Quy Nhơn- Hướng đến thành phố du lịch
6:57', 14/3/ 2010 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định công nhận TP Quy Nhơn là đô thị loại 1, trực thuộc tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để Quy Nhơn tạo sự phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội theo hướng văn minh, hiện đại; khai thác các lợi thế, phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng vốn có.

 

Du khách tham quan nhà lưu niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử.  Ảnh: Văn Lưu
 

* du lịch- tiềm năng đa dạng, phong phú

TP Quy Nhơn hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển mạnh ngành “công nghiệp không khói”. TP có địa hình, cảnh quan hết sức đa dạng, độc đáo, như biển, đảo, bán đảo, đầm phá, cồn bãi, sông, hồ, núi rừng, gò đồi, đồng ruộng,… tạo nên bức tranh thiên nhiên đặc sắc mà ít thành phố nào có được. Bờ biển Quy Nhơn có nhiều thắng cảnh và bãi tắm đẹp, có thể khai thác, tổ chức nhiều loại hình du lịch biển hấp dẫn. Bán đảo Phương Mai - núi Bà - đầm Thị Nại được đánh giá là “mỏ vàng” của du lịch tỉnh nhà. Tại đây, chúng ta có thể khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như: tắm biển, nghỉ dưỡng, thể thao biển, sinh thái rừng ngập mặn và thưởng thức nhiều loại hải sản ngon. Ngoài ra, vùng biển Quy Nhơn còn có hệ sinh vật biển hết sức phong phú, đa dạng với nhiều loại hải sản quý, có giá trị kinh tế cao. Từ lâu, hải sản Quy Nhơn nổi tiếng là ngon - tươi – rẻ. Một lợi thế tạo nên nét khác biệt và so sánh với các trung tâm du lịch trong khu vực là vùng đất Quy Nhơn - Bình Định có một bản sắc, đặc trưng rất riêng về trầm tích lịch sử - văn hóa, được mệnh danh là “đất võ, trời văn” gắn với tên tuổi của nhiều danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc và nhiều di sản, di tích, danh thắng nổi tiếng…

Một lợi thế không nhỏ cho hoạt động du lịch của TP biển Quy Nhơn là hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, liên hoàn, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đặc biệt là đường biển. Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng biển lớn của cả nước, đủ khả năng đón các tàu du lịch cỡ lớn. Thời gian qua, cảng Quy Nhơn đã đón nhiều tàu du lịch và đưa hàng ngàn du khách quốc tế lên bờ để tham quan các di tích, danh thắng nổi tiếng trong tỉnh. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng mới nhà ga sân bay, tăng tần suất các chuyến bay và đưa vào hoạt động đường bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng mới nhiều tuyến đường mang tính chiến lược, đem lại lợi ích nhiều mặt cho kinh tế - xã hội và có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành du lịch, như tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội... Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị TP Quy Nhơn nhằm khai thác tối đa lợi thế về du lịch biển. Trong đó đáng chú ý, việc xây dựng tuyến đường Xuân Diệu đã mở toang “mặt tiền” và đưa Quy Nhơn quay mặt về phía biển, TP trở nên sạch đẹp và hấp dẫn du khách hơn. Đặc biệt, một loạt các khu du lịch, khách sạn cao cấp đã được đưa vào khai thác như: Life resort (Bãi Dài), resort Hoàng Anh - Quy Nhơn, khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, Hải Âu… đã đem lại bộ mặt và tầm vóc mới cho du lịch tỉnh nhà.

 

Du khách vui chơi, giải trí tại Bãi tắm Hoàng Hậu (Quy Nhơn).Ảnh: Văn Lưu

 

* Nhưng vẫn... chưa hấp dẫn

Quy Nhơn đang trên đà phát triển mạnh ngành dịch vụ du lịch và hướng tới trở thành một trong những trung tâm du lịch biển hấp dẫn của khu vực miền Trung và cả nước. Các chỉ số quan trọng của ngành du lịch tỉnh và thành phố trong những năm qua luôn hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, hoạt động du lịch của TP Quy Nhơn vẫn còn có những hạn chế nhất định như: sản phẩm du lịch còn sơ sài, đầu tư phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, tiến độ triển khai các dự án phát triển du lịch còn chậm... Vì vậy, du lịch thành phố vẫn chưa tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, độc đáo, có chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chủ yếu tập trung vào lĩnh vực lưu trú, trong khi đó, các khu vui chơi giải trí có quy mô lớn còn thiếu hoặc còn đang trong giai đoạn đầu tư nên chưa tạo được các điểm nhấn, sức hút đối với du khách.

Để xây dựng và phát triển Quy Nhơn trở thành đô thị loại I và định hướng trở thành thành phố du lịch, cần tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch thiết yếu, nhất là ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường biển, các dự án du lịch, các khu vui chơi, giải trí có quy mô lớn để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị và xây dựng thành phố theo hướng xanh - sạch - đẹp, hướng về phía biển. Những lô “đất vàng” có vị trí đẹp cần ưu tiên dành cho phát triển du lịch. Tiếp tục duy trì tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch lớn như: Festival Tây Sơn - Bình Định, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền… nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc trưng để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách.

du lịch Quy Nhơn - Bình Định đang đứng trước thời cơ lớn để tăng tốc phát triển thành một ngành kinh tế quan trọng và là “điểm đến” hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

  • Nguyễn Đình Hoãn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rộn rã đường xuân   (21/02/2010)
Nhộn nhịp tour tết   (07/02/2010)
Chỉnh trang đón khách du xuân   (07/02/2010)
Mục tiêu đón 1 triệu lượt khách đến Bình Định   (31/01/2010)
Phát triển hoạt động du lịch lữ hành  (17/01/2010)
Tạo “đường băng” để cất cánh  (15/01/2010)
Tạo “đường băng” để cất cánh   (15/01/2010)
Góp phần phát triển du lịch Bình Định  (20/12/2009)
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng ngoạn mục  (02/12/2009)
Cùng Vietravel Quy Nhơn chinh phục “Nóc nhà Đông Dương”   (08/11/2009)
Sức hút của miền “đất Võ - trời Văn”  (25/10/2009)
Cần xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định  (20/09/2009)
Nỗ lực vượt khó  (06/09/2009)
Quy Hòa - Tìm về chốn bình yên   (30/08/2009)
Chùa Ông Núi - cảnh đẹp Bình Định   (16/08/2009)