trường đại học đã tìm ra những sáng kiến để đổi mới trong công tác dạy và học. Khoa DL Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã chủ động thành lập mạng lưới cựu sinh viên với mục đích giúp nhà trường phát triển đào tạo. Để bổ sung kiến thức thực tế, khoa Văn hóa DL, Trường Đại học Văn hóa, ngoài công tác giảng dạy trên giảng đường, hàng năm thường tổ chức tour xuyên Việt cho sinh viên. Những chuyến đi trải nghiệm như vậy sẽ giúp ích cho sinh viên rất nhiều khi ra trường.

  • N.V (Tổng hợp)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát triển du lịch giai đoạn mới  (13/11/2010)
Việt Nam - điểm đến ưa thích của du khách quốc tế  (12/11/2010)
Tổ chức tour Famtrip tại Bình Định  (30/10/2010)
Du lịch biển sẽ là loại hình du lịch chủ đạo  (27/10/2010)
Du lịch văn hóa đang được “đánh thức” tiềm năng   (23/10/2010)
Hà Nội trong tôi...  (16/10/2010)
Khám phá sự hấp dẫn của Mũi Vi Rồng  (09/10/2010)
Vinpearl Land-Nha Trang giảm 50% giá vé vào cửa  (06/10/2010)
Tham dự Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội 2010  (02/10/2010)
Một thoáng Jeju  (25/09/2010)
Thu hút khách bằng bánh gạo và bài chòi   (25/09/2010)
Biển xanh, trời xanh và một Cù Lao Xanh  (18/09/2010)
Cần đầu tư lâu dài, có trọng điểm  (11/09/2010)
Được mùa lữ hành  (04/09/2010)
50 tour du lịch hấp dẫn hướng về Đại lễ ngàn năm  (25/08/2010)