Tổng cục Du lịch vừa tổ chức chương trình khảo sát tuyến du lịch Nam Trung bộ tại 6 tỉnh, thành phố từ Khánh Hòa đến Đà Nẵng. Nhân dịp Đoàn đến đất Võ, PV Báo Bình Định đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường - Tổng cục Du lịch, Trưởng Đoàn khảo sát.
* Mục đích của chuyến khảo sát này là gì, thưa bà?
- Tổng cục Du lịch tổ chức cuộc khảo sát này nhằm quảng bá năng lực du lịch của 6 tỉnh, thành phố Nam Trung bộ gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng; qua đó, thu hút nhiều du khách đến với khu vực này hơn nữa. Đây là một trong những hoạt động Tổng cục tiến hành để chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung bộ do tỉnh Phú Yên đăng cai vào năm 2011.
|
Đoàn khảo sát đang tham quan Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn). |
Vì mục đích đó nên những thành viên trong Đoàn, ngoài một số chuyên viên của Tổng cục, còn có 15 phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Trở về sau chuyến khảo sát, những phóng viên này sẽ giúp đưa hình ảnh các địa phương đến với nhân dân cả nước thông qua những bài viết của mình. Đặc biệt, tham gia đoàn khảo sát lần này có nhiều phóng viên của các địa phương Nam Trung bộ nhằm thúc đẩy lượng khách nội vùng. Theo thông tin từ các hãng lữ hành, trong một vài năm gần đây, ngoài lượng khách quốc tế, khách từ TP Hồ Chí Minh ra hay Hà Nội vào, lượng khách du lịch nội vùng có xu hướng tăng dần.
Để xây dựng chương trình khảo sát, chúng tôi đã lựa chọn các điểm du lịch chính của các địa phương gồm: các khu nghỉ dưỡng ven biển; các cơ sở vui chơi giải trí; các điểm di tích văn hóa, di tích lịch sử, di tích cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch núi, chú trọng đến những đặc trưng của mỗi địa phương. Chẳng hạn, đến Bình Định thì tham quan Bảo tàng Quang Trung, xem biểu diễn nhạc võ, thăm Khu du lịch Ghềnh Ráng, viếng mộ Hàn Mặc Tử, tham quan cầu Thị Nại… Xin nhấn mạnh rằng, tuyến du lịch này không phải là tuyến mẫu, mà chỉ là một gợi ý để các hãng lữ hành tham khảo, tính toán. Các địa phương có thể tham chiếu, để từ đó vạch ra kế hoạch phát triển du lịch của mình trong tương lai.
* Một số ý kiến cho rằng, vị trí địa lý và đặc điểm văn hóa của các tỉnh Nam Trung bộ có nhiều nét tương đồng, do vậy, nên liên kết lại để cùng phát triển. Bà có nghĩ vậy không?
- Đúng là 6 tỉnh, thành phố nói trên đều nằm dọc biển và đều có những bãi biển dài, đẹp. Đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch biển, đảo. Xu hướng chung hiện nay là các địa phương đầu tư xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển để đón khách. Điều này là hoàn toàn hợp lý; nhưng để cạnh tranh và tạo sự khác biệt, cần quan tâm phát huy những đặc thù văn hóa và du lịch sinh thái độc đáo của địa phương. Chẳng hạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp thì Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam... đều có, nhưng chỉ duy nhất Bình Định mới có Bảo tàng Quang Trung, nhạc võ Tây Sơn và võ cổ truyền Bình Định.
Liên kết để cùng nhau phát triển là tốt, nhưng nếu gắn những khu nghỉ dưỡng lại thành một tuyến, tôi e sẽ khó đạt kết quả như mong đợi. Vì các khu nghỉ dưỡng ít nhiều đều có nét tương đồng, trong khi tâm lý du khách lại chỉ muốn đến một nơi để nghỉ ngơi, thư giãn. Nếu liên kết, các tỉnh nên tính toán thực hiện những tuyến du lịch theo chuyên đề, chẳng hạn như tìm hiểu văn hóa Chămpa qua các thời kỳ, theo dấu chân thần tốc của Vua Quang Trung, khám phá các đảo ven bờ, khám phá di tích lịch sử cách mạng Việt Nam, hay tổ chức đua thuyền liên tỉnh...
* Riêng với Bình Định, bà đánh giá như thế nào về hoạt động du lịch của địa phương?
- Trong chuyến khảo sát này, Đoàn đã đến Bảo tàng Quang Trung để nghe giới thiệu về triều đại Tây Sơn, xem biểu diễn nhạc võ và võ cổ truyền Bình Định. Sau đó, tham quan khu du dịch Ghềnh Ráng, viếng mộ Hàn Mặc Tử và tham quan cầu Thị Nại - chiếc cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Đây là những đặc trưng rất riêng của đất Võ.
Đây là lần thứ ba tôi đến Bình Định khảo sát. Và tôi nhận thấy, nơi đây đã có nhiều thay đổi. Bảo tàng Quang Trung đã được sửa sang khang trang hơn; thuyết minh viên của Bảo tàng có cách thể hiện tốt, chương trình biểu diễn nhạc võ tạo được ấn tượng với người xem. Dù vậy, tôi vẫn có một số băn khoăn như chương trình biểu diễn nhạc võ có cần những tiết mục múa Bana không.
Để du khách dễ hình dung về triều đại Tây Sơn, nên chăng, cần xây dựng nội dung thành những câu chuyện dễ hiểu, dễ nhớ. Nếu có điều kiện, nên xây một phòng chiếu phim (3D hoặc 4D càng tốt) và làm phim giới thiệu về những cảnh sinh hoạt ngày xưa, những diễn trình lịch sử để tạo sự hấp dẫn. Tôi cho rằng, Bảo tàng cần có nhiều hoạt động hơn để thực sự trở thành điểm đến du lịch.
Võ Bình Định vang danh khắp nơi, nhưng sản phẩm du lịch từ võ lại chưa nhiều. Ở Bảo tàng Quang Trung, chỉ qua vài chục phút ngồi xem đánh võ, du khách sẽ không hiểu và cảm nhận được nhiều về “đặc sản” này. Bởi thế, nên phát triển thêm chương trình tham quan một số lò luyện võ. Tại đó, khách du lịch được giao lưu với thầy và trò, tìm hiểu về những triết lý của dòng võ cổ truyền này. Ngoài ra, có thể tổ chức những lớp dạy võ cho những người có nhu cầu muốn học võ Bình Định.
Tôi cho rằng, tiềm năng du lịch của Bình Định là rất lớn. Phát huy những thế mạnh để tạo sự khác biệt, đầu tư xây dựng tốt cơ sở hạ tầng, sẽ giúp du lịch Bình Định phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
* Cảm ơn bà!
|