|
Đường Phố Hiến và nhà Đông Đô Quảng Hội |
Không huyên náo như phố cổ Hà Nội, Phố Hiến (Hưng Yên) êm đềm nửa quê nửa phố, phảng phất dấu ấn một thương cảng sầm uất từng vang bóng một thời. Câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” khiến tôi nhớ mãi và muốn một lần khám phá.
Xuất phát từ bến xe Lương Yên (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), tôi bắt đầu hành trình bằng tuyến xe buýt số 205. Hai giờ trên xe, qua Văn Giang rồi Khoái Châu, cuối cùng trước mắt cũng hiện ra một bờ đê xanh mướt. Một bên những bó hương làng hương xạ Cao Thôn bung xòe, khoe sắc; bên kia những rặng tre xanh rì và hàng nhãn lồng rợp bóng...
Khám phá phố thượng…
Với giá “hữu nghị” 50.000 đồng, anh xe ôm tên Công nói sẽ chở tôi đi tham quan một vòng phố Hiến. Từ đường Điện Biên, xe rẽ vào khu phố thượng với hàng nhãn cành lá xum xuê. Đi qua con đê làng là đến đền thờ Quan Lớn. Anh Công rành rọt kể về lịch sử của đền và các danh thắng như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.
Đền Quan Lớn nằm bên bờ đê sông Hồng với cổng tam quan đồ sộ. Đền thờ vị quan đệ tam đã có công lao đánh giặc Thục, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Trong đền mọi thứ đều sơn son thếp vàng, cùng tiếng hát chầu văn đều đặn vang lên, tạo một cảm giác thiền tịnh và thư thái.
Rẽ vào Văn miếu Xích Đằng, biểu tượng của nền học vấn Hưng Yên xưa, ấn tượng đầu tiên là hai hàng cây đại thụ hun hút dẫn đến một nghi môn cổ kính hai tầng. Qua cổng nghi môn là một khoảng sân rộng, ở giữa sân là “con đường thập đạo”, lối đi dành riêng cho quan lại và các vị giám khảo trong các kỳ thi xưa. Ngó qua cánh cửa nhà tiền tế đã đóng, thấy một pho tượng thờ Chu Văn An cùng 9 tấm bia đá ghi lại lịch sử xây dựng văn miếu.
Văn miếu Xích Đằng đã tồn tại gần 400 năm và ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam (nay là Hưng Yên) được xem là tinh hoa văn hóa của người dân Hưng Yên, vì thế theo lời anh Công, “khách chưa đến đây coi như chưa đến Phố Hiến!”.
|
Chùa Chuông được mệnh danh là "Phố Hiến đệ nhất danh thắng"
|
Thong dong phố hạ
Kết thúc chuyến khám phá phố thượng bằng xe máy tại chùa Chuông, tôi chuyển sang đi bộ tại khu phố hạ. Bắt đầu từ chùa Hiến, phường Hồng Châu chạy dài đến đường Trưng Trắc, phường Quang Trung. Đây là khu trung tâm của quần thể di tích Phố Hiến với hàng chục di tích danh thắng như đền Mẫu, đền Trần, đền Thiên Hậu, chùa Phố...
Không còn quang cảnh tấp nập nhộn nhịp, sầm uất như một thương cảng từng vang bóng, đường phố nay vắng vẻ. Dấu ấn của một thương cảng quốc tế lớn nhất nhì Việt Nam chỉ còn phảng phất qua vài di tích bắt gặp dọc đường. Đó là chùa Hiến (còn gọi là Thiên Ứng tự), nơi lưu giữ hai tấm bia đá ghi lại quá trình tụ cư của thương cảng phố Hiến.
Ngôi chùa này còn có cây nhãn Tổ đã hơn 300 năm, nằm trước cửa chùa. Đây là cây nhãn đường phèn có dáng hình đẹp, quả to, cùi dày, hương vị thơm ngon. Mỗi mùa nhãn chín, các nhà sư thường chọn hái để dâng đức Phật, cúng thành hoàng và để quan lại địa phương tiến vua. Thân cây chính nay đã mục ruỗng, chỉ còn một nhánh được vun gốc, phát triển thành cây “hậu duệ”, hiện diện như một biểu tượng của giống nhãn đặc sản Phố Hiến - Hưng Yên.
Cách chùa Hiến không xa là nhà Đông Đô Quảng Hội được xây dựng năm 1590, từng là nơi hội họp của các thương gia nước ngoài, chủ yếu là người Hoa đến làm ăn, buôn bán tại vùng Phố Hiến vào thế kỷ 16,17. Cánh cổng vẫn đóng hằng ngày, chỉ trơ những khung gỗ đã ngả màu nâu thẫm.
Và cũng chỉ vài chục bước chân nữa, như tách biệt với những tòa nhà cao tầng đang đua nhau mọc bên đường, men theo con đê Quảng Châu là đã cảm nhận chút quê giữa lòng Phố Hiến.
Con đê dài hun hút, quanh co với những tán cỏ xanh mượt. Dưới ánh trời chiều, một vài người phụ nữ thong thả đạp xe đi làm đồng, còn mấy cụ già, em nhỏ ngồi chăn bò dưới những gốc nhãn thân sần sùi, trổ màu hoa lấm tấm ven đê. Cảm giác bình yên đến lạ lẫm…
Từng là thương cảng quốc tế vang bóng một thời vào thế kỷ 16-17, Phố Hiến nay là dải bãi bồi từ thôn Đằng Châu (xã Lam Sơn) đến thôn Nễ Châu (phường Hồng Châu, TP Hưng Yên). Phố Hiến có những địa danh trên cùng trục đường không thể bỏ qua:
1. Đền Quan Lớn - Văn miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn)
2. Chùa Chuông - đình An Vũ (phường Hiến Nam)
3. Chùa Nễ Châu - Chùa Hiến - Đông Đô Quảng Hội (đường Phố Hiến)
4. Đền Mẫu - đền Trần (đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, TP Hưng Yên) 5. Đền Thiên Hậu - Chùa Phố - Võ Miếu (đường Trưng Trắc, phường Quang Trung). |
. Theo TTO |