Duyên hải Nam Trung bộ - “Thiên đường Du lịch biển đảo”:
Bài 2: Đậm đà văn hóa vùng biển
16:59', 4/3/ 2011 (GMT+7)

Duyên hải Nam Trung bộ sở hữu những nét văn hóa biển đa dạng, phong phú, thể hiện qua nếp sinh hoạt, ứng xử hàng ngày cùng đời sống tâm linh và văn hóa ẩm thực nơi đây.

 

Lễ hội Cầu ngư là nét văn hóa không thể thiếu ở các làng biển Nam Trung bộ. (Trong ảnh: Lễ hội Cầu ngư tại thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước-Ảnh: NT).

 

Đặc trưng văn hóa: Mộc mà tinh

Thực tế cho thấy, văn hóa biển ở miền Trung, đặc biệt là vùng duyên hải Nam Trung bộ đậm đặc hơn so với hai đầu đất nước. Nhiều giả thuyết cho rằng, sở dĩ vậy là vì miền Trung ít ruộng đồng, ao hồ trong khi vùng biển lại lắm tôm, cá. Và người Việt ở miền Trung đã sớm hướng ra biển để kiếm sống.

Dọc các làng chài của Nam Trung bộ, từ tờ mờ sáng, các cô các chị đã í ới rủ nhau ra biển để đón thuyền đánh cá trở về. Những chiếc thúng đựng đầy cá tôm còn sống thi nhau quẫy đạp, qua những đôi tay rắn chắc chuyền lần vào bờ. Tiếng sóng vỗ ì oàm lẫn trong tiếng cười nói rộn rã, bắt đầu một ngày mới đầy vui tươi của làng chài.

Những ai đến làng chài lần đầu, hẳn sẽ ngạc nhiên nhìn thấy những con đường nhỏ (có chỗ chỉ vừa đủ một chiếc honda đi qua) chằng chịt trong khu dân cư. Hỏi thăm một người qua đường chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời rất chát tai và cộc lốc. Xin đừng thấy phiền vì đó là nét văn hóa đặc trưng của vùng biển. Bởi ngoài khơi xa, giữa tiếng sóng gió ồn ào, những ngư dân - người đầu thuyền, kẻ cuối thuyền, đã quen nói to để thông tin với nhau. Vậy nên họ mới có biệt danh là người “ăn đầu sóng, nói đầu gió”. Có điều, họ cục mịch mà chân thành, thô cộc mà nhân ái bao dung. Dù đi khơi hay về lộng, nghề đánh bắt cá luôn đòi hỏi sức mạnh của tập thể. Tính chất nghề nghiệp ấy đã tạo nên nét đẹp trong đời sống văn hóa - là sự chân tình, gắn kết, tương thân tương ái với nhau.

Làng chài nào cũng có Lăng Ông Nam Hải. Nơi đó cải táng hài cốt của cá voi mà ngư dân gọi là “Ông”. Họ tin rằng, “Ông” là thần hộ mệnh của họ vì giữa lúc sóng to gió lớn, “Ông” thường cận kề bên mạn thuyền che chắn và dìu thuyền vào bờ an toàn. Hàng năm, các làng chài tổ chức Lễ hội cầu ngư (còn gọi là Lễ tế Ông Nam Hải) trong 3-5 ngày, vào khoảng từ tháng Giêng đến tháng Năm âm lịch, để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, một mùa đánh bắt thắng lợi, đời sống ngư dân no ấm.

Nét đặc sắc trong lễ hội cầu ngư là những màn hát múa chèo bả trạo với các làn điệu hò, vè, nói lối, hát nam, hát khách và một thứ không thể thiếu - hát bội. Bao năm qua, chính những người dân vùng biển thô mộc này đã góp công rất lớn trong việc giữ gìn nghệ thuận hát bội, một đặc sản của Bình Định và là vốn quý di sản văn hóa.

Ngoài lễ hội cầu ngư được xem là lễ hội lớn nhất trong năm, các làng chài Nam Trung bộ còn duy trì những lễ thức cúng thuyền rất đặc trưng vào nhiều dịp: hạ thủy thuyền mới, trước khi ra khơi đánh bắt, khi đang đánh bắt, thuyền trở về bến an toàn, thuyền thoát nạn hiểm, thuyền không được nhiều tôm cá (xả xui)...

Chầm chậm thả bước trên những bãi cát vàng đầy nắng, nhìn thấy từng tốp thanh niên, vai trần trùng trục, tóc và da sạm màu nắng, vác mái chèo cùng bộ lưới mới trên vai, thẳng tiến ra biển, bắt đầu một ngày đánh bắt mới với hy vọng sớm mai lại quay về với tôm cá đầy khoang. Đời sống dân chài là vậy. Vui nhiều, buồn đau cũng không ít. Nhưng một khi đã gắn bó rồi thì không mấy người bỏ biển. Hàng trăm năm qua, những làng chài Nam Trung bộ bé nhỏ, hiền và lành ấy đã lặng lẽ góp phần tạo nên những nét văn hóa biển rất đặc trưng, làm phong phú dòng chảy văn hóa của dân tộc.

 

Bún chả cá Quy Nhơn (Bình Định) là món ăn yêu thích của nhiều du khách (Ảnh: NT).

 

Ẩm thực: Phong phú hương vị biển

Nếu đang lang thang trên những bãi biển đầy cát vàng mà bỗng dưng thấy đói bụng thì bạn có thể ghé vào bất cứ hàng quán nào nhìn thấy bên đường để thưởng thức những món hải sản tươi sống với giá rẻ bất ngờ. Đặc sản của biển đảo Nam Trung bộ phải kể đến: mực một nắng nướng lên thơm lừng mũi cái mùi của nắng gió và biển cả, món cháo hàu ngọt lịm đôi môi rồi thấm dần xuống cổ, món gỏi cá làm hài lòng người sành ăn bởi vị ngọt của cá tươi, vị béo của đậu phộng, vị đậm đà của nước mắm và vị tươi của các loại rau xanh. Nếu về với biển vào độ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, bạn sẽ được thưởng thức món sứa - nấu bún, trộn hoặc làm gỏi đều ngon.

Theo dòng ẩm thực miệt biển, đến Bình Thuận nhớ thưởng thức món bánh xèo nhân hải sản tươi sống (tôm, mực), giữa một ngày mưa lất phất bay hay trong tiết se lạnh của phố biển về khuya thì không món gì có thể sánh bằng. Các làng biển của Ninh Thuận xưa nay vẫn tự hào về đặc sản cháo cá Nức ngọt lừ của mình. Khánh Hòa, người bạn láng giềng, cũng không kém tự hào về món cháo tôm hùm Bình Ba từ lâu đã đi vào ca dao “Yến sào Hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh”. 

Đi ngang tỉnh Phú Yên, đoạn qua Sông Cầu, nhiều người không cầm lòng được khi nghe tiếng cá quẫy, tiếng tôm búng trong lồng, đìa của những quán hải sản dọc bên đường. Thế nhưng, đặc sản vùng này lại là ghẹ, có thể ăn luộc, rang muối hoặc nướng vỉ.

Đến Bình Định, món “cửa miệng” của du khách thường là “bún chả cá”. Chả cá Bình Định có hai loại: chả nướng và chả luộc, loại nào cũng thơm, ngon. Một đặc sản được yêu thích khác là cua huỳnh đế, nhưng phải đúng loại ở vùng biển Tam Quan và Đề Gi.

Nếu ra Quảng Ngãi dùng cơm đừng quên gọi món cá bống sông Trà rim với nước mắm cá cơm và thử qua món mắm nhum đặc sản quý hiếm nhé. Nhớ yêu cầu một dĩa tỏi Lý Sơn, thứ tỏi ăn vào cay cay và thơm lừng đầu lưỡi.

Không quá cầu kỳ trong chế biến, món ngon miền biển Nam Trung bộ dân dã nhưng đậm đà hương vị tự nhiên. “Thơm, ngon, bổ, rẻ” là nhận xét của khá nhiều người từng thưởng thức miền ẩm thực này. Thoải mái lựa chọn - xìa, ghẹ hay tôm cua cá mực, ăn hấp, luộc, nướng, xào hoặc nấu lẫu đều ngon, vị thơm ngọt của hải sản hòa lẫn vị cay nồng mặn chát của gia vị lan tỏa trong vòm miệng chắc chắn sẽ làm hài lòng những du khách sành ăn nhất. Hải sản khô còn là quà tặng rất ý nghĩa cho những chuyến trở về.

  • NGỌC TÚ

(Kỳ tới, bài 3: Bài toán liên kết phát triển du lịch)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch bằng đường sắt: Vì sao kém hấp dẫn du khách?   (04/03/2011)
Duyên hải Nam Trung bộ - “Thiên đường Du lịch biển đảo”  (02/03/2011)
Hawaii - Điểm du lịch trăng mật hàng đầu thế giới  (28/02/2011)
Khai mạc chương trình du lịch “Về cội nguồn 2011”  (27/02/2011)
Gắn lễ hội với phát triển du lịch  (27/02/2011)
Bầu chọn Vịnh Hạ Long đã vào cuộc đua nước rút   (24/02/2011)
Hứa hẹn “bội thu”  (12/02/2011)
Du khách Nga bỏ Ai Cập để quay sang Việt Nam  (10/02/2011)
Du lịch dịp Tết Tân Mão: Khởi đầu suôn sẻ  (06/02/2011)
Khách sạn kín chỗ  (30/01/2011)
Du Xuân cùng các công ty lữ hành  (30/01/2011)
Phát huy hệ thống tháp Chăm trong hoạt động du lịch  (29/01/2011)
Xếp hạng cấp quốc gia cho Vịnh Xuân Đài  (27/01/2011)
Du lịch Việt Nam có biểu tượng mới  (28/01/2011)
Đi tìm bản sắc   (22/01/2011)