|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Năm du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ-Phú Yên 2011 với chủ đề “Du lịch biển đảo” sẽ chính thức khai mạc vào ngày 1.4 tại thành phố Tuy Hòa, Phú Yên.
Năm du lịch quốc gia 2011 có sự liên kết hành động của 8 tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng tới Bình Thuận. Đây là lần đầu tiên, năm du lịch quốc gia có sự phối hợp của nhiều địa phương, tổ chức nhiều sự kiện tầm quốc gia và quốc tế trong suốt 12 tháng của năm. Đây cũng là cơ hội để quảng bá du lịch biển đảo Việt Nam đến đông đảo du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Du lịch - ngành công nghiệp không khói của Việt Nam đã phát triển mạnh những năm qua, trong đó, du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của toàn ngành. Du lịch là một trong năm hướng đột phá để phát triển kinh tế biển và ven biển lâu dài và bền vững.
Tiềm năng lớn từ Bắc vào Nam
Thông tin từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết Việt Nam có hơn 3.200km bờ biển, hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ cùng hàng loạt các bãi tắm đẹp từ Bắc vào Nam với những đặc trưng khác nhau. Đó là lợi thế thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam để phát triển du lịch. Có khoảng 125 bãi biển, vịnh biển thuận lợi để phát triển du lịch và hơn 30 trong số này đã được các địa phương khai thác tốt để để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Có thể kể đến một số khu vực đã được khai thác du lịch biển như Hạ Long-Hải Phòng-Cát Bà; Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam, Vân Phong-Đại Lãnh-Nha Trang, Phan Thiết-Mũi Né, Kiên Giang-Phú Quốc, Côn Đảo-Vũng Tàu...
Trong số các bãi biển, vịnh biển của Việt Nam, có một số điểm đến đã nổi tiếng thu hút nhiều du khách quốc tế tới du lịch hàng năm. Đó là Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới thuộc tỉnh Quảng Ninh; Vịnh Nha Trang - một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; bãi biển Đà Nẵng được bầu chọn là một trong sáu bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Vùng biển hàng năm cũng thu hút khoảng 70% số lượng khách quốc tế tới Việt Nam và 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thì du lịch biển chính là thế mạnh cần ưu tiên, trong đó, mỗi địa phương, vùng miền có biển trên dải đất hình chữ S này lại có thể phát triển sản phẩm du lịch biển một cách khác biệt.
Ví dụ như tới Hạ Long, Cát Bà, khách du lịch được tham quan thắng cảnh độc nhất vô nhị trên thế giới về cảnh quan đá vôi. Dải đất miền Trung từ Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An) cho đến Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Vũng Tàu thì lại có thế mạnh khác.
Ở đây, có tới 2 phân khúc, thứ nhất là từ Sầm Sơn (Thanh Hóa) tới Thừa Thiên Huế, thứ hai là từ Quảng Nam-Đà Nẵng cho tới Vũng Tàu. Mỗi phân khúc có đặc trưng riêng và cần sự ưu tiên khác nhau để phát triển sản phẩm dựa trên tiềm năng, tài nguyên thế mạnh, khác biệt về khí hậu, địa hình, địa mạo; điều này sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận riêng biệt rõ rệt với mỗi vùng biển.
Du lịch biển đã mang lại cơ hội xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển nhiều địa phương trong cả nước. Các bãi biển thiên nhiên tươi đẹp thu hút đông đảo du khách khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, cơ sở hạ tầng du lịch vùng ven biển nhằm đáp ứng nhu cầu du khách.
Theo thống kê, vùng ven biển Việt Nam có khoảng 1.400 cơ sở lưu trú, đặc biệt là các khách sạn từ 3 sao trở lên phần lớn tập trung ở đây. Du lịch biển phát triển cũng tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương vùng ven biển, làm đổi thay bộ mặt nhiều địa phương trước đó là nơi nghèo khó, kém phát triển.
Người dân địa phương, đặc biệt là lao động trẻ được đào tạo bài bản về du lịch để trực tiếp làm việc trên chính mảnh đất quê hương mình. Ước tính có khoảng 60.000 lao động gián tiếp là cư dân địa phương ở những vùng ven biển có phát triển du lịch. Ví dụ như vùng biển Mũi Né (Bình Thuận) từ một làng chài nghèo, thiếu thốn nay được mệnh danh là “thủ đô resort,” “thiên đường nghỉ dưỡng” của Việt Nam; biển Lăng Cô-Thừa Thiên Huế; đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đồng Hới (Quảng Bình), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)…
Các sản vật địa phương liên quan đến biển cũng theo đó mà phát triển thành thương hiệu, đậm dấu ấn bản sắc văn hóa địa phương cũng góp phần đáng kể vào việc phát triển sản phẩm gắn với các tour du lịch.
Sẽ có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển
Du lịch biển Việt Nam đã phát triển hơn, mang lại phần doanh thu nhất định song sự phát triển vẫn còn mang tính tự phát, sản phẩm còn trùng lặp gây lãng phí tài nguyên du lịch. Hơn nữa, Việt Nam mới chỉ có một vài thương hiệu du lịch biển đơn lẻ, chưa phải là thương hiệu cấp quốc gia được bạn bè quốc tế biểt đến rộng rãi. Do đó, Tổng cục du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch) đã xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển du lịch giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030 cùng nhiều đề án phát triển du lịch, trong đó có Đề án phát triển du lịch biển, đảo giai đoạn 2011-2020.
Hiện các văn bản này đang được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Chiến lược quốc gia về phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020 coi du lịch biển là loại hình chủ đạo cần ưu tiên phát triển bên cạnh du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cộng đồng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Mạnh Cường, phát triển du lịch biển đảo luôn được gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đặt trong mối quan hệ phát triển tổng thể chung kinh tế-xã hội. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, du lịch biển Việt Nam đứng vào nhóm các nuớc có du lịch biển phát triển nhất Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Từ nay đến thời điểm năm 2020, Việt Nam phải hình thành 5 khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực, là khu Hạ Long-Cát Bà; Lăng Cô-Sơn Trà-Hội An; Nha Trang-Cam Ranh, Phan Thiết-Mũi Né, khu du lịch Phú Quốc.
Bên cạnh đó, các khu du lịch biển giàu tiềm năng khác được đầu tư phát triển như Vân Đồn-Cô Tô; bước đầu khai thác tour du lịch ra Trường Sa; đầu tư, khai thác cảng du lịch chuyên dụng...
Một việc hết sức quan trọng khác là nghiên cứu để định hướng thị trường và phát triển sản phẩm du lịch biển; tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù ven biển như du lịch tham quan kết hợp với du lịch sinh thái; du lịch di sản gắn với nghỉ dưỡng, thể thao biển cùng nhiều sản phẩm phụ trợ khác.
Tổng cục Du lịch sẽ đóng vai trò chỉ đạo, thống nhất, xuyên suốt các nội dung, chủ đề hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia, trong đó tập trung về biển, hướng tới xây dựng thương hiệu biển…
. Theo TTXVN/Vietnam+ |