Địa danh Trung Lương - Cát Tiến dần trở nên quen thuộc, là điểm đến hấp dẫn trong “bản đồ” du lịch Bình Định. Cát Tiến đang “lột xác” rất nhanh, nhưng vùng biển này vẫn gây ấn tượng tốt nhờ nét hoang sơ, bình yên của mình…
Mỗi khi vào Quy Nhơn từ hướng Cát Khánh, Đề Gi hay từ Quy Nhơn ra Đề Gi, Chợ Gồm theo đường tỉnh lộ 639, ngang qua biển Trung Lương, bao giờ tôi cũng cho xe đi thật chậm rãi, chỉ để ngắm biển. Tôi luôn tự hỏi, tại sao màu nước biển Trung Lương lại có thể trong xanh, sạch sẽ đến nhường ấy, xanh đến nao lòng! Cát thì trắng mịn, còn sóng biển thì vỗ bờ nhè nhẹ.
|
Ngày Tết ở bãi biển Trung Lương. Ảnh: Trần Sự |
1 .
Bên biển với phi lao, rau muống biển chen chúc nhau, còn bên kia đường là xương rồng trải dài. Mùa hè, những bụi xương rồng bung nở hoa đỏ, hoa vàng, người đi đường có chút ít lãng mạn, thể nào cũng dừng xe, nhón tay bẻ một nhánh xương rồng về ươm hay cho xe chạy ra mé bờ biển đón gió mát, để nhìn rõ hơn làn nước trong xanh ngọc bích.
Không giống Đề Gi, Trung Lương không có nhiều quán hải sản, làng biển hoang sơ không chỉ ở phong cảnh mà còn ở cả con người và dịch vụ nơi đây. Khi tôi dừng xe dưới bóng mát cây tra, một phụ nữ trung niên từ nhà nói với ra: “Cô dắt xe vào sân nhà tôi để cho mát, không lấy tiền giữ xe đâu mà ngại!”.
Từ khi tuyến đường ven biển Đông Bình Định được mở ra, lượng du khách đến với Trung Lương ngày một đông. Đi chơi ở biển nhưng du khách lại có thêm thú leo núi, vì đây là nơi núi Bà chồm ra biển. Còn chần chờ gì mà không đặt chân lên dãy tam cấp đá dẫn đến Linh Phong thiền tự- một trong những ngôi chùa cổ nhất Bình Định, tục gọi chùa Ông Núi có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Lên tới chùa, phóng tầm mắt ra cánh đồng một dải xanh rờn, trù phú trước mắt, để thu vào lòng cái sảng khoái của vùng sơn thủy hữu tình, sẽ thấy mấy trăm bậc tam cấp đá khiến ta có lúc mỏi gối chồn chân thật chẳng thấm tháp là bao!
Đã chơi ở biển Trung Lương, đã chinh phục chùa Ông Núi, còn ngại chi không viếng thăm đá Vọng Phu, thuộc địa phận thôn Chánh Oai (Cát Hải). Chuyện người phụ nữ bồng con lên núi trông chồng, bỏ ăn bỏ uống, nắng luyện mưa rèn, lâu ngày hóa đá. Vọng Phu thạch đã đi vào Nước non Bình Định của Quách Tấn, đi vào thơ ca nhạc họa, nằm lòng trong trí nhớ và truyền khẩu dân gian.
2.
Đi trên tỉnh lộ 639 đoạn ngang qua biển Trung Lương, người đi đường cứ thấy tức anh ách vì không thể phóng hết tầm mắt ngắm bờ biển đẹp trong xanh ngút ngàn ngoài kia, bởi dãy tường bê tông được xây dựng hết sức “vô duyên”: cao gần 3m và dài mấy cây số. Một trong những người làng chài Trung Lương- bà Nguyễn Thị Huệ, 65tuổi- cho tôi biết: “Bờ tường cao và dài này được dựng lên từ 3, 4 năm nay, nghe đâu để thực hiện việc thi công xây dựng khu du lịch sinh thái sát biển Trung Lương. Chộn rộn một dạo rồi thôi, biển Trung Lương đã bình yên trở lại rồi. Cũng tiếc hùi hụi vì dự án khu du lịch sinh thái cao cấp gì đó bất thành, song bà con ai cũng mừng vì cuộc sống làng chài đã trở về như cũ”.
Tôi hiểu bà Huệ đang nhắc tới dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp trên diện tích gần 20 ha mà một doanh nghiệp cỡ “khủng” đăng ký đầu tư rồi để đó. “Người làm công trình du lịch đi khỏi địa phương nhưng sao có nhiều công nhân xây dựng ở đây?”- tôi thắc mắc. Bà Huệ phấn khởi: “Đấy là công nhân đang xây dựng Tượng đài Chiến thắng Núi Bà”. Không lâu nữa, dưới chân dãy núi Bà đối diện biển Trung Lương này sẽ mọc lên Tượng đài Chiến thắng Núi Bà, một công trình tôn vinh di tích lịch sử cách mạng Núi Bà - chứng tích căn cứ cách mạng quan trọng trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đến Trung Lương, đến Cát Tiến là đến nơi: biển giăng dưới núi chùa lồng trong mây/bụi đời không gợn mảy may/chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi (Ca dao). Vậy thì, sao không đi để tận hưởng?
|