Mặc dù được đánh giá là thị trường du lịch tiềm năng và tốt nhất khu vực, song việc khai thác thế mạnh trong du lịch của Việt Nam vẫn còn nhiều “sạn”, nhất là về chất lượng dịch vụ...
Tổ chức Giám sát doanh nghiệp quốc tế (BMI) vừa công bố báo cáo về ngành du lịch Việt Nam. Theo đó, dự báo năm nay Việt Nam sẽ thu hút khoảng 5,58 triệu lượt du khách, tăng 8% so với năm 2010 là 5,16 triệu lượt khách. BMI cho rằng, với lượng khách đến Việt Nam trong năm 2010 tăng 40% so với năm trước, Việt Nam đã trở thành thị trường du lịch hoạt động tốt nhất trong khu vực. Điều này đặc biệt ấn tượng khi trước đây Việt Nam thường đứng sau các nước khác trong khu vực như Ấn Độ và Thái Lan. Mặc dù được đánh giá là thị trường tốt nhất, song ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều “sạn”, nhất là về chất lượng dịch vụ. Vào các dịp nghỉ lễ, tình trạng quá tải khiến các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch, trong đó 80% là dịch vụ nhỏ lẻ “chặt, chém” khách hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều “sạn” là vì chúng ta chưa đầu tư đúng và đủ cho du lịch, các doanh nghiệp mới chỉ hoạt động theo kiểu “chụp giật”, chèn ép khách hàng, phi văn hóa… chứ chưa có chiến lược, kế hoạch dài hơi.
Thực tế cho thấy, tiềm năng du lịch của Việt Nam rất lớn, với 11 di sản thế giới được UNESCO công nhận (Malaysia, Thái Lan chỉ có 4-5 di sản). Đặc biệt, Singapore không có di sản thế giới nhưng trung bình một năm đón khoảng 12 triệu lượt khách quốc tế, trong khi đó, năm 2010, Việt Nam cũng chỉ đạt kỷ lục với 5 triệu lượt khách quốc tế.
TS. Phạm Trung Lương - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch - cho biết: Nhận thức của người dân và cán bộ các cơ quan chức năng ở Việt Nam đối với ngành du lịch chưa cao. Lý giải điều này, ông Lương cho rằng, chúng ta đã có chiến lược phát triển du lịch tầm nhìn 20 năm (từ năm 2000 đến năm 2020), nhưng lại chưa đầu tư cho du lịch đúng tầm. Đơn cử việc đầu tư cho quảng bá hình ảnh năm 2009 của Việt Nam đầu tư 3 triệu USD, nếu so sánh với nước láng giềng Malaysia là 150 triệu USD, dễ thấy sự lép vế… Bên cạnh đó, việc quản lý du lịch yếu kém, không quản lý được chất lượng dịch vụ dịp cao điểm, cũng không hỗ trợ được cho các hộ kinh doanh du lịch trong những dịp thấp điểm. Hiện tượng thiếu đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ; không giữ uy tín; kinh doanh nhỏ lẻ, cạnh tranh thiếu lành mạnh; coi thường khách hàng… là hiện tượng phổ biến ở khu vực kinh tế này.
Tại Việt Nam, nhiều tiềm năng du lịch bị lãng phí, như du lịch biển. Mặc dù có hơn 3.200 km bờ biển nhưng Việt Nam chưa phát huy và sử dụng hết tiềm năng, gây lãng phí tài nguyên quốc gia. Nhiều chuyên gia nước ngoài phân tích, do chưa khai thác được tiềm năng nên chỉ mới tính riêng cho các môn thể thao trên biển, Việt Nam cũng mất đi hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Chính phủ Việt Nam xác định du lịch là một ngành chiến lược chủ chốt với mong muốn ngành này đóng góp 4,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2011. Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam đã tiến hành nhiều chương trình phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái… Trong chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020, ngành du lịch chuyển hướng phát triển theo chiều sâu, lấy chất lượng làm trọng tâm để nâng cao doanh thu. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngành du lịch cần có những chiến lược cụ thể, rõ nét hơn nhằm khai thác các dịch vụ gia tăng, nâng cao khả năng chi tiêu của du khách, khách lưu trú tại Việt Nam lâu hơn.
. Theo CôngThương |