Sản phẩm du lịch Việt Nam: Tìm mỏi mắt
16:58', 18/7/ 2010 (GMT+7)

Với 9 di sản văn hóa thế giới, gần 3.000 di tích, thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia và hơn 500 lễ hội của 54 dân tộc… tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất là xây dựng, khẳng định thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù.

 

Khách du lịch quốc tế tham quan phố cổ Hội An. 

 

Tiềm năng nhiều, hạn chế... lắm

Hiện ngành du lịch đóng góp khoảng 5% GDP quốc gia. Từ 1 triệu lao động trực tiếp làm trong lĩnh vực du lịch, sau 9 năm (2001-2009) con số này đã tăng lên 20 lần; lao động gián tiếp ước khoảng 800 nghìn. Du lịch cũng là ngành kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (riêng năm 2009, thu hút 8,8 tỷ USD, chiếm 41%  tổng số vốn đăng ký FDI vào Việt Nam). Mười năm qua, với chương trình hành động quốc gia về du lịch, nhiều cơ sở vật chất được nâng cấp, hình thành các khu du lịch trọng điểm, nhiều ngành kinh tế phát triển nhờ du lịch. Chương trình hành động quốc gia với Năm Du lịch quốc gia được lần lượt tổ chức tại các địa phương đã góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Thông qua các chương trình này, khái niệm du lịch, kinh tế xanh dần dần được định hình.

Tuy nhiên, so với tiềm năng du lịch hiện có thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam hằng năm còn thấp, giữ khoảng cách khá xa so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Du lịch chưa thực sự được đầu tư phát triển tương xứng, kết cấu hạ tầng nói chung còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là chưa có cảng biển chuyên dụng cho khách du lịch tàu biển… Ngoài ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm, môi trường du lịch nhiều nơi bị suy giảm, công tác quản lý tài nguyên du lịch còn ít nhiều hạn chế, tình trạng xâm hại tài nguyên, môi trường của nhiều khu du lịch như Hạ Long, Cát Bà, Huế… đã lên tới mức báo động; hiện tượng chặt chém, chèo kéo du khách… chưa được các địa phương giải quyết triệt để…

Tìm đâu sản phẩm đặc thù?

Mục tiêu thu hút 12 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 35 triệu du khách nội địa vào năm 2020 là không hề đơn giản.

Vấn đề cơ bản của du lịch Việt Nam hiện nay là xây dựng những sản phẩm đặc thù, mang bản sắc Việt Nam. Đến một địa phương nào đều có một sản phẩm du lịch nhất định nhưng để đòi hỏi một độ tinh xảo, khéo léo... thì rất khó. Ở đâu cũng chỉ những tấm thổ cẩm, vài ba sản phẩm thủ công mỹ nghệ… được làm như hàng chợ, chưa thể hiện được "linh hồn" người thợ thủ công vào một sản phẩm làm bằng tay. Điều đáng nói, cả người mua và người bán đều chưa ý thức được vai trò của sản phẩm lưu niệm.

Khi môi trường cạnh tranh du lịch khốc liệt hơn thì muốn thu hút khách du lịch bắt buộc phải tạo nên những giá trị khác biệt. Vậy điều khác biệt, độc đáo của du lịch Việt Nam là gì? Hiện Việt Nam có khoảng 10 sản phẩm du lịch thuộc ba nhóm: Nhóm các sản phẩm du lịch tự nhiên bao gồm du lịch sinh thái; du lịch bãi tắm và du lịch biển... Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa bao gồm du lịch văn hóa vật thể, du lịch văn hóa phi vật thể; du lịch bảo tàng; du lịch ẩm thực… Nhóm du lịch đô thị bao gồm du lịch đô thị cổ, du lịch đô thị hiện đại… Như vậy, Việt Nam sẽ chọn sản phẩm nào làm mũi nhọn phát triển?

Trên thực tế, tài nguyên du lịch biển, tài nguyên du lịch núi và tài nguyên du lịch của 9 di sản văn hóa thế giới với 3 sản phẩm du lịch chủ lực là du lịch biển, du lịch núi và du lịch tham quan các di sản văn hóa thế giới nên là những ưu tiên. Từ đó, nên xây dựng các tour, tuyến du lịch và những khu du lịch trọng điểm. Nhưng với điều kiện tài chính, nguồn lực như hiện nay, ngành du lịch có nên dàn trải? Theo TS Lưu Đức Hải, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), chỉ nên lựa chọn 6 khu du lịch tập trung đầu tư, ưu đãi chính sách nhằm tạo ra 6 khu du lịch thế giới là Phú Quốc, Nha Trang, Vân Đồn - Hạ Long - Cát Bà, Đà Lạt; Tam Đảo và phụ cận, Huế - Hội An.

Chính sách "níu chân"

Cùng với việc xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, cũng cần hình thành một chuỗi chính sách liên ngành. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, một trong những giải pháp được ngành du lịch ưu tiên là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan. Các chính sách cần tập trung đổi mới, hoàn thiện là xuất nhập cảnh, hải quan, thu hút đầu tư du lịch, tài chính, ngân hàng, đầu tư kết cấu hạ tầng và chính sách xúc tiến du lịch.

Đây là những đòi hỏi cấp bách. Nếu không, ngành du lịch khó mà... du lịch nổi bởi không thể "ngồi" mà "gặm" tiềm năng khi "chân cẳng bị bó buộc".

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp nối mùa vui   (18/07/2010)
Hành trình qua các kinh đô  (12/07/2010)
Hồ Núi Một, một lần nên đến…  (10/07/2010)
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có thế mạnh về DL dịch vụ  (10/07/2010)
Bình Định nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế   (07/07/2010)
Khám phá hòn sẹo   (04/07/2010)
Tạo sự chuyển biến về nhiều mặt   (03/07/2010)
Cơ hội hợp tác và phát triển du lịch Bình Định  (26/06/2010)
Cần bước đều cả hai chân  (20/06/2010)
Về thăm đình cổ, đất Tuồng…  (12/06/2010)
Cần tập trung phát triển du lịch  (30/05/2010)
Chưa đi chưa biết Ninh Bình…  (22/05/2010)
Danh thắng Ghềnh Ráng  (18/05/2010)
“Thiên đường du lịch biển, đảo”  (15/05/2010)
Tăng cường quảng bá thu hút du khách   (09/05/2010)