Cùng với sự phát triển lớn mạnh của ngành du lịch (DL) nước nhà, trong hơn một thập niên qua, ngành DL Bình Định đã liên tục tăng trưởng và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của địa phương...
|
Nhờ có đường bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn, việc đi lại, kết nối tour giữa Bình Định và thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh phía bắc đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Ảnh: Văn Lưu |
* Phát triển đúng hướng
Ngày 29.5.1976, UBND tỉnh Nghĩa Bình đã ban hành Quyết định số 342/QĐ-UB thành lập Công ty Du lịch Nghĩa Bình, tiền thân của Công ty CP Du lịch Bình Định ngày nay. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự ra đời của ngành du lịch (DL) Bình Định. Trải qua 34 năm hình thành và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ngành DL tỉnh ta không ngừng tăng trưởng cả về lượng và chất. Ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tỉnh ta đã xác định: “Phát triển DL trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương”. Bình Định cũng là một trong những tỉnh của miền Trung sớm có quy hoạch tổng thể phát triển DL (năm 1996) và điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020. Các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển DL luôn được ban hành, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động DL.
Nhờ đó, hoạt động DL trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan. Nhận thức về phát triển DL trong các cấp, các ngành và toàn xã hội có chiều hướng tích cực hơn. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và sản phẩm DL không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Quy mô và chất lượng hoạt động DL có bước phát triển; doanh thu DL hằng năm đều tăng mạnh; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Những năm qua, nhiều công trình cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất DL được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Nhiều tuyến đường mang tính chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành DL được xây dựng, đưa vào sử dụng như: tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu; tuyến ven biển Nhơn Hội - Tam Quan; cầu Thị Nại; đường Xuân Diệu; tuyến Gò Găng - Cát Tiến nối sân bay Phù Cát với Khu Kinh tế Nhơn Hội… Nhiều quy hoạch DL quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư, như: Quy hoạch các điểm trên tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu ; tuyến Phương Mai - Núi Bà ; tuyến Nhơn Lý - Cát Tiến ; suối khoáng nóng Hội Vân... và đang triển khai quy hoạch tuyến Đề Gi - Tam Quan, hồ Núi Một,...
Bên cạnh đó, một loạt các dự án DL quy mô lớn đã và đang được triển khai với số vốn đăng ký lên đến hàng ngàn tỉ đồng, như: khu DL Vĩnh Hội, Tân Thanh, Hải Giang, Trung Lương, dự án quần thể DL lịch sử - sinh thái - tâm linh chùa Linh Phong, dự án khu SL resort cao cấp phía Bắc Nhơn Lý - Cát Tiến, dự án tuyến DL, dịch vụ Mũi Tấn - tượng Trần Hưng Đạo...hứa hẹn sẽ đưa DL Bình Định trở thành một trong những trung tâm DL mới, hấp dẫn của khu vực miền Trung và cả nước.
Trong những năm gần đây, hệ thống giao thông và các phương tiện đi lại không ngừng được đầu tư, nâng cấp, năng lực vận chuyển khách DL cũng như chất lượng phục vụ không ngừng được cải thiện. Việc đưa vào hoạt động đường bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn và đường bay TP Hồ Chí Minh - Quy Nhơn chuyển sang bay hàng ngày bằng máy bay lớn (A320) được đánh giá là một trong những sự kiện góp phần phát triển KT-XH của tỉnh nhà nói chung và ngành DL nói riêng. Nhờ có đường bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn, việc đi lại, kết nối tour giữa Bình Định và thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, đem lại hiệu quả rõ rệt cho hoạt động kinh doanh DL trên địa bàn, góp phần tăng trưởng DL tỉnh nhà.
Mặt khác, các sản phẩm DL từng bước được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến DL được tăng cường, đã tổ chức thành công các sự kiện văn hóa - thể thao - DL đặc sắc như: Festival Tây Sơn - Bình Định, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam… góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh DL Bình Định trên thị trường trong và ngoài nước…
* Hiệu quả tích cực
Hoạt động DL thu hút sự tham gia đông đảo của các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân, mang lại thu nhập không chỉ cho những đối tượng trực tiếp kinh doanh DL mà gián tiếp đối với các ngành liên quan, xuất khẩu tại chỗ và tạo thu nhập cho các cộng đồng dân cư địa phương. Hoạt động DL đã mang lại hiệu quả KT-XH ngày càng rõ nét, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho xã hội.
Từ buổi đầu thành lập chỉ với một doanh nghiệp DL, đến nay toàn tỉnh có 110 doanh nghiệp kinh doanh DL với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Số lượng khách DL đến Bình Định luôn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; năm 2009 đón được 776 ngàn lượt khách; ước năm 2010 sẽ đón được 1 triệu lượt khách, trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu DL toàn tỉnh năm 2010 ước đạt 260 ti đồng.
|
Biển Vĩnh Hội (Cát Hải - Phù Cát). Ảnh: Kiên Trung |
Cùng với đó, chất lượng phục vụ DL không ngừng được nâng cao, các cơ sở kinh doanh lưu trú tích cực đầu tư nâng cấp, mở rộng. Hệ thống cơ sở vật chất dịch vụ DL bổ trợ khác như: các cơ sở ăn uống, vận chuyển, mua sắm, vui chơi giải trí, văn hóa - văn nghệ, thể thao...tương đối phát triển, ngày càng đa dạng, phong phú và đáp ứng được những nhu cầu cơ bản cho du khách. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên ngành DL đã có sự đổi mới, nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất và tinh thần trách nhiệm, có thể đáp ứng cơ bản yêu cầu hoạt động kinh doanh DL mang tính cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng cao. Hiện toàn ngành có 2.500 lao động, trong đó có 75% đã qua đào tạo.
Với cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực như hiện nay, ngành DL của tỉnh đảm bảo phục vụ hàng ngàn lượt khách mỗi ngày, có thể tổ chức được các sự kiện, hội nghị quy mô lớn. Bộ máy quản lý nhà nước về DL của tỉnh từng bước được củng cố, kiện toàn. Việc hợp nhất 3 ngành: Văn hóa, Thể thao, Du lịch thành Sở VH-TT-DL đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý và kinh doanh DL. Từ khi Luật DL, Nghị định 92 và các Thông tư 88, 89 được ban hành, đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về DL.
* Một số hạn chế
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL, bên cạnh những thành tựu kể trên, DL tỉnh nhà vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định: Thứ nhất, tài nguyên DL của tỉnh ta khá phong phú, đa dạng nhưng đầu tư phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành khá cao so với tốc độ tăng trưởng bình quân về DL của cả nước; tuy nhiên, số lượng khách DL, doanh thu DL thuần túy còn khiêm tốn và còn khoảng cách khá xa so với các địa phương phát triển về DL ở khu vực miền Trung.
Năm 2000, toàn tỉnh chỉ có 20 khách sạn (KS) với tổng số 509 phòng, đến nay đã có trên 100 KS (trong đó có 44 khách sạn được xếp hạng, gồm: 4 KS 4 sao, 2 KS 3 sao, 7 KS 2 sao và 31 KS 1 sao), với tổng số 2.329 phòng, trong đó có 1.447 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 2 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. |
Thứ hai, việc đầu tư du lịch chủ yếu tập trung vào lĩnh vực lưu trú, trong khi còn thiếu các loại hình dịch vụ DL khác như: lĩnh vực vui chơi giải trí, thể thao dưới nước, vận chuyển khách bằng đường thủy, các sản phẩm quà lưu niệm, các khu mua sắm, ăn uống...vì thế, sản phẩm DL Bình Định vẫn còn kém hấp dẫn, chưa thể kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Các dự án đầu tư DL có quy mô lớn, độc đáo, được kỳ vọng, vẫn còn ở giai đoạn triển khai xây dựng, tiến độ thi công còn chậm.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận trong xã hội về DL chưa đầy đủ. Vì vậy, thời gian qua có rất nhiều người tham gia làm DL nhưng không phải ai cũng thành công. DL là một ngành kinh tế nhưng là ‘‘ngành tổng hợp nhất trong tất cả các ngành, từ văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội... đều tác động qua lại với DL” (theo lời ông Vũ Khoan - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ).
Vì vậy, muốn làm DL phải có những hiểu biết, kiến thức, kỹ năng nhất định về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đứng ở một góc độ nào đó, làm DL chính là làm văn hóa. Vì vậy, ngành DL không chỉ thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, mà còn góp phần mở rộng giao lưu văn hóa và nâng cao dân trí, phát triển nhân tố con người, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Để DL Bình Định phát triển, chúng ta cần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội một cách đầy đủ, đúng đắn, góp phần đưa ngành DL trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
|