Di sản văn hóa là sản phẩm quan trọng nhằm phát triển du lịch (DL), đặc biệt khi nó được quan tâm, bảo vệ và phát huy những giá trị tiềm ẩn. Việc liên kết giữa di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh ở mỗi địa phương để tạo nên những sản phẩm DL hấp dẫn là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản văn hóa Nam Trung Bộ với sự phát triển DL” do UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Phú Yên.
|
Trích đoạn tuồng “Trưng Trắc đề cờ” của Nhà hát Tuồng Đào Tấn thường được biểu diễn phục vụ khách du lịch.Ảnh: B.L
|
Các tỉnh Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) đã được tiền nhân để lại những kho tàng di sản vô giá. Hầu như địa phương nào cũng có những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang giá trị lịch sử, văn hóa to lớn. Trong đó, có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới: Khu phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn.
Không chỉ có di sản văn hóa, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ còn có nhiều thắng cảnh đẹp, nổi tiếng như vịnh Nha Trang, biển Phan Thiết, núi Ngũ Hành Sơn… Nếu hai hoạt động này gắn kết với nhau để phát triển DL hiệu quả thì khu vực này sẽ hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng nhiều.
Dù những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Nam Trung Bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong việc khai thác, phát huy di sản văn hóa để phát triển DL, nhưng không phải không còn những hạn chế, bất cập. Ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - đơn vị tổ chức Hội thảo - cho biết: Ban Tổ chức đã nhận được trên 80 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý. Điều này đã nói lên được tầm quan trọng cũng như sức hút của vấn đề.
Tại Hội thảo, các tham luận đã định vị thương hiệu sản phẩm DL biển - đảo cho các tỉnh thuộc vùng du lịch Nam Trung Bộ. Thạc sĩ Trịnh Lê Anh, khoa DL, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Một trong các tiêu chí phân vùng DL của Việt Nam là loại hình sản phẩm DL độc đáo. Nam Trung Bộ nói chung có những điểm đến mới mẻ với quá trình phát triển nhanh chóng hệ thống sản phẩm DL biển - đảo như một đặc trưng chung của vùng. Cũng cần bắt đầu sớm với việc định vị thương hiệu ngay trước khi quá trình khai thác trở nên mạnh mẽ hơn sau những đòn bẩy từ các hoạt động xúc tiến của Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011. Bởi Năm Du lịch Quốc gia 2011 đang được kỳ vọng là cú hích để DL vùng khởi sắc và phát triển mạnh hơn”.
PGS.TS Lương Hồng Quang cho rằng, di sản ở khu vực Nam Trung Bộ vẫn còn ở dạng tiềm năng trong việc gắn nó với phát triển DL. Muốn kết hợp và phát triển được thì cần phải có một loạt giải pháp để biến di sản ở dạng tiềm năng thành sản phẩm DL. Tất nhiên nó đòi hỏi cần phải có một cấu trúc đồng bộ xã hội của khu vực này. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Thưởng, Trường Đại học Phú Yên, trong tham luận “Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa: Đá Bia - Vũng Rô và Đá Đĩa - Xuân Đài ở Phú Yên theo hướng phát triển DL bền vững” cho rằng, để phát triển lâu dài và bền vững lĩnh vực này, cần hỗ trợ thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; các địa phương phải phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, nhất là tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa.
Còn Thạc sĩ Trịnh Lê Anh lại quan tâm tới sản phẩm riêng có của từng địa phương: “Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại địa phương cũng cần đưa ra những sản phẩm mới, độc đáo và nhất là phải có cái riêng, cái khác biệt”. Thạc sĩ Anh ví dụ: “Để kéo du khách quốc tế ra khỏi điểm tham quan truyền thống là phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn, một số doanh nghiệp lữ hành đã đưa ra sản phẩm khá độc đáo như đánh cá, chèo thuyền, lắc thúng, trồng rau. Một sản phẩm tưởng đơn giản nhưng khi liên kết với nông, ngư dân đã tạo cho du khách những trải nghiệm thú vị về công việc nhà nông, ngư dân... Vấn đề là sự đầu tư, hướng dẫn của doanh nghiệp DL; cơ chế hỗ trợ của địa phương để từ đó, mới mong tạo một sản phẩm đặc trưng của sản phẩm mỗi vùng hay mỗi tỉnh”.
Nhóm nghiên cứu của nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương (TP Đà Nẵng) lại đặt ra vấn đề về liên kết vùng di sản rộng lớn hơn, đó là khu vực Nam Trung Bộ - Lào và Campuchia. Theo nhóm tác giả, vùng này có nhiều di sản hiện có và các dấu vết của các di sản chưa được khai quật, cùng cảnh quan thiên nhiên sông, núi… sẽ là tiềm năng lớn trong việc phát triển DL trong thời gian tới.
Có thể nói, việc gắn di sản với phát triển DL tại khu vực Nam Trung Bộ còn nhiều vấn đề phải bàn; để từ đó, có những kết luận làm cơ sở cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách nhằm phát triển ngành “công nghiệp không khói” được bền vững. Đồng thời, làm phong phú thêm sản phẩm DL của khu vực Nam Trung Bộ để ngày càng thu hút du khách đến nhiều hơn.
. Theo baodulich |