Bình Định được đánh giá là địa phương có khá nhiều tiềm năng để phát triển du lịch (DL). Tuy nhiên, việc tận dụng những tiềm năng này vẫn còn tương đối hạn chế. Vì thế, mục tiêu mà ngành DL Bình Định đặt ra là phải tìm sức bật mới, thông qua việc khai thác những sản phẩm DL đặc trưng.
|
TP Quy Nhơn về đêm. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
DL Bình Định đã gặt hái những thành quả tích cực trong thời gian gần đây. Có thể kể tới việc năm 2010, toàn tỉnh đã đón khoảng 971 ngàn lượt khách DL, trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 79.000 lượt; tổng doanh thu gần 276 tỉ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 105 cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó, có 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao; có 1.536 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế/tổng số 2.446 phòng… Những kết quả này tuy vẫn còn hạn chế nếu so với những địa phương trong nước có ngành DL phát triển, nhưng cũng thể hiện những bước chuyển biến tích cực của ngành DL tỉnh nhà.
DL Bình Định có lợi thế về địa lý với bờ biển dài và những bãi tắm đẹp, hấp dẫn như bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu, Tam Quan, đảo Yến, Quy Hòa, Bãi Dài.. cùng với một số di tích, danh thắng khá nổi tiếng. Bình Định có một số loại hình văn hóa đặc trưng có thể tạo sự thu hút khách DL như các loại hình nghệ thuật: tuồng, bài chòi... cùng các lễ hội truyền thống, khá độc đáo như Lễ hội chợ Gò, Lễ hội làng rèn Phương Danh, Lễ hội làng đúc đồng Bằng Châu, Lễ hội đô thị Nước Mặn, các lễ hội của cư dân miền biển, Lễ hội đâm trâu, Lễ hội đổ giàn… Bình Định cũng là cái nôi của võ thuật cổ truyền Việt Nam và đây cũng là một trong những nhân tố tạo nên sức hút khá lớn đối với khách DL, đặc biệt là du khách quốc tế.
Năm 2010, Bình Định đã tổ chức thành công Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ ba. Cùng với việc duy trì tổ chức Liên hoan này, tỉnh còn có hướng đầu tư để khôi phục các võ đường, xây dựng Học viện Võ thuật để có thể phát triển loại hình DL gắn với võ thuật.
Nhằm tạo sức hút lớn hơn cho ngành DL địa phương, mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị UBND tỉnh khuyến khích người dân, doanh nghiệp đóng mới hoặc nâng cấp tàu thuyền phục vụ khách DL; đồng thời, thông qua việc hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi để thúc đẩy nhanh việc hình thành đội tàu thuyền phục vụ DL biển…
Dù vậy, theo ý kiến của ngành DL và các chuyên gia, nhìn chung, sản phẩm DL của Bình Định còn đơn điệu; đội ngũ làm DL chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa chuyên nghiệp... nên chưa thực sự hấp dẫn du khách. Đây được coi là hạn chế lớn mà ngành DL Bình Định đang tìm những giải pháp hiệu quả để khắc phục.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2011, ngành DL tỉnh sẽ tập trung hưởng ứng các hoạt động của Năm DL Quốc gia vùng duyên hải Nam Trung Bộ 2011 và Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ I tại TP Quy Nhơn. Nhằm tạo sức hút lớn hơn, ngành DL tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến về DL.
Ngoài ra, thời gian tới, tỉnh Bình Định cũng sẽ tích cực thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa đặc trưng như văn hóa cồng chiêng. Đây vừa là một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa, đồng thời, cũng là biện pháp nhằm tạo điểm nhấn cho ngành DL của tỉnh. Bình Định hiện có trên 100 ngàn đồng bào dân tộc thiểu số, với hơn 80 bộ cồng chiêng được lưu giữ trong các nhà rông và gia đình theo nghi thức truyền thống. Việc bảo tồn, phát huy di sản cồng chiêng nói riêng và việc khai thác những giá trị văn hóa vào hoạt động DL nói chung sẽ mang đến cho DL Bình Định những nét đặc trưng, độc đáo riêng, tạo sức hút với du khách.
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành DL Bình Định đang nỗ lực khắc phục, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp hiệu quả hơn nhằm khai tốt hơn tiềm năng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn cho ngành DL địa phương.
|