Muốn phát triển du lịch (DL) một địa phương, phải dựa vào tài nguyên DL sẵn có hoặc tạo ra sản phẩm của riêng địa phương đó, khác biệt với những sản phẩm đang có thế mạnh của địa phương khác. Báo Bình Định xin giới thiệu bài viết dưới đây, cũng là ý kiến riêng của tác giả Hồ Minh Kính (TP Quy Nhơn) về việc tổ chức giải thi đấu võ tự do nhằm tăng thêm sản phẩm mới, thu hút du khách đến Bình Định.
|
Đấu võ tự do ở Tây Sơn. Ảnh: Huyền Trân
|
* Phát triển DL võ thuật - tại sao không?
Có thể thấy rằng, tài nguyên DL của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ khá tương đồng. Về biển đảo, tỉnh nào cũng có, nhưng Khánh Hòa mạnh nhất; văn hóa Chăm thì Quảng Nam và Ninh Thuận nhiều lợi thế; làng nghề tỉnh nào cũng có, rải rác và ít hấp dẫn. Như vậy, có thể thấy, về tài nguyên DL thiên nhiên, Bình Định khó nổi trội hơn các tỉnh khác; cơ sở vật chất cũng chưa có gì nhiều, chưa có di sản tầm cỡ thế giới được công nhận. Vậy tài nguyên, sản phẩm DL đặc trưng của Bình Định là gì? Nét nào là nét duyên, độc đáo không lẫn vào đâu được của Bình Định? Theo tôi, sản phẩm riêng, độc đáo của DL Bình Định chính là võ thuật Bình Định.
Nói đến Bình Định, mọi người nghĩ ngay đến một vùng “đất võ, trời văn”, một trong những cái nôi của tinh hoa võ thuật Việt Nam, có nhiều môn phái, võ đường, người dân yêu thích võ thuật, có tinh thần thượng võ. Từ tinh hoa đó, tỉnh ta đã 3 lần tổ chức Festival Quốc tế võ cổ truyền, có sẵn kinh nghiệm và đội ngũ tổ chức giải thi đấu võ thuật.
Đã từ lâu, những bộ môn thể thao có sức hút mạnh mẽ với nhiều người tạo cơ hội kinh doanh cực kỳ hấp dẫn. Ở Việt Nam, bóng đá đang là môn “thể thao vua”, nhưng võ thuật cũng hấp dẫn không kém. Nếu với bóng đá, nhiều cầu thủ giỏi đã trở thành tỉ phú, sống đàng hoàng bằng nghề đá bóng; vậy tại sao, những võ sĩ danh bất hư truyền của Bình Định lại không được vậy. Tôi cho rằng, lý do là chúng ta chưa tổ chức được sân chơi chuyên nghiệp cho võ thuật.
Với lịch sử, truyền thống, nguồn nhân lực, kinh nghiệm, cơ sở vật chất đã có sẵn, nếu tỉnh ta có chủ trương, chọn được một nhà tổ chức tốt, thì sân chơi võ thuật sẽ thành hiện thực. Với mong muốn hiến kế để phát triển DL tỉnh nhà, tôi mạnh dạn nêu lên ý tưởng tổ chức kinh doanh thi đấu võ tự do tại Quy Nhơn.
Ngày nay, sự tương tác giữa các đài truyền hình với các tổ chức thể thao và các công ty đã biến việc kinh doanh thể thao trở thành siêu lợi nhuận. Truyền hình mua bản quyền, bán quảng cáo, quảng bá, mang trận đấu trực tiếp đến với khán giả. Điển hình tại Việt Nam là sự ra đời của các kênh truyền hình giải trí như VTC3, K+… và đặc biệt là nhà đài AVG thuộc tập đoàn Vincom cùng sự kiện mua bản quyền V-League 20 năm kể từ năm 2011. Truyền hình cho phép giải không cần được tổ chức ở các trung tâm lớn, không cần lượng khán giả trực tiếp đến sân nhiều.
Đề án cá cược bóng đá đã trình lên Chính phủ, hy vọng sẽ được xét chấp thuận. Nếu bóng đá làm được, thì trong tương lai, cá độ võ thuật cũng sẽ được chấp nhận và sẽ là một nguồn thu đáng kể cho giải. Tôi cho rằng, thời cơ làm DL bằng kinh doanh sàn thi đấu võ thuật tại Quy Nhơn theo định kỳ, có truyền hình trực tiếp, đang đến như một tất yếu, khi chủ trương của Nhà nước là xã hội hóa sự nghiệp thể thao, của tỉnh nhà là DL võ thuật.
Trộm nghĩ, tâm lý du khách, dù mang quốc tịch nào cũng vậy, danh lam thắng cảnh chỉ đến một đôi lần, nhưng hoạt động giải trí thì bao nhiêu lần cũng chưa đủ. Thái Lan có giải thi đấu Muay Thái quanh năm nổi tiếng khắp thế giới, Nhật Bản có giải K1, các nước khác ở châu Á đều có giải thi đấu quyền Anh hay võ tự do tương tự như Muay Thái. Mỗi loại hình võ thuật có sức hấp dẫn riêng, nhưng để kinh doanh giải, theo tôi, chỉ có quyền Anh (boxing) và đặc biệt hấp dẫn là võ tự do (kick-boxing).
Từ những phân tích trên, tôi đề xuất: Tổ chức kinh doanh giải thi đấu võ tự do (kick-boxing) tại Quy Nhơn, có truyền hình trực tiếp. Đây sẽ là cơ hội để các võ đường, võ sĩ sống được với nghiệp võ; đồng thời, góp phần phát triển võ thuật Bình Định và quảng bá DL Bình Định.
* Các đề xuất cụ thể
Để làm được vậy, trước tiên, cần xây dựng điều lệ giải thật chi tiết, khoa học, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều lệ giải cần bảo đảm tính đối kháng hấp dẫn của võ tự do như: thi đấu trên sàn đài, võ sĩ ở trần, không mặc quần dài, không mang bảo hộ đầu…; đăng ký đơn vị thi đấu theo võ đường để tăng tính “màu cờ, sắc áo”, danh dự; bảo đảm quyền lợi và thu nhập xứng đáng cho võ sĩ và võ đường. Điều lệ cũng cần khuyến khích tinh thần thượng võ, fair play; cấm cửa những võ đường vi phạm, võ sinh chơi xấu, có thái độ thi đấu tiêu cực, phản cảm…
Bên cạnh đó, phải xây dựng hội đồng chuyên môn có uy tín để đánh giá, phân loại trọng tài, võ sĩ, “cáp độ” cho phù hợp; trả thù lao, treo giải thưởng phù hợp với đẳng cấp.
Địa điểm tổ chức giải là nhà thi đấu thể thao trong Sân vận động Quy Nhơn để có thể tổ chức thi đấu quanh năm, dễ tác nghiệp truyền hình. Sàn đấu làm cơ động, lắp ghép được, để nhà thi đấu có thể sử dụng vào những mục đích khác. Đơn vị tổ chức giải phải là một doanh nghiệp, nhưng không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu; tốt nhất là một công ty cổ phần của những người đam mê nghiệp võ, biết kinh doanh. Các cơ quan quản lý nhà nước, Liên đoàn Võ thuật… sẽ chỉ đạo về đường lối, chuyên môn và phối hợp trong tổ chức.
Việc tổ chức nên phân thành 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 (khoảng 1 năm), thử nghiệm trong phạm vi các võ đường trong tỉnh; 2 tuần tổ chức 1 phiên vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật; vừa làm vừa hoàn thiện. Sang giai đoạn 2 (khoảng 2 năm), mở rộng đến các võ đường ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Giai đoạn 3 là giai đoạn chuyên nghiệp, mời các lò võ trong cả nước và tổ chức hàng tuần. Giai đoạn 1 sẽ do Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định phát sóng trực tiếp, có thể mời các địa phương lân cận; giai đoạn 2 liên kết phát sóng với các đài khác và giai đoạn 3 sẽ bán bản quyền cho nhà đài chuyên kinh doanh thể thao như K+, VTC, AVG...
Về kinh phí tổ chức, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần ở giai đoạn 1 cùng với bán vé xem trực tiếp, tài trợ của doanh nghiệp, bán quảng cáo tại sân. Giai đoạn 2 và 3, công ty kinh doanh tự chủ hoàn toàn về tài chính qua tài trợ, quảng cáo, bán bản quyền phát sóng.
|