Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản văn hóa Nam Trung Bộ với sự phát triển du lịch trong hội nhập quốc tế”, vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Phú Yên tổ chức ngày 2.4, tại TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, về vấn đề phát huy giá trị di sản văn hóa trong hoạt động phát triển du lịch.
* Thưa Tổng Cục trưởng, ông có thể cho biết quan điểm của ông về giá trị của di sản văn hóa trong mối quan hệ với du lịch và hội nhập quốc tế?
- Bên cạnh nguồn tài nguyên biển đảo phong phú, đa dạng, độc đáo, có giá trị cho ngành Du lịch các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, thì di sản văn hóa cũng là một tài nguyên tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, nếu các địa phương nhận diện đúng và phát huy tốt. Ban Tổ chức Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên năm 2011 tổ chức Hội thảo quốc tế về chuyên đề “Di sản săn hóa với sự phát triển du lịch” là nhằm giúp ngành Du lịch và các địa phương nhận diện và làm rõ những giá trị của các di sản văn hóa trong khu vực để phát huy, khai thác gắn với du lịch.
|
Du khách tham quan danh thắng Hầm Hô (Tây Sơn). Ảnh: N.V |
Khu vực Nam Trung Bộ có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú và độc đáo, mang những đặc trưng riêng có. Tuy nhiên, sự gắn kết giữa di sản văn hóa với phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế nói chung chưa được nhiều. Thông qua Hội thảo này, các nhà quản lý ngành du lịch đặt vấn đề suy nghĩ để chuyển hóa, phát triển tài nguyên di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch cụ thể “bán” được cho du khách.
* Chủ đề Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 là “Du lịch biển đảo”. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng du lịch biển đảo của khu vực; đồng thời, làm thế nào để “liên kết vùng” cùng phát triển du lịch mà không bị trùng lắp?
- Tiềm năng du lịch biển đảo ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ là điều hiển nhiên. Cả khu vực này nằm trải dài dọc bờ biển đẹp, với nhiều vũng, vịnh, đảo, bán đảo mang vẻ đẹp lãng mạn, kỳ thú. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá để các tỉnh Nam Trung Bộ phát triển mạnh du lịch biển đảo.
Vấn đề đặt ra là với đặc điểm giống nhau về tài nguyên biển đảo, vậy làm thế nào để có thể liên kết các địa phương mà không trùng lặp các sản phẩm du lịch, tạo nên nét đặc trưng riêng. Đây là một vấn đề khó, nhưng tôi nghĩ, bản thân mỗi một vẻ đẹp đều mang sắc thái riêng và mỗi một địa phương, mỗi vùng miền cũng có những cảnh quan, sắc thái khác nhau. Cũng là biển, nhưng biển ở vùng này sẽ khác với vùng kia và ngược lại. Cùng với đó, nét văn hóa vùng miền cũng khác nhau sẽ tạo nên sự khác biệt.
|
Khu vực Nam Trung Bộ có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú và độc đáo.
- Trong ảnh: Một cảnh trong vở “Thoại Khanh Châu Tuấn” của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định tại Liên hoan Sân khấu dân ca kịch bài chòi toàn quốc vừa diễn ra tại TP Quy Nhơn. Ảnh: Văn Lưu |
Theo tôi, để tránh sự trùng lắp các sản phẩm du lịch (điều này đã xảy ra ở một số vùng), trước hết, cần có một quy hoạch phát triển tổng thể cho vùng trên cơ sở đánh giá một cách đầy đủ tài nguyên, tiềm năng để đưa ra định hướng phát triển. Mỗi địa phương cần chọn điểm nhấn, đặc trưng độc đáo của mình để đầu tư phát triển. Từ đó, liên kết các sản phẩm của từng địa phương lại thành một chuỗi các sản phẩm, điểm đến, tạo nên một hành trình xuyên suốt không lặp lại. Có vậy mới mang lại cảm giác mới lạ, thu hút du khách tham quan, khám phá.
* Đầu tư hạ tầng cho du lịch khu vực Nam Trung Bộ chưa đồng đều và chưa nhiều. Vấn đề này sẽ giải quyết thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
- Vấn đề đầu tư phát triển hạ tầng du lịch là nhiệm vụ cấp bách của quốc gia. Thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng cho du lịch ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ là chưa nhiều. Để giải quyết vấn đề này, cần có chính sách vĩ mô với sự chỉ đạo của Chính phủ, cũng như sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành. Đặc biệt, Giao thông vận tải là ngành có vai trò, ảnh hưởng rất lớn đến các tour, tuyến, các sản phẩm du lịch cụ thể. Với trách nhiệm của mình, Tổng cục Du lịch cũng như ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ làm hết sức để góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của ngành “công nghiệp không khói” ở khu vực Nam Trung Bộ trong thời gian tới.
* Xin cảm ơn Tổng Cục trưởng!
|