Vừa qua, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Định phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hà Nội tổ chức chuyến khảo sát “Hành trình qua các vùng kinh đô Việt cổ”. Tỉnh ta là điểm dừng chân cuối cùng của cuộc hành trình. PV Báo Bình Định đã ghi lại ý kiến của các thành viên trong đoàn khảo sát về cơ hội hợp tác và triển vọng phát triển du lịch (DL) của tỉnh nhà thông qua chương trình này.
|
Du khách tham quan Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn. Ảnh: Phạm Văn Chai
|
* Giáo sư sử học Lê Văn Lan - cố vấn của chương trình, trưởng đoàn khảo sát, người đã “thai nghén” ý tưởng xây dựng tour DL “Hành trình qua các vùng kinh đô Việt cổ”:
“Hành trình qua các vùng kinh đô Việt cổ” là chương trình DL chuyên đề mới về văn hóa - lịch sử độc đáo nhằm khám phá những giá trị văn hóa đặc sắc của một số kinh đô, cố đô của Việt Nam qua các thời kỳ như: Đền Hùng- Hoàng thành Thăng Long - Cố đô Hoa Lư- Thành nhà Hồ - Lam Kinh - Phượng Hoàng Trung Đô - Kinh thành Huế… và điểm cuối cùng là Thành Hoàng Đế của Bình Định.
Đây là chương trình nhằm rà soát, thống kê, nghiên cứu thực trạng hệ thống các kinh đô cổ. Qua đó đánh giá tiềm năng và khả năng liên kết các điểm thành hệ thống chương trình DL liên hoàn, đồng thời xây dựng thỏa thuận hợp tác DL giữa từng địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển của từng điểm đến. Chuyến DL sẽ xâu chuỗi các giá trị văn hóa truyền thống của các vùng đất lịch sử, làm phong phú thêm sản phẩm DL và giúp mọi người hiểu thêm về các giá trị lịch sử của dân tộc.
Thông qua chương trình DL này, Sở VH-TT-DL Hà Nội cũng tăng cường hợp tác với các tỉnh thuộc khu vực miền Trung, xúc tiến phát triển DL, nâng cao chất lượng sản phẩm DL, tạo sự liên kết để phát triển DL giữa Hà Nội với các tỉnh này.
* Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ nhiệm Khoa DL, Viện Đại học mở Hà Nội:
Qua chuyến đi này cộng với nhiều năm làm công tác nghiên cứu DL, chúng tôi có thể khẳng định: Bình Định có tiềm năng DL rất lớn. Bình Định sẽ là một điểm đến hấp dẫn nếu ngành DL địa phương kết hợp được các yếu tố: địa phương phải có hoạch định, có những chiến lược cụ thể để kết hợp với các tỉnh thành một chuỗi DL liên hoàn mà chương trình “Hành trình qua các vùng kinh đô Việt cổ” là một ví dụ; thực hiện một cách đồng bộ, tích cực công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm DL; tăng cường, khuyến khích kêu gọi các nhà kinh doanh DL của cả nước hợp tác với các doanh nghiệp của tỉnh để cùng khai thác, chia sẻ lợi ích và cùng tạo ra những sản phẩm DL hấp dẫn hơn; phải có một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho DL, đào tạo những con người biết làm DL… Trong môi trường hội nhập quốc tế, chúng ta phải tạo ra những sản phẩm DL hấp dẫn hơn, sáng tạo hơn và hạn chế tư duy tiểu nông trong phát triển DL.
Chẳng hạn, DL phải gắn liền với thiên nhiên, phải quy hoạch trồng cây xanh ở các khu di tích. Làm như thế nào để du khách có cảm giác như được bước ra từ thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên, được hưởng sự trong lành từ thiên nhiên. Hiện nay, mặc dù một số điểm đến của Bình Định rất đẹp nhưng lại vắng bóng hay rất ít cây xanh (như tháp Dương Long, Thành Hoàng đế…).
* Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Định:
Ngày 17.6.2010 vừa qua, tại Thừa Thiên Huế, đại diện của 5 Sở VH-TT-DL gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định đã cùng ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác phát triển DL. Trên cơ sở văn bản thỏa thuận này, các sở sẽ báo cáo UBND tỉnh, thành phố để sớm xin ý kiến chỉ đạo về hợp tác phát triển DL giữa các địa phương.
Mục đích của sự hợp tác này nhằm thúc đẩy hoạt động DL phát triển mạnh mẽ hơn tại khu vực 5 tỉnh, thành phố nói trên. Đồng thời tạo sự gắn kết, bổ sung cho nhau để tạo ra những sản phẩm DL đặc sắc, có chất lượng cao, hấp dẫn khách DL và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm DL, đảm bảo sự phát triển DL bền vững của các địa phương. Theo văn bản thỏa thuận này, trước mắt, các địa phương sẽ cùng hợp tác xây dựng một số chương trình tiêu biểu về hành trình qua các vùng kinh đô Việt cổ, phối hợp xây dựng đề án phát triển DL trên cơ sở khai thác tối ưu các dự án Con đường xuyên Á và Hành lang kinh tế Đông-Tây.
* Ông Trần Thành Công - Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist:
Qua chương trình “Hành trình qua các vùng kinh đô Việt cổ” mà Bình Định là một điểm đến, và qua kinh nghiệm của một người làm nghề, tôi nhận thấy Bình Định là một vùng đất hấp dẫn, đầy tiềm năng, có đủ điều kiện để phát triển DL trong 1, 2 năm tới. Với những tiềm năng về địa lý: bờ biển đẹp trải dài, môi trường trong lành, hiền hòa, kết hợp với những yếu tố văn hóa lịch sử độc đáo và những địa danh đã được biết đến, như Bảo tàng Quang Trung, Hầm Hô… tôi tin Bình Định sẽ là một địa danh thu hút du khách của Việt Nam và quốc tế. Thông qua chuyến khảo sát này, tôi hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp DL Bình Định để tạo ra các sản phẩm DL hấp dẫn hơn.
|