TỪ DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI:
Cần tập trung phát triển du lịch
13:54', 30/5/ 2010 (GMT+7)

Ngành du lịch (DL) là một trong những ngành có khả năng tạo nên bước đột phá trong việc tái cấu trúc và phát triển nền kinh tế nước ta trong thập niên mới. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, đại biểu Võ Thị Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định - đã phát biểu về vấn đề này.

 

Đại biểu Võ Thị Thủy phát biểu tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII

 

* Tiềm năng và lợi thế phát triển

Nước ta có nhiều địa điểm văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; là một quốc gia với ngàn năm văn hiến, có quá trình lịch sử đấu tranh  dựng nước và giữ nước, với những thắng lợi đã để lại dấu ấn lịch sử hào hùng cũng cần được giới thiệu ra thế giới thông qua hoạt động DL. Hơn nữa, nước ta có nền chính trị và xã hội ổn định, tạo sự an tâm cho du khách khi đến đây. Với nhiều vị trí địa lý thuận lợi, nguyên sinh, chưa khai thác, đặc biệt là khu vực Duyên hải miền Trung có bờ biển dài và đẹp, cảnh quan thiên nhiên sinh động, rất quyến rũ,  được nhiều tổ chức DL quốc tế đánh giá cao, cần được tập trung khai thác, đồng thời cũng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển đã được Đảng và Nhà nước đưa ra từ năm 2007.

Phát triển DL đem lại lợi ích nhiều mặt trong xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhiều dịch vụ, tăng cường phát triển các làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất và xuất khẩu tại chỗ, tạo việc làm mới cho nhiều thành phần lao động trong xã hội, đặc biệt là lao động nữ; giới thiệu đời sống văn hóa đa dạng của 54 dân tộc trong nước ra thế giới. Phát triển DL sẽ bảo tồn và phát huy văn hóa lịch sử, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Là một ngành công nghiệp không khói, ngành DL không sử dụng nhiều nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường như các ngành công nghiệp khác, mà còn tái tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp từ thành thị đến nông thôn.

 

Khu vực Duyên hải miền Trung có bờ biển dài và đẹp, cảnh quan thiên nhiên sinh động, rất quyến rũ, được nhiều tổ chức DL quốc tế đánh giá cao. - Trong ảnh: Biển Cát Tiến (Phù Cát - Bình Định). Ảnh: Hoàng Vân

 

* Quy hoạch hợp lý cùng các chính sách ưu đãi

Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương trong khu vực có tiềm năng DL, rà soát, điều chỉnh lại toàn bộ quy hoạch cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế toàn vùng. Vì hiện nay, trong đầu tư phát triển giữa các tỉnh chưa có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ. Trên cơ sở đó, xem xét, cân đối các dự án đầu tư, tăng cường ngân sách đầu tư cho phát triển hạ tầng và đẩy mạnh tiến độ các chương trình dự án đã được Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt là chỉnh trang cảng biển, nhà ga…, tăng cường phát triển DL bằng đường thủy, đường sắt đến những khu vực có khả năng phát triển DL. Chú trọng đến sự liên kết vùng liền kề, kết nối với các nước trong khu vực (khối ASEAN). Vì hiện nay, việc khai thác các tuyến đường hàng không trong khu vực này còn rất bị động, làm hạn chế đến việc thu hút khách tham quan DL, kể cả hợp tác đầu tư đến với khu vực này. Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và đầu tư nước ngoài, góp phần đẩy mạnh phát triển DL, như mức lãi vay và thời gian vay dài hạn cho ngành DL, vì đầu tư vào lĩnh vực này mang tính lâu dài, luôn cần được bổ sung và phát triển mà chậm thu hồi vốn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách xây dựng thương hiệu, quảng bá các vùng có tiềm năng phát triển DL; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các thông điệp để các tổ chức, cá nhân chung tay góp phần bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, vì ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường của nước ta còn nhiều hạn chế.

Nếu được Nhà nước quan tâm đúng mức, tôi tin rằng, các nhà đầu tư sẽ quyết tâm cao, không ngần ngại đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần mang lại lợi ích phát triển kinh tế, nâng cao mức sống và dân trí cho nhân dân toàn vùng, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế  toàn diện.

* Đa dạng các dịch vụ, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực

Những năm qua, Chính phủ cũng đã quan tâm đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có hơn 3 triệu lượt khách nước ngoài vào Việt Nam, nhưng rất ít khách quay lại lần hai. Những khách quay lại chủ yếu là thành phần khách đến liên hệ để hợp tác kinh doanh. Nếu so sánh với các nước trong khu vực lân cận, như Singapore, Thái Lan, Malaysia…, tuy có mật độ cảnh quan thiên nhiên và dân số không thể so sánh với nước ta, nhưng mỗi năm thu hút từ 15 đến 20 triệu lượt khách đến tham quan DL, gấp 5 đến 7 lần, thậm chí có rất nhiều người Việt Nam đi tham quan DL ở các nước này hàng năm. Điều này cho thấy sự thu hút của ngành DL nước ta chưa cao.

Hiện nay nước ta đang gia nhập vào nền kinh tế thế giới, nên khách đến với nước ta không chỉ là khách đi DL theo tour, mà rất nhiều thành phần đến để liên hệ hợp tác kinh doanh. Vì vậy, chúng ta không chỉ tính số lượng khách đến, mà điều quan trọng hơn nữa phải đa dạng dịch vụ phù hợp để giữ được khách dừng chân dài ngày. Tìm hiểu trong sự liên hệ hợp tác đầu tư để phát triển tốt hơn cho ngành DL, ngoài cơ sở vật chất thì yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực. 

Tôi mong rằng:  Bộ VH-TT-DL cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ sở đào tạo ngành DL, để cải tiến nội dung, chương trình đào tạo, tăng cường đào tạo và đào tạo lại cán bộ, nhân viên, hướng dẫn viên DL một cách thiết thực, mang tính chuyên nghiệp. Chính phủ chỉ đạo các địa phương quan tâm đặc biệt đến ngành DL như là một ngành thiết yếu của đất nước, tạo điều kiện cho ngành DL vươn lên bằng chính tài sản thiên nhiên vô giá của mình, để rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng miền.

Tuy có nhiều khó khăn bước đầu, nhưng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng sự quyết tâm cao của toàn xã hội, sẽ đưa ngành DL nước ta trở thành thương hiệu DL thế giới, góp phần vào việc phát triển kinh tế chung của đất nước.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chưa đi chưa biết Ninh Bình…  (22/05/2010)
Danh thắng Ghềnh Ráng  (18/05/2010)
“Thiên đường du lịch biển, đảo”  (15/05/2010)
Tăng cường quảng bá thu hút du khách   (09/05/2010)
Về Hầm Hô “trốn” nóng  (02/05/2010)
Nhiều chương trình chào mừng ngày Lễ 30.4 và 1.5   (25/04/2010)
Về bến sông Trăng  (22/04/2010)
Du lịch tàu biển trở lại  (18/04/2010)
Nên thiết kế hợp lý, in ấn đẹp   (11/04/2010)
Về Quy Nhơn chơi trượt cát   (15/04/2010)
Núi Mò O - một thắng cảnh đẹp ở Bình Định   (28/03/2010)
Phát triển du lịch bền vững   (28/03/2010)
Du lịch Tây Nguyên-Nam Trung Bộ phải liên kết  (26/03/2010)
Quy Nhơn- Hướng đến thành phố du lịch   (14/03/2010)
Rộn rã đường xuân   (21/02/2010)