Những du khách từ Bình Định đến Ninh Bình lần đầu như chúng tôi rất ấn tượng trước các danh lam, thắng cảnh của mảnh đất này: cố đô Hoa Lư, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính...
|
Long sàng bằng đá ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là độc nhất vô nhị. |
Khởi hành lúc 7 giờ sáng, chúng tôi đến tham quan cố đô Hoa Lư - khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia, với tổng cộng 47 di tích. Đền vua Đinh Tiên Hoàng (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) nằm trên khuôn viên rộng 5 ha, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam ở thế kỷ 17. Long sàng bằng đá ở giữa sân rồng trước đền đã gây ấn tượng mạnh đối với chúng tôi. Bề mặt của sập rồng được tạc nổi hình rồng, với dáng vẻ khỏe mạnh, uy dũng. Hai tay vịn của long sàng là hai con rồng đang uốn mình trên tầng mây cao, được đánh giá là cổ vật độc nhất vô nhị. Từ sân rồng bước lên là Bái đường 5 gian, có điện thờ vua Đinh Tiên Hoàng, với kiến trúc độc đáo. Cách đền thờ Đinh Tiên Hoàng khoảng vài trăm mét là đền thờ vua Lê Đại Hành và Hoàng hậu Dương Vân Nga, có qui mô nhỏ hơn đền vua Đinh. Tại đây, chúng tôi được hướng dẫn viên của Khu di tích lý giải một cách giàu cảm xúc về “chuyện tình tay ba” (vẫn còn nhiều bàn luận trong lịch sử) giữa Đinh Tiên Hoàng - Dương Vân Nga - Lê Đại Hành…
Rời cố đô Hoa Lư, chúng tôi đi khoảng chục km để đến khu du lịch sinh thái Tràng An, nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình. Tràng An có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động, trong đó có những hang xuyên thủy dài 2 km, như hang Địa linh, hang Sinh dược… Mỗi hang động mang một vẻ đẹp đặc trưng, với nhiều nhũ đá biến đổi trông đẹp mắt. Thật thú vị khi tham gia tour du lịch bằng thuyền nan đi qua 12 hang và 3 đền, kéo dài trong suốt 3 giờ liền. Đi thuyền lướt trên “bức tranh thủy mặc” rừng cây, hồ nước, núi đá… đã làm cho tâm hồn chúng tôi trở nên phấn chấn…
|
Chùa Bái Đính có các tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. |
Sau những giờ phút thư giãn sinh thái tuyệt vời tại khu du lịch Tràng An, chúng tôi dùng bữa trưa tại đây, với món đặc sản dê núi - cơm cháy Ninh Bình. Dê Ninh Bình được nuôi trên các núi đá, nên thịt săn chắc, ít mỡ và có hương vị thơm hơn thịt dê nuôi ở những nơi khác. Thịt dê Ninh Bình chấm với nước tương gừng thì cứ đúng như lời người dân địa phương truyền tụng một cách vui và thú vị: “Tái dê chấm với tương gừng. Ăn vào một miếng phừng phừng như dê. Đêm về vợ thích vợ mê. Ngày mai ta lại tái dê tương gừng…”. Cơm cháy ở đây được nấu từ gạo nếp hương và qua các công đoạn chế biến khá cầu kỳ. Tim, cật dê được nấu chung với hành tây, nấm rơm… thành canh. Khi thả miếng cơm cháy mới chiên giòn vào tô canh ta nghe tiếng xèo… xèo và khói bốc thơm lừng. Khi thưởng thức miếng cơm cháy vừa thả vào tô canh, với cảm giác vừa khô vừa ướt, với hương vị thơm, nên cảm giác rất ngon miệng.
Sau khi ăn uống nghỉ ngơi, đầu giờ chiều, chúng tôi rời khu du lịch Tràng An đi hơn chục km đến tham quan khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính, với cả hệ thống kiến trúc chùa cổ và chùa mới đang xây dựng. Khởi công xây dựng từ năm 2003, đến nay chùa Bái Định mới vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành… Đứng từ dưới nhìn lên, các công trình kiến trúc của chùa Bái Đính nối tiếp nhau từ chân lên tận đỉnh núi, xứng danh là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. Chùa Bái Đính mới có nhiều kỷ lục: khu chùa rộng nhất Việt Nam (với tổng diện tích 107 ha); khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam (với 500 tượng tạc bằng đá xanh cao 2m); khu chùa có nhiều tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: tượng Phật Tổ (nặng 100 tấn), 3 pho Tam Thế (nặng 50 tấn), tượng Di Lặc (nặng 100 tấn) và tượng Quan Thế Âm (nặng 90 tấn)…
Sau khi tham quan khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính, chúng tôi rời Ninh Bình với một tâm trạng nuối tiếc, vì còn nhiều điểm tham quan hấp dẫn chưa đến được, như vườn quốc gia Cúc Phương, nhà thờ đá Phát Diệm, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động…
|