Tìm hướng phát huy tiềm năng du lịch vùng Nam Trung Bộ
15:34', 3/4/ 2011 (GMT+7)

Hội thảo “Di sản văn hóa Nam Trung Bộ với sự phát triển du lịch trong hội nhập quốc tế” là dịp các nhà khoa học, nhà quản lý di sản văn hóa trao đổi trong việc tìm giải pháp phát triển du lịch gắn với các di sản văn hóa ở các tỉnh Nam Trung Bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 

Chùa Cầu trong phố cổ Hội An.

 

Vùng đất giàu giá trị văn hóa, mạnh tiềm năng du lịch

Tại hội thảo tổ chức ngày 2.4 tại TP Tuy Hòa, Phú Yên, các đại biểu đánh giá vùng duyên hải Nam Trung Bộ (trải dài từ TP Đà Nẵng đến Bình Thuận, gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hệ thống biển đảo Nam Trung Bộ) là vùng đất có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo.

Đó là các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa; các di chỉ Gò Đá, Bình Châu, Diên Sơn, Bình Tây, Hòn Tre; đàn đá Khánh Sơn, di sản giếng Chàm (Bình Định); Tháp Nhạn, núi Đá Bia (Phú Yên); Tháp Bà, Thành cổ Diên Khánh (Khánh Hòa); Tháp Pôklông Giarai gắn với lễ hội Katê, nhóm di tích tháp cổ Pô Sha Nư, lễ hội cầu ngư ở Bình Thuận…

Cùng với đó là các loại hình lễ hội dân gian truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, âm nhạc, nghệ thuật diễn xướng, kiến trúc, ca - múa -nhạc dân gian… vô cùng đặc sắc.

Ngoài tiềm năng về di sản văn hóa, các tỉnh Nam Trung Bộ còn có lợi thế do thiên nhiên ban tặng với các bãi biển đẹp và rất giàu tiềm năng cho phát triển du lịch:  Mỹ Khê (Đà Nẵng), Cửa Đại, Tam Thanh (Quảng Nam), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Tam Quan, Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận)…

Các đại biểu đều khẳng định di sản văn hóa Nam Trung Bộ là lợi thế, là sản phẩm đặc thù của vùng đất này trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, du lịch. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của một số địa phương trong vùng như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né…

Nhiều đại biểu đã nhấn mạnh các loại hình phát triển du lịch như: du lịch biển, du lịch văn hóa ở vùng đất này dù đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian qua, tuy nhiên, sự phát triển của các địa phương chưa đồng đều, chưa đồng bộ và thiếu bền vững.

Nhận thức được điều đó, những năm gần đây, các tỉnh trong vùng đã bước đầu gắn kết du lịch biển với du lịch văn hóa, khai thác các yêu tố văn hóa, lịch sử để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, nâng cao tính cạnh tranh, hình thành các loại hình du lịch chuyên biệt về di tích lịch sử, văn hóa.

Tour du lịch Con đường Di sản miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ đã được tổ chức và có kết quả ban đầu.

Gắn việc phát huy giá trị di dản văn hóa với du lịch

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, văn hóa và xã hội hiện nay thì du lịch văn hóa đang là hướng hát triển của nhiều quốc gia, dân tộc, trong đó có cách quảng bá hình ảnh đất nước qua các phương tiện truyền thông như: sách, báo, điện ảnh. Hình thức này đã được nhiều nước thực hiên rất thành công.

Các tỉnh Nam Trung Bộ có nhiều di sản văn hóa với giá trị văn hóa vô cùng quý báu, nhưng thời gian, chiến tranh cũng như những tác động của đời sống công nghiệp đã tác động khá rõ đến cộng đồng cư dân trong vùng. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ các giá trị di sản văn hóa, nhất là di sản phi vật thể dần bị mai một. Cùng với đó là việc những người hiểu biết về văn hóa phi vật thể ngày càng nhiều tuổi và sự truyền nghề cũng hụt hẫng.

Để tháo gỡ những khó khăn này, hầu hết các tham luận tại hội thảo cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là cần phải có sự quan tâm của các cấp ngành, địa phương để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, hướng tới sự cố kết, hội nhập và phát triển bền vững. Trong đó, du lịch được xem là một định hướng phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Như vậy, các di sản văn hóa sẽ vừa được bảo tồn lại vừa phát huy được giá trị trong quá trình thúc đẩy du lịch.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, đi đôi với phát triển văn hóa toàn vùng.

Ông Nguyễn Văn Lưu (Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL) cho hay, bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng, bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa, xây dựng thể chế, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực văn hóa, du lịch đủ về số lượng, chất lượng và hợp lý về cơ cấu là tháo gỡ nút thắt mang tính quyết định cho bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong phát triển du lịch Nam Trung Bộ từ nay đến năm 2020.

Còn theo PGS. TS Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam) nói thêm, trong qua trình hội nhập chúng ta phát triển du lịch văn hóa gắn với cộng đồng, trao quyền đầy đủ cho các cộng đồng địa phương trong việc quản lý nguồn lợi lâu bền, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững.

Chúng ta cũng cần điều tra, thống kê đầy đủ và phân loại các di sản văn hóa của toàn vùng; nghiên cứu kỹ nhu cầu và thị hiếu của du khách để định hướng thị trường đúng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương.

Ngoài ra, Nam Trung Bộ cần đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch, và liên kết với nhau thành một hệ thống để bảo tồn, phát huy và khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch.

. Theo Chinhphu.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tuần du lịch Hạ Long 2011: Mới lạ và hoành tráng  (03/04/2011)
Sẵn sàng các tour du lịch 30.4 và 1.5   (02/04/2011)
Di sản văn hóa Nam Trung Bộ với phát triển du lịch   (02/04/2011)
Khai mạc “Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ 2011”  (01/04/2011)
Tuần lễ biển và hải đảo sẽ diễn ra tại Nha Trang  (01/04/2011)
Phú Yên đón nhận bằng di tích danh lam thắng cảnh vịnh Xuân Đài  (29/03/2011)
Huế phát triển du lịch ven biển và vùng phụ cận  (29/03/2011)
Khách du lịch xem tuồng miễn phí  (27/03/2011)
Tìm sức bật cho ngành Du lịch Bình Định  (27/03/2011)
Điểm đến bình yên, thơ mộng  (26/03/2011)
Quảng bá du lịch Bình Định tại Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ I  (26/03/2011)
250 tour du lịch đặc sắc dịp lễ Giỗ Tổ và 30.4  (26/03/2011)
Cù Lao Chàm - Điểm du lịch xanh không túi nilon  (25/03/2011)
Quảng bá du lịch biển đảo Việt Nam đến du khách  (23/03/2011)
Tàu du lịch biển lớn nhất thế giới đến Nha Trang  (22/03/2011)