Dù biển, đảo là lợi thế phát triển du lịch của Nam Trung bộ, nhưng nếu gắn các khu nghỉ dưỡng lại thành một tuyến thì e sẽ khó đạt kết quả như mong đợi. Các địa phương nội vùng cần chọn những sản phẩm có khả năng liên kết theo từng chuyên đề nổi bật, đồng thời chú trọng phát huy thế mạnh của riêng mình để những sản phẩm du lịch thực sự có sức hút với du khách.
|
Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam đã 3 lần tổ chức tại “đất Võ” Bình Định.
|
Liên kết theo chuyên đề
Duyên hải Nam Trung bộ có nhiều bãi biển đẹp. Đây cũng là vùng đất đa dạng trầm tích văn hóa, lịch sử. Nếu kết hợp tốt giữa du lịch biển với những yếu tố văn hóa, lịch sử sẽ tạo ra được những sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch (Tổng Cục Du lịch) cho rằng: “Mỗi tỉnh phải biết chọn ra những chuyên đề du lịch nổi bật rồi liên kết lại với nhau. Chẳng hạn, tìm hiểu văn hóa Chămpa qua các thời kỳ, theo dấu chân thần tốc của Vua Quang Trung, khám phá các đảo ven bờ, khám phá di tích lịch sử cách mạng Việt Nam, hay tổ chức đua thuyền liên tỉnh... Được như vậy, du khách khi đến với Nam Trung Bộ sẽ ở lại lâu hơn, các tỉnh sẽ thu được nhiều tiền hơn, quảng bá được các sản phẩm du lịch, góp phần khai thác hợp lý và hiệu quả nhất tiềm năng du lịch của vùng”.
Trước mắt, để khởi đầu thuận lợi, có thể tính đến việc liên kết theo chuyên đề ở từng cụm. Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã xây dựng những tuyến du lịch liên kết với ngoài tỉnh như Đà Nẵng để đón du khách quốc tế đến bằng đường biển, hàng không thông qua cảng Đà Nẵng. Hiện tỉnh đang triển khai xây dựng tuyến liên kết với Quảng Ngãi để đưa du khách tham quan, khám phá các danh lam, thắng cảnh giữa 2 địa phương bằng đường biển. Nếu phối hợp tốt, đây sẽ là sản phẩm du lịch hết sức độc đáo và hấp dẫn trong tương lai.
Để liên kết có hiệu quả, các địa phương cần trao đổi kinh nghiệm trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch của địa phương, nhất là đối với những vùng giáp ranh giữa các tỉnh. Đồng thời liên kết phát triển hạ tầng giao thông, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tới các điểm du lịch trọng điểm.
|
Bình Định có nhiều làng nghề hàng trăm tuổi. Trong ảnh: Làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, huyện An Nhơn.
|
Phát huy thế mạnh địa phương
Bên cạnh việc liên kết nhằm giúp nhau phát triển, các địa phương cũng cần quan tâm phát huy những đặc thù văn hóa và du lịch sinh thái độc đáo của riêng mình để cạnh tranh và tạo sự khác biệt. Chẳng hạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp thì Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam... đều có, nhưng chỉ duy nhất Bình Định mới có Bảo tàng Quang Trung, nhạc võ Tây Sơn và võ cổ truyền Bình Định.
Dọc tuyến từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, hầu như địa phương nào cũng có các danh thắng, di tích mang giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh và nghỉ dưỡng như danh thắng Bà Nà, làng đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), Phố cổ Hội An (Quảng Nam), Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, danh thắng Núi Ấn - Sông Trà, mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, Khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), Khu du lịch Ghềnh Ráng, Đồi thi nhân, Mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử, Bãi Trứng (Bình Định), Di tích lịch sử tàu “không số” Vũng Rô, Gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện (Phú Yên), Suối bùn khoáng Tháp Bà, Viện Hải dương học (Nha Trang)...
Một số địa phương đã xây dựng sẵn những tour du lịch độc đáo cho mình như tour Về miền đất Võ, Đến với làng nghề, Lên rừng xuống biển (Bình Định), tour Câu cá cùng ngư dân ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), tour Một ngày làm cư dân phố Hội với nghề làm đèn lồng (Quảng Nam), tour Du ngoạn biển về đêm, Lặn biển (Nha Trang)...
Tháng 12.2010, Tổng cục Du lịch đã tổ chức một cuộc khảo sát nhằm quảng bá năng lực du lịch của 6 tỉnh, thành phố Nam Trung bộ gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng. Đây là một trong những hoạt động Tổng cục tiến hành để chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung bộ do tỉnh Phú Yên đăng cai vào năm 2011.
Bà Thanh Hương cho biết: “Chúng tôi đã lựa chọn các điểm du lịch chính của các địa phương gồm: các khu nghỉ dưỡng ven biển; các cơ sở vui chơi giải trí; các điểm di tích văn hóa, di tích lịch sử, di tích cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch núi, chú trọng đến những đặc trưng của mỗi địa phương. Chẳng hạn, đến Bình Định thì tham quan Bảo tàng Quang Trung, xem biểu diễn nhạc võ, thăm Khu du lịch Ghềnh Ráng, viếng mộ Hàn Mặc Tử, tham quan cầu Thị Nại… Đây chỉ là tuyến du lịch mang tính gợi ý để các hãng lữ hành tham khảo, tính toán. Các địa phương có thể tham chiếu, để từ đó vạch ra kế hoạch phát triển du lịch của mình trong tương lai. Hy vọng, nếu được khai thác hợp lý, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và các địa phương nội vùng sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương trong những năm tới”.
(Kỳ cuối, bài 5: “Cú hích” từ Năm Du lịch Quốc gia) |