Gắn lễ hội với phát triển du lịch
10:42', 27/2/ 2011 (GMT+7)

Với sự phong phú của hệ thống lễ hội tại Việt Nam, với sự trải dài cả về không gian và thời gian của các lễ hội, sức hấp dẫn với du khách quốc tế do chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc, lễ hội dân gian truyền thống của Việt Nam là một “tài nguyên” vô giá đối với sự phát triển du lịch (DL).

* Mới chỉ thu hút khách nội địa

Theo thống kê của Bộ VH,TT&DL, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, từ quy mô làng, xã đến quốc gia. Trong đó, khoảng 70% lễ hội do cấp xã quản lý, những lễ hội này chỉ thu hút sự tham gia cộng đồng dân cư quanh vùng ở phạm vi hẹp.

Lễ hội được nhìn nhận như một “bảo tàng sống” về đời sống cư dân văn hóa bản địa. Nhất là dịp Xuân về, hàng ngàn lễ hội diễn ra trên cả nước chính là cơ hội để hút khách DL. Tuy vậy, sức thu hút của lễ hội ở Việt Nam chưa lớn.

 

Làm tốt công tác quảng bá lễ hội là một trong những cách thu hút du khách.  Ảnh: dulichdatnghe.com

 

Đối với doanh nghiệp lữ hành miền Bắc làm tour lễ hội, nhìn vào lịch trình tour các doanh nghiệp DL đang chào bán trên thị trường, dễ nhận thấy các tour nhắm vào khách nội địa đến những địa điểm nổi tiếng như: chùa Hương, Yên Tử, chùa Bái Đính, Côn Sơn - Kiếp Bạc... với thời gian ngắn (trung bình 1-2 ngày) và tập trung nhiều vào cuối tuần.

Với khách đoàn trong Nam thì thường gắn kết chương trình du Xuân với các điểm DL cố định từ trước và coi đây là yếu tố kết hợp cho chương trình thêm đa dạng.

* Khách quốc tế chưa mặn mà

Bà Đặng Thị Thọ, Giám đốc Chi nhánh Công ty DL Phượng Hoàng tại Hà Nội, khẳng định: Đa phần khách quốc tế không mặn mà lắm với lễ hội Việt Nam bởi lễ hội ở Việt Nam quá đông người, nhất là hôm chính hội thường quá tải, dẫn đến tình trạng lộn xộn, giao thông ùn tắc, môi trường ô nhiễm...

Với khách phương Tây, tổ chức tour tham gia lễ hội rất khó, bởi chương trình tour thường lên lịch trước 6 tháng, lịch trình khoảng hơn 10 ngày. Trong khi, cũng với thời gian đó, nếu đi tham quan các nơi khác, họ sẽ đi được nhiều điểm hơn. Mà dịp đầu Xuân này, đi đến đâu cũng có lễ hội, trên đường đi, nếu gặp lễ hội, hướng dẫn viên sẽ giới thiệu kết hợp.

Tâm lý khách nước ngoài khi đi DL thường tránh những nơi quá đông và có nhu cầu tìm hiểu, trò chuyện, giao lưu với người dân bản xứ. Có khách quốc tế mê văn hóa Việt Nam, đi lễ hội Đền Hùng năm vừa rồi đã phàn nàn rằng dọc đường tràn ngập túi nylon, rác thải... “Với tình trạng tổ chức lễ hội như hiện nay, có lẽ, 10 năm nữa, lễ hội vẫn chưa thể hấp dẫn khách quốc tế” - bà Thọ nhận định.

* Cần đầu tư có trọng điểm

Với một kho tàng lễ hội phong phú, Việt Nam có thừa tiềm năng để phát triển loại hình DL này. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, muốn đưa lễ hội trở thành một sản phẩm DL vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, từ công tác tổ chức đến cách quảng bá, phải thật bài bản và chuyên nghiệp. Thế nhưng, cả hai điều kiện cần và đủ trên, chúng ta đều chưa làm được.

Một thực tế buồn là chúng ta thừa các lễ hội đặc sắc nhưng lại đang thiếu một chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực DL cũng như văn hóa, cần có một chiến lược hợp lý trong việc đầu tư cho các lễ hội. Không nên đầu tư dàn trải, mà chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng, rồi từ đó, xây dựng thành sản phẩm “đinh” và đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp.

Việc tổ chức lễ hội thành công, thu hút nhiều du khách sẽ tạo nguồn thu cho địa phương. Việc lấy lễ hội “nuôi” lễ hội sẽ giúp các địa phương có nguồn kinh phí ổn định để tiếp tục duy trì và phát triển lễ hội ngày một tốt hơn. Trên thực tế, việc đầu tư cho lễ hội đã mang lại những hiệu quả khá thiết thực. Lào Cai là một ví dụ. Từ khi 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ tổ chức chương trình DL về nguồn, thì lượng khách đến Lào Cai bình quân đã tăng 25-35%.

Ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình hành động quốc gia DL từ năm 2000, để phát triển sản phẩm DL mới gắn với các lễ hội truyền thống, ngành DL đã chọn 15 lễ hội tiêu biểu cho các vùng, miền, các dân tộc; trong đó, có lễ hội Xuống đồng (Lồng tồng) của người Tày, lễ hội Katê của người Chăm, lễ hội Ooc Om bok của người Khmer... để đầu tư, chuẩn hóa thông tin, kịch bản với mục đích vừa tôn trọng tính truyền thống đặc sắc của lễ hội, vừa bảo đảm tính khoa học trong công tác tổ chức, đáp ứng yêu cầu của du khách.

* Tìm lại những giá trị nguyên gốc

Theo bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục DL, thời gian qua, việc khai thác các lễ hội văn hóa của các vùng dân tộc thiểu số để phát triển DL còn hạn chế; một phần là do công tác quản lý, tổ chức các lễ hội còn bất cập. Một số lễ hội ngày càng bị mất đi giá trị nguyên gốc, bị sân khấu hóa, bổ sung, xen kẽ những yếu tố hiện đại, lai căng không phù hợp.  Một số lễ hội mang tính chất tâm linh, thần bí, có sự tham gia quá ồn ào làm ảnh hưởng đến không gian, tính chất lễ hội, nên không nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư địa phương. Thậm chí, có lễ hội còn được tổ chức tràn lan, bị thương mại hóa, gây bức xúc trong dư luận.

Theo bà Điệp, để lễ hội dân gian trở thành một sản phẩm DL hấp dẫn, ngành văn hóa cần kết hợp với ngành DL, chính quyền địa phương rà soát lại, sau đó, căn cứ vào quy mô, tính chất, thời gian, địa điểm và các điều kiện về cơ sở vật chất, chọn 20-30 lễ hội đưa vào khai thác với yêu cầu khi tổ chức, các lễ hội này phải đảm bảo những giá trị nguyên gốc, không bị lai căng, sân khấu hóa. 

  • N.V (Theo Tintuc)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bầu chọn Vịnh Hạ Long đã vào cuộc đua nước rút   (24/02/2011)
Hứa hẹn “bội thu”  (12/02/2011)
Du khách Nga bỏ Ai Cập để quay sang Việt Nam  (10/02/2011)
Du lịch dịp Tết Tân Mão: Khởi đầu suôn sẻ  (06/02/2011)
Khách sạn kín chỗ  (30/01/2011)
Du Xuân cùng các công ty lữ hành  (30/01/2011)
Phát huy hệ thống tháp Chăm trong hoạt động du lịch  (29/01/2011)
Xếp hạng cấp quốc gia cho Vịnh Xuân Đài  (27/01/2011)
Du lịch Việt Nam có biểu tượng mới  (28/01/2011)
Đi tìm bản sắc   (22/01/2011)
Các nước Đông Nam Á làm phóng sự quảng bá du lịch  (21/01/2011)
Du lịch bằng trực thăng đến các đảo miền Trung  (19/01/2011)
Bình Định đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái  (19/01/2011)
Một năm nhiều thắng lợi  (16/01/2011)
Năm thắng lợi “vàng” của ngành du lịch Việt Nam  (08/01/2011)