Duyên hải Nam Trung bộ - “Thiên đường Du lịch biển, đảo”:
Bài 3: Bài toán liên kết phát triển du lịch
15:48', 9/3/ 2011 (GMT+7)

Vùng duyên hải Nam Trung bộ, từ Bình Thuận đến Đà Nẵng có nhiều bãi biển đẹp và những nét văn hóa đa dạng, độc đáo. Tuy nhiên, cách phát triển manh mún như hiện nay của các địa phương có nguy cơ dẫn đến sự chồng chéo sản phẩm du lịch, khó tạo được tính đặc trưng cho từng địa phương. Liên kết, hỗ trợ nhau để phát triển du lịch bền vững và mạnh mẽ hơn là điều cần và nên làm. 

 

Nhiều tàu du lịch quốc tế chở theo hàng trăm du khách các nước cập cảng Quy Nhơn để khách đi tham quan danh thắng địa phương.

 

Đi tìm sự khác biệt

Điều dễ nhận thấy là du lịch Nam Trung bộ phát triển không đồng đều. Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận sớm biết phát huy lợi thế nên đã trở thành những thương hiệu du lịch có tiếng và là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước những năm qua. Trong khi đó, thế mạnh du lịch của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận phần lớn vẫn còn ở dạng tiềm năng.

Một hướng dẫn viên của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, khách thường từ TP. Hồ Chí Minh đi Mũi Né (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa) rồi ra Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam) và Đà Nẵng. Nếu di chuyển bằng đường bộ cũng chỉ ghé Quy Nhơn (Bình Định) để nghỉ đêm. Lâu nay, các điểm du lịch ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và Ninh Thuận chưa được các công ty lữ hành quan tâm nhiều vì hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, hạ tầng du lịch cùng các điểm tham quan chưa được đầu tư và chất lượng dịch vụ còn yếu.

Một điều khác cũng dễ nhận thấy là dù biển, đảo Nam Trung bộ giàu tiềm năng phát triển du lịch nhưng khi lợi thế rải đều ở cả 8 tỉnh thành thì việc tạo nét khác biệt về biển của mỗi địa phương là chuyện không dễ. Đâu đâu cũng biển xanh, cát trắng, rồi hải sản thơm ngon bổ rẻ. Tour du lịch về với biển ở các nơi cũng chỉ loanh quanh ở những dịch vụ như: tắm biển, lặn biển ngắm san hô, lướt ván...

Nếu cứ tiếp tục phát triển du lịch theo như cách hiện nay, nghĩa là “mạnh ai nấy làm” thì sản phẩm du lịch không tránh khỏi bị chồng chéo, trùng lắp, tạo sự nhàm chán với du khách, gây tâm lý “nơi này, nơi kia cũng na ná nhau thôi”.

Dọc các bờ biển, những khu nghỉ dưỡng thi nhau mọc lên, điều này ít nhiều gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan thiên nhiên của biển. Dù có ý thức tạo cho mình những nét mới lạ, độc đáo, nhưng điều này có chăng chỉ là ở kiến trúc nhà, vườn, còn sản phẩm, dịch vụ du lịch ở các khu nghỉ dưỡng hầu như đều giống nhau.

 

Bảo tàng Quang Trung là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách đến Bình Định.

 

Liên kết để phát triển

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường thuộc Tổng cục Du lịch cho rằng, các địa phương cần liên kết để tạo ra những sản phẩm mang tính liên vùng nhằm hỗ trợ nhau phát triển. Việc liên kết còn giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khắc phục tình trạng sản phẩm đơn điệu do phát triển manh mún. Nhờ đó, kéo dài thời gian lưu trú và kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL Bình Định nhìn nhận: Tài nguyên du lịch của Bình Định khá đa dạng, phong phú. Thế nhưng, sản phẩm du lịch hiện tại vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Còn ông Lê Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thì thừa nhận với bờ biển kéo dài và nhiều vịnh, đầm thì sản phẩm du lịch chính của Phú Yên là du lịch biển, đảo. Do phát triển sau, nên các bãi biển còn khá hoang sơ, vì vậy, tỉnh Phú Yên đã xác định, sẽ đặc biệt chú ý đến môi trường để phát triển bền vững. Với từng sản phẩm du lịch cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại các điểm du lịch sẽ chủ động liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước để tạo sản phẩm kéo khách đến. Có thể tính đến việc liên kết theo từng cụm như Nha Trang - Phú Yên - Bình Định hay Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên...

Để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, liên hoàn, đa dạng, khai thác đúng tiềm năng thế mạnh vốn có và vạch ra quy hoạch phát triển chung tránh sự chồng chéo, trùng lắp, việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh thành duyên hải Nam Trung bộ, vì vậy, đang trở thành chuyện tất yếu.

  • NGỌC TÚ

(Kỳ tới, bài 4: Gợi mở một hướng đi)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch Việt Nam - cho hải âu tung cánh  (09/03/2011)
Năm du lịch "Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới"  (08/03/2011)
Hội An lọt vào top 10 thành phố du lịch hàng đầu thế giới  (08/03/2011)
Đâu là “rào cản”?  (07/03/2011)
Miền Trung phát triển sản phẩm du lịch từ mùa mưa  (06/03/2011)
Huy động tổng lực vào cuộc bầu chọn Vịnh Hạ Long  (05/03/2011)
Bài 2: Đậm đà văn hóa vùng biển  (04/03/2011)
Du lịch bằng đường sắt: Vì sao kém hấp dẫn du khách?   (04/03/2011)
Duyên hải Nam Trung bộ - “Thiên đường Du lịch biển đảo”  (02/03/2011)
Hawaii - Điểm du lịch trăng mật hàng đầu thế giới  (28/02/2011)
Khai mạc chương trình du lịch “Về cội nguồn 2011”  (27/02/2011)
Gắn lễ hội với phát triển du lịch  (27/02/2011)
Bầu chọn Vịnh Hạ Long đã vào cuộc đua nước rút   (24/02/2011)
Hứa hẹn “bội thu”  (12/02/2011)
Du khách Nga bỏ Ai Cập để quay sang Việt Nam  (10/02/2011)