Năm 2011 được chọn là Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ với chủ đề “Du lịch biển, đảo”. Tuy không thể sánh kịp tốc độ phát triển du lịch ở hai đầu đất nước, nhưng vài năm gần đây, một số tỉnh Nam Trung bộ đã phát huy lợi thế về biển đảo và sự đa dạng văn hóa, lịch sử để vươn lên thành điểm đến hấp dẫn. Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ đang được kỳ vọng là cú hích để du lịch vùng khởi sắc và phát triển mạnh hơn. Báo Bình Định giới thiệu loạt bài viết về “Thiên đường du lịch biển đảo” của đất nước nhân sự kiện này.
Bài 1: Kỳ thú vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa
Duyên hải Nam Trung bộ có đường bờ biển dài hơn 800 km với hàng trăm vịnh, đảo đẹp cùng những bãi tắm cát trắng nước trong xanh. Du lịch đến đây không chỉ được vui chơi thỏa thích tại các khu nghỉ dưỡng, khám phá sự quyến rũ của những biển đảo hoang sơ, tự nhiên mà còn có cơ hội tìm về những di sản văn hóa rất đặc trưng Nam Trung bộ.
|
Bãi tắm Hoàng hậu (Bình Định) độc đáo với bãi đá cuội xanh và nhẵn bóng như những quả trứng khổng lồ. (Ảnh: NT)
|
Quyến rũ cùng biển xanh, cát trắng
Biển xanh cát trắng là điều người ta thường nghĩ đến khi nhắc tới biển, đảo Nam Trung bộ. Dọc các tỉnh thành trong khu vực (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), đâu đâu cũng có thể nhìn thấy những bờ biển dài từ vài chục đến vài trăm ki lô mét với phong cảnh hữu tình, môi trường trong lành. Biển Nha Trang (Khánh Hòa) từ lâu đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng với các bãi tắm đẹp và khu nghỉ dưỡng cao cấp, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước tìm đến. Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận đã bắt đầu phát huy lợi thế các bãi biển, vịnh, đảo đẹp của mình, lấy đó làm điểm tựa để hình thành các khu nghỉ dưỡng. Đồng thời, tích cực đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ phong phú với nhiều trò chơi hấp dẫn như lướt ván, lướt sóng, câu cá, lặn biển ngắm san hô…
Duyên hải Nam Trung bộ còn có rất nhiều bãi biển hoang sơ, dân dã như biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) có bờ cát trắng dài 5-6 km cùng với những hóa thạch của tầng văn hóa Sa Huỳnh, biển Ninh Chữ, biển Cà Ná (Ninh Thuận) có núi bao quanh thuận lợi tổ chức tour du lịch biển kết hợp leo núi, chơi rừng. Phú Yên có Đầm Cù Mông, Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, Vịnh Vũng Rô… vừa mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ vừa gắn với nhiều di tích lịch sử, văn hóa.
Đất Võ Bình Định có Bãi tắm Hoàng Hậu rất đặc biệt, vì nơi đây không có cát mà chỉ toàn đá cuội xanh và nhẵn bóng, được người dân địa phương gọi là Bãi trứng. Bãi tắm Hoàng hậu nằm bên đồi Thi Nhân và mộ Hàn Mặc Tử tạo sự hòa quyện rất đặc trưng giữa không gian biển và không gian thi ca.
Nếu bước ngược chiều gió mặn, về với những bãi biển cát vàng mịn màng của đất Võ sẽ khám phá được sự ấm áp, hiền hòa quanh năm của biển Vĩnh Hội nhờ mỏm núi ăn sâu ra phía ngoài biển che chắn. Ở những bãi ngang vươn mình ra đại dương đón nắng gió như biển Trung Lương, Nhơn Lý thì gió biển luôn rầm rì kể chuyện trên những hàng dương. Vươn người hít một hơi thật sâu căng lồng ngực, bạn sẽ sảng khoái cảm nhận hương biển lan tỏa khắp cơ thể.
Vùng vẫy trong làn nước xanh ngắt hay thong thả dạo bước trên những bãi cát vàng, nghe gió biển vi vu, sóng biển rì rầm kể chuyện đời xưa, ngắm bình minh đỏ rực buổi sớm mai hay hoàng hôn tím ngắt chiều biển vắng, mờ xa đàn hải âu đang mê mải tung cánh. Nếu bạn là người lãng mạn thì lòng sẽ hoài mang nỗi nhớ một khi đến với biển đảo Nam Trung bộ.
|
Tháp Đôi (Bình Định) là cụm tháp có kiến trúc Chăm rất độc đáo. (Ảnh: NT)
|
Độc đáo di sản văn hóa
Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, từ Bình Thuận đến Quảng Nam đều có đền tháp Chămpa. Qua hàng trăm năm tồn tại, dù bị xuống cấp ít nhiều, nhưng các tháp Chăm vẫn lung linh nét huyền ảo, như Nhóm đền tháp Poshanu (Bình Thuận), Quần thể tháp Poklongarai (Ninh Thuận), Tháp Bà Ponagar (Nha Trang), Tháp Nhạn (Phú Yên). Quảng Nam có Thánh địa Mỹ Sơn đã được công nhận di sản văn hóa thế giới. Mỹ Sơn là một tổng thể kiến trúc gồm 70 đền tháp Chăm và một số lớn bia ký có niên lịch liên tục qua nhiều thế kỷ từ IV-XIII, trong đó nhiều nhất vào khoảng thế kỷ VI-IX.
Ngoài Mỹ Sơn, Bình Định là nơi tập trung số lượng và quy mô kiến trúc tháp Chăm nhiều và tương đối nguyên vẹn nhất trong khu vực, với 8 cụm tháp gồm 14 kiến trúc có niên đại từ cuối thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Các cụm tháp ở Bình Định có đủ mặt mọi loại hình trong các nhóm kiến trúc tháp Chăm hiện còn.
Một di sản văn hóa khác của khu vực là đô thị cổ Hội An (Quảng Nam). Từ cuối thế kỷ 16, nơi này là thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong, nơi các thương thuyền của Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan... đến trao đổi, mua bán hàng hóa qua các triều đại chúa Nguyễn. Hội An là một quần thể kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ… và những con phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Đây được xem là một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị cổ.
Duyên hải Nam Trung bộ còn được biết đến là nơi phát tích những câu dân ca Bài chòi mượt mà và các vở tuồng cổ hùng tráng. Hy vọng đây sẽ là những di sản văn hóa tiếp theo của vùng. Về đây, du khách được ngắm biển xanh cát trắng, vui thú khám phá những di sản văn hóa của nhân loại và hiểu về các loại hình nghệ thuật độc đáo của cha ông xưa.
(Kỳ sau, bài 2: Đậm đà văn hóa vùng biển) |