Hành trình qua các kinh đô
10:20', 12/7/ 2010 (GMT+7)

Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2010, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vừa qua, Sở VHTTDL Hà Nội tổ chức đoàn khảo sát tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Định để hoàn thiện chương trình xây dựng tour du lịch hành trình qua các kinh đô Việt cổ.

Dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, cách Hà Nội khoảng 150km, Thành nhà Hồ (hay còn được gọi là thành Tây Ðô) thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Lịch sử ghi lại rằng, với mong muốn lập ra triều đại mới cho mình và tránh sự xâm phạm của kẻ thù, vào năm 1397, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng thành nhà Hồ chỉ trong 3 tháng từ những phiến đá xanh được đục đẽo tinh xảo, vuông vức gắn chồng khít lên nhau tạo thành hình vuông khép kín. Trong điều kiện lúc bấy giờ, bài toán xây dựng thành vẫn còn là một bí ẩn lớn cho các nhà nghiên cứu và sử học. Qua hơn 600 năm trường tồn cùng những biến cố, thăng trầm của đất nước và tác động của thời tiết, nơi đây còn lưu lại nhiều hiện vật và dấu tích kiến trúc độc đáo cho thấy sự sáng tạo tinh tế và tinh thần lao động cần cù của cha ông ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Tiếp tục hành trình về phía Nam, đưa du khách đến với Phượng Hoàng Trung Đô (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An). Kinh thành do vua Quang Trung - Nguyễn Huệ xây dựng vào năm 1788 bên dòng sông Lam, trên núi Dũng Quyết, nay là TP. Vinh. Phượng Hoàng Trung Đô được xây dựng theo lối quân thành, có tường thành bao quanh, trong có dựng cung phủ, lâu đài, tòa lầu rồng ba tầng cùng điện Thái Hòa hai dãy hành lang, để phòng dùng đến trong những khi có lễ triều hạ. Thành mới xây được 4 năm (1788 - 1792) đang dở dang thì Hoàng đế Quang Trung đột ngột từ trần, không kịp thực hiện việc di đô ra Phượng Hoàng Trung Đô. Tuy nhiên, có thể coi đây là một kinh đô bởi theo tài liệu còn để lại, vào các năm 1789, 1791, 1792 vua Quang Trung đã nhiều lần ngự giá và tổ chức ngự triều ở đây.

Điểm tiếp theo Đoàn đặt chân đến là kinh thành Huế - là nơi đóng đô của vương triều nhà Nguyễn suốt 140 năm (từ 1805 đến 1945). Nơi đây còn lưu giữ một hệ thống kiến trúc cung đình mang đậm nét văn hóa vật thể truyền thống và giá trị của nền văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng. Hiện nay, kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới. 

Điểm dừng chân cuối của Đoàn là Bình Định, nơi đặt đấu ấn của hai kinh đô cổ. Năm 982, người Chăm từ Quảng Nam vào đây dựng thành Đồ Bàn, đến năm 1471 thì thành Đồ Bàn bị phế. Mãi khi Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc xây thành Hoàng Đế trên nền thành Đồ Bàn vào năm 1776. Cách TP. Quy Nhơn 20km, thành Hoàng Đế ngày xưa bây giờ thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, Bình Định. Thành Hoàng Đế là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm 3 vòng thành: thành ngoại, thành nội và Tử Cấm thành. 4 cạnh phân bố theo đúng 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Chu vi thành ngoại 7.400m. Bên trong là Tử Cấm thành có tổng diện tích 21.600m2 nằm ở trung tâm. Đến nay, thành cổ đã chìm sâu dưới đất, khuôn viên còn mấy đoạn tường đá ong cỏ lấp bìm leo. Rời thành Hoàng Đế đi về hướng đông, chứng kiến ngọn tháp Cánh Tiên sừng sững giữa một vùng cây xanh bát ngát. Ngọn tháp này cũng là một trong những dấu tích của thành Đồ Bàn còn sót lại đến ngày nay.

Hành trình qua dọc dài thời gian của lịch sử và không gian của đất nước, những tòa kinh đô cổ đã lưu giữ một giá trị vô cùng to lớn trong lịch sử phát triển của dân tộc và để lại cho đời sau những sắc thái tinh thần kỳ diệu và quý báu. Cùng với Hoàng thành, Cổ Loa thành tại Hà Nội và khu di tích lịch sử đền Hùng ở Phú Thọ, các kinh đô Việt cổ là cơ sở và nền tảng để có thể xây dựng nên một hành trình hấp dẫn du khách mà ngành Du lịch Hà Nội đang hướng tới.

.Theo Báo Du Lịch

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hồ Núi Một, một lần nên đến…  (10/07/2010)
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có thế mạnh về DL dịch vụ  (10/07/2010)
Bình Định nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế   (07/07/2010)
Khám phá hòn sẹo   (04/07/2010)
Tạo sự chuyển biến về nhiều mặt   (03/07/2010)
Cơ hội hợp tác và phát triển du lịch Bình Định  (26/06/2010)
Cần bước đều cả hai chân  (20/06/2010)
Về thăm đình cổ, đất Tuồng…  (12/06/2010)
Cần tập trung phát triển du lịch  (30/05/2010)
Chưa đi chưa biết Ninh Bình…  (22/05/2010)
Danh thắng Ghềnh Ráng  (18/05/2010)
“Thiên đường du lịch biển, đảo”  (15/05/2010)
Tăng cường quảng bá thu hút du khách   (09/05/2010)
Về Hầm Hô “trốn” nóng  (02/05/2010)
Nhiều chương trình chào mừng ngày Lễ 30.4 và 1.5   (25/04/2010)